Ngày 10/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ khảo sát thực địa tại gành Đá Đĩa để chỉ đạo việc triển khai đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt này. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và huyện Tuy An.
Dự án tu bổ, tôn tạo Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa thuộc chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, được Thủ tướng Chính phủ lập phê duyệt tại Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021. Dự án có các hạng mục mở rộng bãi đỗ xe, cải tạo cổng và đường vào khu di tích, mở rộng khu hoa viên và các hoạt động ngoài trời, cầu đi bộ ngắm cảnh quan gành Đá Đĩa… với kinh phí khoảng 40 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh. Dự án triển khai từ năm 2023-2025. Riêng năm 2022, từ nguồn xã hội hóa, tỉnh đầu tư xây dựng tiểu cảnh công viên ở khu vực phía đông bắc cổng ra vào gành Đá Đĩa. Ngoài ra, Sở VH-TT-DL kiến nghị tỉnh nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 1 đến gành Đá Đĩa nhằm đáp ứng lưu lượng khách tham quan du lịch, tránh tình trạng quá tải, kẹt xe.
Qua khảo sát thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ chỉ đạo Sở VH-TT-DL phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư tôn tạo di tích đảm bảo đúng quy định, xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi triển khai dự án tu bổ, tôn tạo Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa.
Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020. Gành Đá Đĩa được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, lục giác phân bố bên bờ biển rộng 50m, dài 200m. Theo các chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một vài địa điểm cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi... Tuy nhiên bazan dạng cột tại gành Đá Đĩa ở tỉnh Phú Yên là độc đáo nhất.
PV