Gần 10 năm chơi ảnh nghệ thuật, kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia Lê Trọng Cường (bạn bè quen gọi bằng cái tên thân mật: Cường Delta) đã chọn lối đi riêng - lối đi vào thế giới của côn trùng, để chúng cất lên tiếng nói và khoe những sắc màu rực rỡ.
“Thiên nhiên kỳ thú - Loài bướm” là triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên của kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia Lê Trọng Cường, khai mạc lúc 16 giờ chiều mai (26/4) tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên (15 Độc Lập, TP Tuy Hòa). Triển lãm được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh bảo trợ.
Tại triển lãm này, gần 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật nhiều kích cỡ, ghi lại khoảnh khắc của gần 64 loài bướm nhiệt đới trên đất nước Việt Nam và trong khu vực châu Á được giới thiệu đến công chúng. Những người yêu thiên nhiên sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự đa dạng của loài côn trùng thuộc bộ cánh vảy. Báo Phú Yên đã trò chuyện với kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia Lê Trọng Cường về niềm đam mê chơi ảnh macro.
Côn trùng kỳ thú
* Thưa nghệ sĩ nhiếp ảnh, vì sao anh thích chụp ảnh côn trùng, đặc biệt là bướm?
- Chụp ảnh côn trùng nói chung và bướm nói riêng thuộc chuyên ngành macro của nghệ thuật nhiếp ảnh. Đây là thể loại ảnh được chụp ở cự ly rất gần vật thể, có tỉ lệ phóng đại từ 1:1 tới gấp 25 lần kích thước vật thể gốc. Không chỉ yêu cầu sự sáng tạo, nhiếp ảnh macro còn đòi hỏi sự cầu kỳ, đưa bạn bước vào thế giới vi mô hoàn toàn khác biệt.
Do yêu thiên nhiên nên tôi thích chụp ảnh những con vật li ti, qua ống kính khuếch đại lên thì thấy rất ấn tượng. Trên đôi cánh của côn trùng, đặc biệt là các loài bướm có những hoa văn, họa tiết rất độc đáo. Chúng di chuyển rất ngộ nghĩnh. Thế giới vi mô rất khác biệt và thú vị!
Bướm hổ xanh - Ảnh: LÊ TRỌNG CƯỜNG |
* Không giống những chủ thể khác của nhiếp ảnh, các “côn trùng mẫu” rất đỏng đảnh, thất thường. Ngoài tình yêu thiên nhiên, điều gì giúp anh có được những bức ảnh đẹp?
- Sự kiên trì. Thứ nhất là kiên trì học về kỹ thuật, thứ hai là mình phải tìm hiểu và biết đặc tính sinh trưởng của từng loài. Ví dụ vào buổi sáng, loài bướm thường chỉ bay thôi, rất ít khi đậu. Chúng thích khu vực ẩm ướt vào buổi trưa, hay đậu lúc xế chiều. Khi mỏi cánh, bướm đậu theo biên độ nhất định chứ không đậu lì một chỗ. Đó là bướm ngày, thường gặp là bướm giáp, bướm phấn, bướm vảy...
Còn bướm đêm thì đậu dưới nách lá vào ban ngày và chỉ xuất hiện vào ban đêm, khi có ánh đèn. Bướm có rất nhiều loài, màu sắc rất sặc sỡ. Riêng bướm nhiệt đới có hơn 100 loài; màu sắc, hoa văn trên đôi cánh của chúng đối xứng nhau.
Và điều thú vị nữa là bướm thuộc loài nào thì “kết đôi” với loài đó chứ không “yêu” loài khác. Ví dụ con bướm nâu thì “yêu” bướm nâu, bướm hiệp sĩ thì “kết đôi” với bướm hiệp sĩ. Không bao giờ có con bướm hiệp sĩ “kết đôi” với con bướm báo hoa vàng hay con bướm hổ. Đấy là điều rất hay.
* Chụp bướm chắc chắn là thú vị vì chúng rất đẹp. Còn sâu thì sao, chúng có gì hấp dẫn anh?
- Sâu là một phần trong vòng đời của bướm. Sau khi “kết đôi”, bướm cái tìm chỗ đẻ trứng trên cây rồi chết. Trứng nở thành sâu, sâu thành nhộng rồi nhộng phát triển thành bướm. Từ loài bướm mà tôi tìm hiểu về loài sâu. Tất nhiên có những loài sâu không trở thành bướm, nó đơn giản là con sâu thôi, trong Phật giáo xếp vào loại thấp sanh. Con sâu cũng có những hoa văn rất đặc biệt, ví dụ như sâu nhãn lồng đỏ. Con sâu đó vằn vện, mình đầy gai nhưng khi trở thành con bướm nhãn lồng đỏ thì rất rực rỡ.
Bướm phượng lớn - Ảnh: LÊ TRỌNG CƯỜNG |
Khó nhất là “rình rập” và bắt được khoảnh khắc
* Khi chụp ảnh bướm nói riêng, côn trùng nói chung, đâu là cái khó nhất, thưa anh?
- Khó nhất là “rình rập” và bắt được khoảnh khắc. Nhiều bạn có thiết bị rất hiện đại nhưng không “rình rập”, không bắt được khoảnh khắc. Điều này nghe thì đơn giản, nhưng để chụp được một bức ảnh có chất lượng, đảm bảo được độ nét cũng như chiều sâu thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố kỹ thuật.
Thứ nhất là phải biết con bướm nào chụp được, có biên độ đậu đủ thời gian để chụp, thứ hai là phải nhìn được tư thế của con bướm: tư thế nó như thế nào thì mình mới chụp được hết các hoa văn trên đôi cánh. Ví dụ nếu chụp phần đầu thì toàn bộ cánh sẽ out hết, nếu chụp cánh không thì phần râu của nó sẽ out.
Vì vậy, mình phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật: khẩu độ, tốc độ, góc chụp và đặc biệt là ánh sáng. Trong nhiều trường hợp, tôi chụp ảnh bướm trong rừng rậm, thiếu ánh sáng, như vậy phải đánh flash. Và tốc độ chụp phải rất nhanh, chụp liên tục.
Cũng phải biết được đặc điểm của bướm: đôi mắt của nó là mắt kép, mình đi về phía nó theo đường thẳng, đi chậm, từ từ theo một hướng, chứ nếu chúng ta tiến nhiều hướng và nhiều người chụp cùng lúc thì nó sẽ bay.
* Anh được đào tạo về kiến trúc, vậy công việc của một kiến trúc sư giúp gì cho thú chơi này?
- Kiến trúc là một ngành nghệ thuật và khoa học, mỹ thuật và kỹ thuật song hành với nhau. Ở mảng mỹ thuật trong đào tạo kiến trúc sư, môn Cơ sở tạo hình rất quan trọng, dạy về bố cục của một bức ảnh, một phối cảnh. Môn Cơ sở tạo hình giúp tôi có kiến thức nền tảng về bố cục và sử dụng sắc độ, sắc màu trong một bức ảnh.
Chụp ảnh xong, về còn phải làm hậu kỳ. Đây là bước rất quan trọng, người chụp ảnh phải biết sử dụng phần mềm Photoshop và các phần mềm Camera raw hỗ trợ việc điều chỉnh bức ảnh đúng với màu thực và nâng các chi tiết của con vật lên, như vậy mới có được bức ảnh đẹp.
* Anh gửi gắm điều gì vào triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên này?
- Tôi muốn tạo ra một sân chơi ảnh macro. Và trong cuộc sống bộn bề công việc của chúng ta, triển lãm ảnh cũng giống như một món ăn tinh thần để giải stress. Chơi ảnh là một thú vui lành mạnh.
* Là Giám đốc Công ty Kiến trúc Delta, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Karatedo tỉnh, anh làm thế nào để giải quyết trôi chảy công việc và theo đuổi niềm đam mê?
- Chúng ta thường dành nhiều thời gian để làm việc vào ban ngày nhưng quên mất quỹ thời gian vào ban đêm. Những suy tư và sự chuẩn bị cho các kế hoạch ngày mai có thể được thực hiện vào ban đêm. Mỗi công việc đều phải lên kế hoạch trước thì sẽ ít tốn thời gian vì được giải quyết một cách khoa học.
Và nhiều khi phải biết kết hợp, ví dụ như đi đâu đó nghiệm thu công trình xong thì dành một tiếng đồng hồ để chụp ảnh bướm. Nếu buổi chiều trời đẹp thì chụp vài bức ảnh phong cảnh, còn nếu muốn chụp ảnh buổi sáng thì chịu khó đi sớm, khoảng 3 rưỡi 4 giờ, chụp bình minh xong thì đến nơi làm việc, xong việc rồi thì lại đi chụp ảnh bướm (cười).
* Xin cảm ơn anh!
Kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia Lê Trọng Cường sinh năm 1972, quê ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa). Anh tốt nghiệp kỹ sư xây dựng năm 1994, tốt nghiệp kiến trúc sư năm 2001. Năm 2002, anh về công tác tại Công ty Tư vấn đầu tư và Xây dựng Phú Yên với chức danh Phó Giám đốc, sau đó là Phó Giám đốc phụ trách. Năm 2005, Công ty Kiến trúc Delta ra đời trên cơ sở toàn bộ cán bộ, nhân viên Công ty Tư vấn đầu tư và Xây dựng Phú Yên, kiến trúc sư Lê Trọng Cường là Giám đốc.
Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Công ty Kiến trúc Delta đã khẳng định vị trí, thương hiệu của mình bằng những công trình và bằng hàng chục giải thưởng, trong đó có Cup vàng top 100 thương hiệu Việt hội nhập WTO, top 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam; Giám đốc Lê Trọng Cường là một trong 100 doanh nhân ưu tú Việt Nam năm 2010…
Kiến trúc sư Lê Trọng Cường đến với nhiếp ảnh từ năm 1993 song bắt đầu chơi ảnh chuyên nghiệp từ năm 2011. Đến nay, anh có hàng trăm bộ ảnh về côn trùng, đặc sắc nhất là ảnh về bướm - loài côn trùng thuộc bộ cánh vảy. |
YÊN LAN (thực hiện)