Trong cuộc thi Sáng tác bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019, các tác giả viết lời mới cho dân ca bài chòi đã góp phần gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật bài chòi; đưa di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại gần gũi hơn với đời sống người dân.
Cùng nhau tạo ra câu hát
Hiện tại Phú Yên cũng như các tỉnh Trung Bộ (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng...), số lượng người am hiểu về nghệ thuật bài chòi không còn nhiều hoặc tuổi đã cao, đặc biệt lực lượng sáng tác bài chòi còn rất ít. Trước tình hình này, Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức cuộc thi Sáng tác bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019 để tìm kiếm và tuyển chọn thêm những nhân tố mới, tác phẩm hay nhằm phục vụ công chúng mộ điệu môn nghệ thuật truyền thống này.
Hơn bốn thập kỷ gắn bó với nghệ thuật bài chòi, nỗi lo lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng (nghệ danh Bình Thảng) ở khu phố Phú Thọ 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) là dân ca bài chòi bị mai một. Vì vậy, khi nghe tin có cuộc thi sáng tác bài chòi, nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng phấn khởi tham gia.
“Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật bài chòi hiện nay đang dần nhạt nhòa vì không có sự đổi mới để hấp dẫn lớp trẻ. Một trong những hạn chế đó là thiếu tác giả, thiếu người viết lời mới, chủ yếu sử dụng những câu hát cổ, tác phẩm có sẵn mà thiếu đi sự sáng tạo. Vì thế, cuộc thi này là cơ hội cũng như động lực lớn cho nhiều tác giả có đam mê bài chòi và thích sáng tác như tôi thể hiện tâm tư, tình cảm qua các tác phẩm mới”, ông Thoảng nói.
Đến với cuộc thi này, nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng đã “gói ghém” tâm tư tình cảm của mình vào hai tác phẩm: “Nữ pháo binh đất Phú” và “Phú Yên tình đất tình người”. Theo ông, tác phẩm “Nữ pháo binh đất Phú” xuất phát từ lòng khâm phục và quý trọng đối với một người nữ anh hùng đã không tiếc thân mình chiến đấu, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Vì vậy, “Nữ pháo binh đất Phú” như một lời cảm ơn, ngợi ca cũng là món quà mà nghệ nhân này dành cho người nữ anh hùng pháo binh. Riêng “Phú Yên tình đất tình người” lại mang đến một cung bậc cảm xúc hoàn toàn mới với làn điệu dân gian, gần gũi đời sống sinh hoạt và tình cảm của người lao động.
Tác giả khéo léo lồng ghép những địa danh nổi tiếng, món ăn đặc sản... và cả tình yêu quê hương, đất nước vào những làn điệu quen thuộc: Từ Cù Mông đến Hòn Nưa Đèo Cả/ Dãy Trường Sơn ôm trọn quê tôi/ Mặt ngước nhìn ra hướng biển khơi/ Xanh xanh ruộng lúa thuyền vui biển... trời... (nói lối)... Ô Loan mặt nước trong veo/ Ăn miếng cháo hàu ngọt lịm tình quê/ Chình bọc, huỳnh đế, mú trê/ Ốc hương, sò huyết/ ghẹ, cua, cá ngừ... (xàng xê).
Ngoài nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng, còn có những người đam mê, say sưa với bài chòi cũng đã đóng góp không ít trong việc tạo ra lời mới cho loại hình nghệ thuật này như: Vũ Hoài với tác phẩm “Yêu quê xin lại tìm đường biết quê”; Nguyễn Phụng Kỳ với tác phẩm “Non nước Phú Yên”, “Vùng đất nghĩa tình”; Nguyễn Văn Thơm với tác phẩm “Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”, “Nỗi lòng con nhớ mẹ”; Nguyễn Thị Trúc Linh với tác phẩm “Nhớ anh mùa xuân”; Đức Thừa với tác phẩm “Hòn Yến quê tôi”; Trần Trọng Kỳ với tác phẩm “Phú Yên son sắc nghĩa tình”...
Chung tay bảo tồn giá trị di sản
Là một người thường hát bài chòi ở xã An Hòa (huyện Tuy An), ông Trần Mót (nghệ danh Đức Thừa) chia sẻ: “Trước nay tham gia các cuộc thi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, tôi chủ yếu sử dụng những câu hát, tác phẩm có sẵn để biểu diễn. Đây là lần đầu tiên tôi đem hết hiểu biết về các làn điệu dân ca bài chòi, viết ra những suy nghĩ, tình cảm của mình. Tôi rất vui khi được góp phần bảo tồn giá trị di sản bài chòi”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm tự hào, song đi cùng đó là trách nhiệm phải gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật này. Các tác giả tham gia cuộc thi Sáng tác bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019 đã chuyển tải một cách mềm mại, sinh động những nội dung mới trên làn điệu truyền thống; góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật bài chòi sâu rộng trong cộng đồng.
“Ngoài việc có được những tác phẩm bài chòi có giá trị, quan trọng là cuộc thi đã cho thấy lực lượng sáng tác bài chòi trên địa bàn tỉnh còn rất tiềm năng và triển vọng. Đây hứa hẹn sẽ là lực lượng nòng cốt cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng sáng tác này”, ông Nguyễn Ngọc Thái nói.
* ÔNG NGUYỄN NGỌC THÁI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL PHÚ YÊN: Gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững
Bộ VH-TT-DL đã có chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2018-2023. Với chủ trương trên, Sở VH-TT-DL Phú Yên quyết định tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Cuộc thi Sáng tác bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019 là một trong những hoạt động này.
Đây là cuộc thi sáng tác bài chòi đầu tiên do Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức nhằm bổ sung nhiều sản phẩm để phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ; tìm kiếm, đào tạo những người thực sự có tố chất để kế thừa, phát triển nghệ thuật truyền thống độc đáo.
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi luôn được Sở VH-TT-DL Phú Yên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện và đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để nghệ thuật bài chòi thực sự bén rễ trong đời sống xã hội, cần phải có kế hoạch bảo tồn, phát huy dài hạn.
Vì vậy, Sở VH-TT-DL Phú Yên đang tham mưu cho UBND tỉnh đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên. Khi đề án được ban hành, công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
* ÔNG NGUYỄN PHỤNG KỲ, NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho bài chòi
Hiện nay, số lượng người tham gia sáng tác bài chòi vẫn còn hạn chế, không nhiều như các cuộc thi sáng tác khác, lớp người am hiểu nghệ thuật bài chòi tuổi đã cao nên nguy cơ bài chòi bị mai một ngày càng lớn.
Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật bài chòi đòi hỏi những người làm công tác chỉ đạo phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng; thường xuyên tổ chức liên hoan sân khấu dân ca bài chòi, lồng ghép các cuộc thi sáng tác lời mới cho bài chòi, thông qua đó tìm kiếm và tuyển chọn những nhân tố mới, tác phẩm hay để phục vụ công chúng.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần quan tâm, giải quyết phần nào những khó khăn, tăng cường nguồn lực đầu tư về kinh phí để góp phần tôn vinh, bảo vệ và phát huy các truyền thống văn hóa, giáo dục giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật của di sản.
* CHỊ NGUYỄN THỊ TRÚC LINH, TÁC GIẢ TRẺ THAM GIA SÁNG TÁC BÀI CHÒI (HUYỆN ĐÔNG HÒA): Tạo không gian để người trẻ tiếp cận bài chòi
Để nghệ thuật bài chòi không bị mai một theo thời gian, chúng ta cần phải đào tạo đội ngũ trẻ ngay từ bây giờ bằng việc cho các em nhỏ, nhất là học sinh được tiếp cận với bài chòi nhằm nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngành Giáo dục cũng cần tạo điều kiện cho các trường đưa dự án, chương trình học liên quan đến nghệ thuật bài chòi vào giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa, khơi gợi niềm đam mê, từ đó giúp các em có cơ hội tìm hiểu, gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, các đơn vị nên tổ chức nhiều hội thi diễn bài chòi hàng năm, tạo không gian để các em có cơ hội thể hiện, thi tài với nhau, kích thích khả năng sáng tạo tiềm tàng trong các em. Từ những hội thi nhỏ đó sẽ tiếp tục bồi dưỡng và phát triển các em có năng khiếu, trở thành những hạt nhân nòng cốt trong làng nghệ thuật bài chòi của Phú Yên sau này. |
THIÊN LÝ - BẢO TRÂN