Về xã vùng cao Phú Mỡ

Thứ bảy - 20/04/2019 09:59
Hội viên trẻ ở các chuyên ngành thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên vừa có chuyến thực tế sáng tác tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Đây là một hoạt động của Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 2019, chủ đề “Phú Yên - Hội nhập và phát triển” nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.
Về xã vùng cao Phú Mỡ

Hội viên trẻ ở các chuyên ngành thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên vừa có chuyến thực tế sáng tác tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Đây là một hoạt động của Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 2019, chủ đề “Phú Yên - Hội nhập và phát triển” nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.

 

Thồ Lồ - Ma Dú - Phú Mỡ là những cái tên rất quen thuộc trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân Phú Yên. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức trại sáng tác nhắc nhở các hội viên: “Đây là chuyến đi trong tỉnh xa nhất so với các đợt trước nên chọn các bạn trẻ. Các bạn hãy hòa vào đời sống của buôn làng, cùng ăn cùng ở và sinh hoạt với đồng bào để có dịp biết thêm phong tục, tập quán của người miền cao mà có chất liệu sáng tác”. Chúng tôi - gần 30 trại viên trẻ rất háo hức lên đường về miền Tây của Phú Yên sau ngày khai mạc trại sáng tác.

 

Qua khỏi thị trấn La Hai yên ả trong nắng tháng tư, chúng tôi lên Xuân Quang, Xuân Phước - cung đường đang được mở tuyến và gấp rút thi công nên bụi mịt mù và dừng chân tại nhà rông thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ). Đây là nơi nghỉ của đoàn và phía bên ngoài là nơi tổ chức đêm cồng chiêng arap. Chung quanh nhà rông, không gian thật thoáng đãng.

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Phú Mỡ là trạm y tế, trường tiểu học và các cây cầu đều khang trang, sạch đẹp. Khi xe vừa mở cửa, già làng La Mo Tu, Chủ tịch UBND xã La O Hóa và trưởng thôn Phú Lợi La Lăng đón chúng tôi với nụ cười tươi, ánh mắt thân thiện. Họ đã chờ đợi ở đây khi đoàn vẫn còn trên đường. Nhìn dòng chữ trên băng rôn đỏ “Chào mừng đoàn Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên về thăm xã Phú Mỡ”, chúng tôi cảm thấy ấm lòng, quên đi bao mệt nhọc sau khi vượt qua quãng đường xa xôi, có nhiều khúc cua hố sâu hiểm trở để đến vùng căn cứ kháng chiến một thời này.

 

Già làng La Mo Tu trước ở Thồ Lồ, sau này về Phú Lợi, năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn chắc khỏe, thân thiện ngồi bên hỏi thăm và đưa chúng tôi về thăm nhà. Trong đêm, bên bếp lửa hồng, già nói: “Đường đã mở, không như trước kia lắm dốc đồi, nhiều suối. Mong rằng xã nhà sẽ phát triển du lịch để con cháu được nhờ. Đồng bào ở đây còn khó khăn lắm, cái ăn cái mặc còn thiếu...”. Còn theo ông La O Hóa, xã Phú Mỡ hiện có 5 thôn; điện - đường - trường - trạm đã tạm ổn; công tác quản lý, bảo vệ rừng rất chặt chẽ. Và quan trọng nhất là sự đoàn kết của bà con, không có hiện tượng kẻ xấu len vào chia rẽ nội bộ.

 

Xã Phú Mỡ có nhiều cảnh đẹp, tất cả đều rất hoang sơ. Con sông Bà Đài, đoạn trên của sông Kỳ Lộ, nước trong xanh êm ả chảy quanh các triền đá gần nhà rông Phú Lợi. Từ nơi này, chúng tôi đến suối Mung (trên đường lên thủy điện La Hiêng), đến bãi Đá Chồng ở thôn Phú Hải - nơi từng là căn cứ cách mạng rồi đến suối Hàn, suối Gấm, thác La Hiên... Tất cả đều đẹp đến ngẩn ngơ. Đường đi không khó vì đã được mở rộng. Mỗi chiều, bà con từ ruộng rẫy trở về nhà, đi bên cạnh những bầy gia súc thong dong.

 

Một buổi trưa bên dòng suối Gấm, bên những gộp đá cạnh làn nước trong vắt, trên đầu có tán cây rừng xanh rợp, cả đoàn treo võng nghỉ ngơi và sinh hoạt. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh hào hứng tác nghiệp; cánh họa sĩ phác thảo trên giấy; cánh văn học chuyện trò đàm đạo; nhóm nghệ sĩ sân khấu chuẩn bị cho đêm giao lưu…

 

Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm trước nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã Phú Mỡ - Ảnh: CTV

 

Trong chuyến đi thực tế này, Chi hội Nhiếp ảnh đưa hội viên về Phú Mỡ để sáng tác ảnh tham gia cuộc thi nhiếp ảnh của huyện Đồng Xuân và cuộc thi của tỉnh nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Vì vậy, các tay máy rất hăng hái đi “săn ảnh”.

 

UBND huyện Đồng Xuân rất ủng hộ chuyến thực tế sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nên tạo điều kiện, giúp đỡ nhiệt tình; xã Phú Mỡ cũng nhiệt tình không kém. Theo lời nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Đảng ủy, UBND xã đã tạo mọi điều kiện, từ nơi ăn chốn ở đến hoạt động giao lưu với đội cồng chiêng của xã, của Trung tâm Văn hóa huyện. Vì vậy, khi đoàn trở lại nhà rông thì tất cả đã sẵn sàng. Bà con đã đến, rượu chóe đã cong cần, giữa sân là củi khô xếp cao chuẩn bị cho một đêm cồng chiêng hào hứng, nghĩa tình trọn vẹn.

 

Bộ cồng chiêng arap của xã vừa được cấp để bảo tồn văn hóa phi vật thể và đội cồng chiêng mới thành lập khoảng 50 người. Trong tiếng cồng chiêng âm vang, các chàng trai, cô gái mặc trang phục truyền thống xoay vòng xoang. Tiếng cười nói rộn rã khi lửa cháy bập bùng soi rọi. Sau cơn mưa chiều, trời đêm dịu mát. Bàn tay của những người vùng cao thân thiện nắm bàn tay những người từ dưới xuôi lên.

 

Văn nghệ sĩ cảm nhận được tình đất, tình người nơi đây, say trong men rượu cần, say với ánh lửa, say tiếng cồng chiêng để nhịp chân mạnh hơn, nhanh hơn như sóc chuyền cành, như chim vỗ cánh. Ánh lửa dần tàn cũng là lúc bắt đầu chương trình giao lưu giữa văn nghệ sĩ Phú Yên với đội tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa huyện. Lời ca tiếng hát cất lên, ngợi ca một vùng đất thấm đẫm tình người, rất kiên cường trong khói lửa chiến tranh, đã và đang dựng xây cuộc sống mới, dần ấm no, hạnh phúc.

 

Sáng mờ sương, con sông Bà Đài yên ả chảy dưới chân cây cầu bê tông cốt thép vững chắc nối hai bờ là con đường mới mở rộng trên trục miền Tây Phú Yên. Anh em nhiếp ảnh có mặt từ sớm để ghi vào ống kính những hình ảnh khó quên ở xã vùng cao này - nơi người dân vô cùng chất phác và mến khách. Họ ghi vào ống kính gương mặt các em nhỏ tíu tít cười, gương mặt các cụ già ân cần thăm hỏi. Về xuôi, chúng tôi sẽ luôn nhớ một vùng đất đầy nghĩa tình mà đến giờ đã thấy gần hơn, yêu thương hơn.

 

Xe sắp chuyển bánh, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo siết chặt tay Chủ tịch UBND xã La O Hóa trước khi lên đường. Chúng tôi thầm nghĩ, đường về Phú Mỡ sẽ hoàn chỉnh. Một ngày rất gần, chúng tôi sẽ trở lại như những du khách về thăm chiến khu xưa, về với thiên nhiên hoang sơ, với vẻ đẹp vốn có như mong đợi của già làng La Mo Tu bên bếp lửa hồng.

 

THIỀU THU SA

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp