Một ngày rực rỡ nắng, người đàn ông nói giọng Bắc đến Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An), miên man nhớ về ngôi làng Ma Liên chang chang cát trắng. Nơi đó có trạmGiao liên binh trạm, và có một gia đình nghèo ngày ngày dành những con cá ngon cho 5 sĩ quan người Hà Nội trong gần hai tuần họ đi phép, bịtrận lụt giữ lại sau cơn bão tháng 8/1975.
Người đàn ông đó chính là nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Trước khi nổi tiếng trên văn đàn, ông có những năm tháng rực lửa trên chiến trường Tây Nguyên, là mộtsĩ quan chỉ huy cao xạtrong Quân đoàn 3 Tây Nguyên tiến về giải phóng Sài Gòn. Ông là nhân chứng sống, một nhân vật trong phim tài liệu Ngày cuối cùng của chiến tranh do cố đạo diễn Đào Thanh Tùng viết kịch bản và em trai ông - NSND Nguyễn Thước làm đạo diễn.
44 năm. Đâu làng chài nghèo với vài chục nóc nhà liêu xiêu mưa nắng? Đâu những gương mặt, ánh mắt như là nỗi ám ảnh? Chỉ có tiếng sóng biển cồn cào và ký ức chưa bao giờ ngủ yên.
Câu chuyện của người dân địa phương và những bước chân đưa nhà văn đến trước ngôi trường mẫu giáo. “Bằng cảm thức, tôi nhận ra binh trạm năm nào. Tôi đã từng đến đây - ngày đó tôi trẻ măng, mới 27 tuổi, cùng với 4 sĩ quan người Hà Nội, người có cấp bậc cao nhất là thiếu tá, thấp nhất là chuẩn úy. Chúng tôi được đường dây của binh trạm cung cấp lương thực, nhưng khi đó thiếu thốn đủ thứ. Người dân ở đây đã san sẻ bữa cơm của họ cho chúng tôi”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ rưng rưng nhớ lại.
Phú Yên - nơi người bạn thân hy sinh
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương miền Bắc, như bao thanh niên trong thế hệ mình, chàng trai Nguyễn Văn Thọ hăm hở nhập ngũ khi vừa đủ tuổi. “Cuộc chiến kéo dài đến hết cả tuổi thanh xuân của người lính. Chúng tôi đánh nhau vớimáy bay Mỹở miền Bắc hai năm, rồi được lệnh vào Nam. Năm 1970, chúng tôi quần nhau với địch ở biên giới Vĩnh Linh, Quảng Trị. Sau đó, chúng tôi vào đường Trường Sơn, sang chiến đấu ở Nam Lào. Rồi trung đoàn cao xạ của tôi - Trung đoàn 593 thuộc Sư đoàn 320 - hành quân vào Tây Nguyên”, tác giả Gió lạnh, Vàng xưa, Thất huyền cầm, Vườn mộng… kể.
Chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thọ có một kỷ niệm nho nhỏ với văn công Phú Yên khi họ tham gia hội diễn với Quân đoàn 3 tại mặt trận này. Trong đôi mắt trong trẻo của những người lính trẻ, con gái Phú Yên rất đẹp. Có một cô văncông xinh lắm, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thọ rất muốn làm quen nhưng hội diễn xong thì các đơn vị nhanh chóng rời đi vì lo ngại địch ném bom B52.
Ông kể: “Chúng tôi đánh Buôn Ma Thuột; Quân đoàn 2 của địch bỏ chạy. Chúng ta có những bước tiến mới về mặt chiến lược, buộc địch phải lúng túng đối phó trên toàn mặt trận. Và sau khi Tây Nguyên thất thủ, địch tràn theo đường 7 xuống Phú Yên. Đơn vị tôi được chia ra, đại đội tôi đánh Cheo Reo xong quay về Hố Bò chờ lệnh. Một đại đội khác trong trung đoàn đánh tiến xuống Phú Yên. Tôi có một người bạn rất thân tên là Nguyễn Văn Đón, cùng tuổi với tôi. Anh ấy đã hy sinh ở Phú Yên, lúc mới 26 tuổi. Tại Hố Bò, khi biết tin anh ấy hy sinh, tôi buồn lắm và đã viết một bài thơ dài mà bây giờ tôi còn nhớ một đoạn:
“Đến bây giờ nhớ lắm Đón ơi!
Sài Gòn sắp về ta rồi đó
Mày vẫn nằm yên trên vùng cát đỏ
Đến bây giờ thương lắm Đón ơi...”.
Anh lính trẻ Nguyễn Văn Thọ (năm 1965) và nhà văn Nguyễn Văn Thọ (năm 1996) - Ảnh: NGUYỄN THƯỚC |
Phú Yên - nơi người dân san sẻ bữa cơm nghèo
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị của ông Nguyễn Văn Thọ đóng quân tại Đồng Dù, Củ Chi. Các sĩ quan có hoàn cảnh đặc biệt được trở về thăm quê hương, gia đình trong đợt đầu; chuẩn úy Thọ cũng có tên trong danh sách đó. Một nhóm 5 người lính Hà Nội cùng đi với nhau.
Nhà văn nhớ lại: “Xe qua đèo Cả, đến Phú Yên, cậu bạn đi cùng chỉ trỏ, bảo chúng tớ từng đánh ở chỗ này, chỗ kia… Binh trạm được đặt tại nơi mà bây giờ là trường mẫu giáo. Đến làng Ma Liên - ngôi làng có nghĩa địa lớn ở đầu làng, chúng tôi gặp một trận lụt nên trú lại, chờ nước rút. Chúng tôi ở trong một ngôi nhà cách biển khoảng 70-80m, đêm nằm nghe sóng vỗ rì rầm, rất sốt ruột.
Trong nhà chỉ có ông bố và người con dâu. Ông bố lầm lì, suốt ngày ngồi trong xó tối. Chúng tôi chào hỏi xã giao và mời ông ăn cơm cùng nhưng ông không ăn. Cơm gạo rất ngon vì binh trạm cấp cơm từ gạo chiến lợi phẩm, nhưng thức ăn thì không có gì, thậm chí rau cũng không có do lụt lội.
Người con dâu rất xinh, khoảng 22-23 tuổi, tóc đen nhánh. Cô ấy cứ sáng đi tối về, gương mặt luôn luôn buồn. Tôi và Dương - hai người trẻ nhất trong nhóm - rất thích cô ấy, nhưng cả hai đều sợ kỷ luật dân vận nên không dám nói gì. Ngày thứ ba, đến bữa cơm thì cô ấy mang một đĩa cá cho chúng tôi. Cá ở đây rất tươi ngon”.
Khi đã có thể trò chuyện, những người lính Hà Nội mới biết chồng người phụ nữ trẻ là địa phương quân của chế độ cũ, vừa mất trên đèo Cả nên trong nhà mới buồn như thế. Ngày ngày, vào sáng sớm, người phụ nữ trẻ ra bãi biển mua cá của ngư dân và mang đến một cái chợ gần đó để bán. Thương hoàn cảnh của cô ấy, hai người lính trẻ ra bãi biển phụ giúp cô bê cá ra chợ.
Ban đêm, cả nhóm nằm trên tấm phản, nghe sóng dồn lên ngoài bãi. “Sau 12 ngày, nước lụt rút, chúng tôi tạm biệt gia đình đó, lên đường. Ông bố đứng ở bậc cửa trước nhà, còn cô ấy tiễn chúng tôi ra hàng ràorồi quay lại. Và câu chuyện đó theo tôi mãi, theo đến tận giờ”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể đến đây thì lặng đi.
Câu chuyện của 44 năm trước chính là lý do ông gác lại công việc bộn bề ở Hà Nội, đến Phú Yên tham gia Trại sáng tác Văn học do tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Ông muốn tìm lại làng Ma Liên cách đây hơn 40 năm, tìm lại hai cha con có gương mặt rất buồn vì người thân vừa mới mất, đã chia cho ông và đồng đội bữa ăn của họ.
“Tôi nhớ người cha có gương mặt nhuộm nắng biển. Ông ấy trạc tuổi bố tôi, chắc đã qua đời. Con dâu ông, nếu còn, thì nay cũng gần 70 tuổi. Ngày đó, trong hoàn cảnh ấy, cha con họ vẫn san sẻ bữa ăn cho chúng tôi”, người cựu binh Giải phóng quân nay đã 71 xuân xúc động nói.
Không tìm được ngôi nhà mà nhóm sĩ quan trẻ đã tá túc suốt 12 ngày trong khi chờ nước rút nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ tin chắc rằng mình đã trở về đúng nơi mà cả nhóm dừng chân cách đây 44 năm. Mọi thứ đã thay đổi! Cái xóm nghèo đã biến đi đâu? Nhà cửa san sát. Nơi binhtrạm xưa, nay đã là trường học. Con đường mới rộng ôm lấy biển và vẫn nghe sóng biển kể rì rầm…
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã gặp, trò chuyện với một số người dân địa phương. Ông say sưa kể về một kiến trúc sư trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học ở TP Hồ Chí Minh đã trở về quê hương lập nghiệp. Ông kể về một người dân địa phương thật thà chất phác, có cha chết trận ở Tây Nguyên trong chiến tranh, đã nhiệt tình chở ông về trại sáng tác ở Khu du lịch Sao Việt bằng xe máy và nhất quyết không lấy tiền công.
Nhà văn cảm nhận sự chất phác, hồn hậu và tấm lòng của người dân nơi này, cảm nhận sức sống mãnh liệt của một vùng đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, nơi màu xanh đã vươn lên trên cát bỏng.
*
* *
Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tôi đã hiểu vì sao sau gần 30 năm sống ở châu Âu, ở tuổi ngoài 60, ông về nước. Trở về để viết trên quê hương, để sống với bạn bè, chia sẻ với bạn bè những điều mình yêu thương, suy ngẫm, mong đợi… Ông thổ lộ: “Tôi trở về, mỗi sớm nghe tiếng chim và viết thêm được một dòng thơ mới, viếp thêm được một dòng văn mới. Tôi thấy đất nước ở trong chính tấm lòng mọi người con của đất nước”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, Nam Lào và miền Nam. Hơn một năm sau ngày đất nước thống nhất, ông giải ngũ, làm việc tại Công ty Thủy sản cấp I và học đại học Thương nghiệp, sau đó làm Phó Chánh văn phòng Tổng Công ty Muối. Năm 1988, ông sang Đức làm việc, đến năm 2014 thì trở về định cư tại Hà Nội.
Là cây bút tài hoa, sung sức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ để lại dấu ấn đặc biệt của mình trong các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết; nhiều người vẫn bảo rằng ông được sinh ra là để viết truyện ngắn. Tác phẩm của ông từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội; tập truyện ngắn Vàng xưa nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2003); tiểu thuyết đầu tay Quyên đoạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2006-2009)… |
PHƯƠNG TRÀ