Buổi tọa đàm “Sinh viên và việc đọc sách” vừa được tổ chức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp các bạn trẻ có thêm kỹ năng đọc sách, góp phần rèn luyện và hình thành thói quen đọc sách trong mỗi cá nhân.
Một năm đọc chưa hết quyển sách
Theo thống kê, hiện trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách/năm, con số vô cùng khiêm tốn. Đây cũng là tình trạng chung tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. ThS Trần Công Khoa, cán bộ Thư viện Trường đại học Phú Yên, cho biết: “Trường đại học Phú Yên có hơn 1.300 sinh viên và thư viện đã cấp thẻ cho 837 bạn đọc. Thế nhưng, điều đáng buồn là số lượng sinh viên đến thư viện rất ít. Sinh viên chỉ tập trung đông vào các mùa thi, sách mượn chủ yếu là giáo trình để phục vụ ôn thi. Còn những ngày bình thường, thư viện rất vắng sinh viên đến đọc sách. Trong năm 2018, lượt tài liệu tham khảo mượn về chỉ hơn 1.916, riêng quý I năm 2019, hơn 200 lượt mượn”, thầy Khoa nói.
Lê Thị Cẩm Phương, sinh viên năm 3, lớp Sư phạm Ngữ văn - C16, Trường đại học Phú Yên chia sẻ: “Là người học Văn nên tôi chủ yếu tìm và đọc những cuốn sách, tài liệu có liên quan đến ngành mình đang theo học. Ở nhà, ngoài việc chuẩn bị bài vở thì còn nhiều công việc gia đình nên tôi không có thời gian để đọc thêm sách”.
Còn theo Nguyễn Hữu Hoàng, sinh viên lớp D14X6, Trường đại học Xây dựng Miền Trung, việc học trên lớp, làm thêm, giải trí… đã chiếm hết quỹ thời gian của sinh viên, nên việc đọc và nghiền ngẫm sách thực sự khó khăn. “Nhiều lúc tôi cũng muốn cầm quyển sách để “nhâm nhi” cả ngày nhưng đều bị gián đoạn bởi nhiều việc khác phải làm”, Hoàng nói.
Hình thành thói quen đọc
Góp mặt trong buổi tọa đàm, các diễn giả, giảng viên, cán bộ thư viện các trường đại học đưa ra nhiều giải pháp giúp sinh viên tiếp cận các thông tin hữu ích về vai trò của việc đọc sách, những lợi ích thiết thực của việc hình thành thói quen đọc sách, gắn với quá trình học tập, nghiên cứu và trải nghiệm của mỗi cá nhân.
Bạn Nguyễn Thị Anh Thư, thành viên CLB “Sách và Tôi” thuộc Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, cho biết: “Để việc đọc sách hiệu quả thì trước tiên sinh viên cần phải tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh thời gian học tập tại trường, các bạn cần tự xây dựng và hình thành thói quen đọc sách; đồng thời đề xuất giáo viên giảm thời lượng các tiết dạy học thay vào đó là yêu cầu sinh viên phải đọc giáo trình, tài liệu tham khảo để bổ sung thông tin, kiến thức; nhà trường cũng cần nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị và vốn tài liệu tại thư viện nhằm tạo sự đa dạng, phong phú đáp ứng tối đa yêu cầu đọc của học sinh, sinh viên... làm cho các bạn hứng thú hơn khi đến thư viện”.
Còn theo ThS Hoàng Lưu Bảo, Giám đốc Thư viện Trường đại học Phú Yên, ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài, muốn việc đọc sách có hiệu quả, các bạn trẻ cần chịu khó tìm đến những cuốn sách tham khảo về nghệ thuật đọc sách, phương pháp đọc sách… Qua đó giúp các bạn biết rõ thêm về các trình tự đọc sách, bắt đầu từ đâu, kết thúc khi nào và cách để chúng ta tiếp thu được những tinh hoa của một quyển sách thông qua các phương pháp hữu hiệu.
“Chúng tôi mong muốn các kiến thức về kỹ năng đọc sách đã được trao đổi, chia sẻ tại buổi tọa đàm sẽ giúp học sinh, sinh viên có thể xác định, lựa chọn và rèn luyện cho mình những cấp độ đọc cùng với kỹ thuật đọc và kỹ thuật ghi nhớ phù hợp với bản thân; giúp các em hiểu rõ hơn về cách tổ chức thông tin trong không gian mở, từ đó hình thành thói quen, chủ động tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ sách phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của mỗi cá nhân”, TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên nói.
NHÀ BÁO NGUYỄN HỮU BÌNH, TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP TẠP CHÍ TRÍ THỨC PHÚ YÊN: Đọc và thực hành những kiến thức đã đọc
Trước hết, chúng ta cần xác định mục tiêu đọc sách, viết vào giấy mục tiêu và dán vào đầu quyển sách. Đối với cách đọc sách, cần phải có phương pháp đọc nhanh. Nếu bạn chỉ đọc 200-250 từ/phút tức là bạn đang đọc với tốc độ quá chậm. Để tăng tốc độ đọc sách mà vẫn đảm bảo tri thức tiếp thu được thì bạn phải đọc từng cụm 5-7 từ một lần, đọc từ khóa quan trọng và lướt qua những từ không cần thiết, sử dụng bút để làm vật dẫn đường và gạch chân các từ khóa cần thiết.
Việc đọc một cuốn sách được cho là thành công khi bạn thực hành những kiến thức đã đọc từ trong sách. Vì vậy, hãy làm tất cả bài tập trong sách nếu có, áp dụng vào cuộc sống những điều đúc kết được thì kiến thức đó mới trở thành của bạn. Bên cạnh đó, bạn hãy chia sẻ cho thật nhiều người những kiến thức mình đã đọc được. Đây chính là cách ghi nhớ tốt nhất!
Quan trọng, chúng ta hãy tập thói quen đọc sách từ bây giờ, chỉ cần dành ra khoảng 30 phút trong ngày hoặc vài giờ cuối tuần để đọc sách và lặp đi lặp lại. Hành động này sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách, và khi thành thói quen thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
THS TRẦN CÔNG KHOA, CÁN BỘ THƯ VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện
Đầu tiên cần nâng cao nhận thức của sinh viên đối với việc phát triển văn hóa đọc bằng cách đẩy mạnh giáo dục, trang bị các kiến thức đọc, kỹ năng đọc, thể loại đọc; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với yêu cầu đọc sách để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc đến đông đảo sinh viên như: triển lãm sách, báo; tổ chức hội nghị bạn đọc; thi thuyết trình, giới thiệu về sách…
Thứ hai, nhà trường cần ban hành những quy định nhằm phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện. Cuối cùng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện.
Đây là giải pháp chú trọng đào tạo một số kỹ năng mới bên cạnh các kiến thức chuyên môn như: nhận dạng đúng yêu cầu thông tin, truy cập thông tin hiệu quả, đánh giá thông tin, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thư viện tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn...
BÀ TRẦN THỊ NGỌC MINH, CHUYÊN VIÊN PHÒNG PHONG TRÀO, THƯ VIỆN TỈNH: Chia thành nhiều cấp độ đọc khác nhau
Để đọc sách hiệu quả nên áp dụng cách đọc sách thông minh đã được đề cập từ thế kỷ trước, đó là đọc sơ cấp, đọc kiểm soát, đọc phân tích và đọc đồng chủ đề.
Ở cấp độ đọc sơ cấp, người đọc cần nắm vững các từ vựng và áp dụng các từ vựng. Ở cấp độ đọc kiểm soát, nên đọc lướt có hệ thống, cần đọc qua trang đầu tiên và phần giới thiệu của cuốn sách nếu có. Hãy để ý đến các phụ đề hay các dấu hiệu về quy mô, mục đích của cuốn sách hoặc các quan điểm đặc biệt của tác giả về đề tài đang được bàn đến, đọc mục lục của cuốn sách để nắm được tổng quát cấu trúc cuốn sách trước khi đọc phần còn lại của cuốn sách. Nên xem lướt cả cuốn sách theo cách đọc ngẫu nhiên một hoặc hai đoạn văn, thậm chí đọc vài trang liên tục; đồng thời luôn chú ý tìm các dấu hiệu có liên quan đến luận điểm chính và vấn đề cơ bản của sách...
Hoàn thành hai cấp độ đọc đầu tiên, các bạn sẽ cảm thấy dễ dàng với hai cấp độ đọc sau cùng, đó là đọc phân tích và đọc đồng chủ đề. Riêng đối với cấp độ đọc đồng chủ đề, người đọc cần phải trải qua hai bước, bước đầu tiên đó là chuẩn bị cho việc đọc đồng chủ đề. Ở bước này, trước hết chúng ta cần tạo một thư mục tạm thời những cuốn sách cần đọc về chủ đề thông qua danh mục sách trong thư viện và thư mục các sách tham khảo trong cuốn sách, khảo sát tất cả các cuốn sách trong thư mục, tìm ra những quyển nào liên quan đến chủ đề cần nghiên cứu. Ở bước thứ hai là đọc những cuốn sách trong thư mục đã tạo. Tạo lập một hệ thống thuật ngữ trung tính về chủ đề, khảo sát các cuốn sách liên quan đến chủ đề để tìm ra các nhận định, các phần bàn luận trực tiếp nhất... |
THIÊN LÝ - BẢO TRÂN