Bằng niềm say mê tìm hiểu tinh hoa văn hóa dân tộc, sức trẻ và sự sáng tạo, Võ Nhĩ Khang, sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc, Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã mang thư pháp Việt đến gần với mọi người. Trong chiếc áo dài, khăn đóng, ngồi viết chữ tặng mọi người, chàng sinh viên 22 tuổi đã góp phần giữ gìn và bồi đắp tình yêu tiếng Việt; đồng thời khôi phục và bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc tưởng chừng bị lãng quên trong thời đại công nghệ.
Bén duyên cùng thư pháp
Nếu có dịp tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh năm 2019 mới đây của Trường đại học Xây dựng Miền Trung, đi ngang quầy tặng chữ thư pháp miễn phí, mọi người sẽ khó quên được hình ảnh chàng trai tuổi đôi mươi đang cặm cụi ngồi viết chữ giữa vòng vây của nhiều người.
Trên chiếc bàn con với giấy mực, màu vẽ, Nhĩ Khang tỉ mỉ viết từng con chữ mang những thông điệp ý nghĩa như: Bình an, Gia hòa, Phúc, Thọ… tặng cho mọi người. Nhìn cách em cầm bút, nhấn nhá từng nét chữ, phong thái không khác gì một ông đồ chuyên nghiệp.
Trong ba giờ đồng hồ, Nhĩ Khang đã viết hơn 70 bức thư pháp, tặng cho các học sinh, sinh viên đến với ngày hội. Cầm bức thư pháp với những con chữ quốc ngữ nhảy múa do Khang viết tặng, không ít người trầm trồ, khen ngợi.
Trò chuyện với Khang, em cho hay, niềm đam mê thư pháp Việt đến với em khá tình cờ. Năm học lớp 9, Khang có niềm vui là ngắm trang bìa tập vở, em bị các con chữ thư pháp in trên đó cuốn hút. Những lúc học bài xong, Khang giải trí bằng cách lấy viết bi đồ lại các con chữ này.
Lên lớp 10, em dành dụm tiền tiêu vặt ba mẹ cho, mua bút lông, nghiên và mực tàu về tập viết. Khang lên mạng tìm hiểu cách cầm bút, sử dụng mực, tư thế ngồi, học cách viết thư pháp đẹp… Lúc đầu, em tận dụng giấy báo, mặt sau của lịch treo tường tập viết, sau đó, khi con chữ đã trở nên thuần thục hơn, em tự tin viết thẳng lên vách tường nhà.
Những con chữ của buổi đầu tập viết dù chưa điêu luyện như bây giờ, nhưng lại mang đến cho Khang và gia đình em một niềm vui. Và ba mẹ em, những người nông dân chân chất, một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mỗi khi ai đến nhà chơi, lại hào hứng chỉ lên tường, khoe chữ thư pháp do con trai tự mày mò tập viết.
Song, Khang chỉ tự tin khoe chữ thư pháp do em viết trước mọi người vào cuối năm lớp 12 trong một chương trình văn nghệ của Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu). Từ đó, nhiều người biết Khang có khả năng viết chữ thư pháp và xin tặng chữ. Khi thi đậu vào Khoa Kiến trúc,
Trường đại học Xây dựng Miền Trung, Khang có dịp theo các sinh viên khóa trên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm viết thư pháp, từ đó, chàng sinh viên năm nhất quê ở xã Xuân Phương, TX Sông Cầu mạnh dạn viết chữ tặng và bán chữ để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt phí.
Khang bộc bạch: “Viết thư pháp không chỉ là viết ra những nét chữ đẹp mà còn phải nắm được tâm tư, tình cảm của người dụng viết muốn truyền đạt thông qua tác phẩm của mình. Ngoài nắm vững kỹ thuật trong cách viết, bố cục, người viết cần phải có sự rung cảm, sáng tạo ra nét chữ mang phong cách, đặc trưng riêng của mình”.
Một khách hàng hào hứng chụp hình với các sản phẩm dưa, dừa thư pháp đầy sáng tạo do Khang tạo ra - Ảnh: CTV |
Dụng công trong từng bức vẽ
Những ngày này, Khang đang bận rộn làm đồ án tốt nghiệp. Tuy vậy, chàng sinh viên năm cuối vẫn không thể gác lại niềm say mê viết chữ thư pháp. Trong căn phòng trọ chưa đầy 12m2 trên đường Nguyễn Du (phường 7, TP Tuy Hòa), Khang dành một góc nhỏ làm chỗ ngủ, còn lại, em giăng “đồ nghề”, nào là bút cọ, sơn màu, lọ mực, giấy vẽ…
Lấy đêm làm ngày, chàng sinh viên năm cuối đang gấp rút hoàn thành bức tranh thi họa có nội dung về cha mẹ để giao cho khách đúng hẹn. Bức tranh ý nghĩa này sẽ theo một cặp vợ chồng trẻ từ Phú Yên ra Bắc để làm quà mừng kỷ niệm 30 năm ngày cưới đấng sinh thành ra họ. Vì vậy, Khang càng ra sức chăm chút và tỉ mẩn trong từng nét chữ.
Mỉm cười khi tác phẩm hoàn thành sau hai ngày “vật lộn” với cọ vẽ, bút mực và sơn màu, ông đồ 22 tuổi phấn khởi, cho hay: “Để tác phẩm thêm ý nghĩa và ấn tượng, ngoài con chữ chính, em còn thêm hai câu đối hoặc thơ, ca dao. Bên cạnh đó, em còn tận dụng thế mạnh vẽ vời của dân kiến trúc để tác phẩm thêm độc đáo, bắt mắt”.
Mặc dù chưa từng trải qua trường lớp đào tạo bài bản về thư pháp, những kiến thức và kinh nghiệm mà Khang có được do tự mày mò, nhưng những tác phẩm của em vẫn được nhiều người đánh giá cao. Không chỉ nhận được sự yêu mến của các khách hàng trong tỉnh, những bức thư pháp của em còn được mang ra Bắc, vào Nam, trong hành lý của du khách ra nước ngoài…
Theo Khang, nghệ thuật thư pháp ngày nay không còn chỉ đóng khung trong “mực tàu, giấy đỏ” mà còn được thể hiện trên những chất liệu mới như: gỗ, đá, trúc, tre, vải, gấm, vỏ các loại trái cây… Vì vậy, em thường xuyên tìm kiếm các chất liệu mới để thử nghiệm và sáng tạo. Để phục vụ “thượng đế” của mình tốt hơn, Khang sưu tầm nhiều câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn theo từng chủ đề; kết hợp hài hòa giữa viết và vẽ cho bức tranh thêm đặc sắc…
Anh Nguyễn Trần Hiền, phường 6, TP Tuy Hòa, bộc bạch: “Tôi ấn tượng với Khang từ lúc em viết chữ tặng mọi người trong một lễ hội đầu xuân được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Pytopia. Mặc dù tuổi đời của em còn trẻ, lại không trải qua trường lớp nào đào tạo về thư pháp, nhưng nét chữ uốn, nhấn rất đẹp, câu đối cũng hay.
Ngồi nghe Khang tán chữ, tôi thấy em có kiến thức văn hóa, vốn từ, thi ca khá phong phú. Vì vậy, tôi tin tưởng chia sẻ câu chuyện của mình để nhờ ông đồ sinh viên cho con chữ cầu may. Tôi còn đặt em viết thư pháp để gửi tặng một người quen bên Liên Bang Nga”.
Đưa thư pháp Việt đi xa hơn
Gần 8 năm gắn bó với thư pháp, tuy chưa lâu, nhưng cũng đủ để Khang cảm nhận những cái hay, cái đẹp của một loại hình nghệ thuật tinh tế và uyên thâm của dân tộc. Từ một thanh niên đang tuổi mới lớn, tính tình xốc nổi, dễ nóng giận, sau một thời gian tìm hiểu và luyện viết thư pháp, Khang thấy mình đã chững chạc và trưởng thành hơn trước rất nhiều. Em cũng tự nhận mình suy nghĩ già dặn và chín chắn hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Đam mê thư pháp, Khang nhiều lần viết chữ tặng mọi người trong các chương trình tuyển sinh, chào đón tân sinh viên của trường, hội thơ Nguyên tiêu tại Tháp Nhạn, chương trình mừng Đảng mừng xuân do các doanh nghiệp, tỉnh tổ chức. Ngoài ra, em còn cùng các thành viên trong CLB Kiến trúc Trường đại học Xây dựng Miền Trung tổ chức gian hàng bán tranh thư pháp gây quỹ cho CLB hoạt động.
Như các sinh viên kiến trúc khác, Khang cũng có biệt tài vẽ và vẽ rất có hồn. Những bức tranh thủy mặc, tranh phong cảnh, danh lam thắng cảnh Phú Yên của em làm ngẩn ngơ trái tim của bao người. Mến mộ nét vẽ của em, nhiều chủ quán đặt Khang vẽ tranh tường tại các homestay, quán cà phê, nhà hàng… Khang chia sẻ: “Em mong muốn qua những bức thư pháp quốc ngữ và tranh vẽ của mình, mọi người sẽ thêm yêu tiếng Việt cũng như phong cảnh, đất nước, con người Phú Yên hơn”.
Thầy Trần Văn Hiến, Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho hay: “Khang là một sinh viên chịu khó trong học tập, tích cực trong các phong trào do trường, khoa tổ chức. Em đã vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tế, tham gia thiết kế các mô hình homestay… Đặc biệt, Khang còn có một niềm đam mê và năng khiếu viết thư pháp.
Bút lực của Khang khá sung, em đã có nhiều cách làm sáng tạo như: khắc chữ thi pháp trên trái dưa, trái dừa bán cho mọi người chưng trong dịp Tết; viết tên bằng chữ thư pháp trên gáo dừa, gỗ, làm móc khóa tặng học sinh, sinh viên các trường… Qua đó giúp mọi người cảm thấy thư pháp Việt thật gần gũi, cảm thụ được cái hay cái đẹp của loại hình nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát huy”.
KHÁNH HÀ