“Thành phố vắng bóng mặt trời” - Nơi gửi những ước mơ

Thứ năm - 23/05/2019 05:05
Thành phố vắng bóng mặt trời - tác phẩm thứ mười của nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên - là tiếng lòng trăn trở của tác giả trước hiện thực cuộc sống.
“Thành phố vắng bóng mặt trời” - Nơi gửi những ước mơ

Thành phố vắng bóng mặt trời - tác phẩm thứ mười của nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên - là tiếng lòng trăn trở của tác giả trước hiện thực cuộc sống. Tập truyện đã phản ảnh được khát vọng chính đáng của loài người về một môi trường sống tốt đẹp hơn, con người sống hạnh phúc hơn, có ý nghĩa hơn.

 

Nếu dõi theo hành trình lao động, sáng tạo của nhà văn Trần Quốc Cưỡng trong lĩnh vực văn chương, hẳn người đọc sẽ dễ dàng nhận ra một Trần Quốc Cưỡng luôn thầm lặng, miệt mài và luôn trăn trở với từng con chữ để chuyển tải những thông điệp về cuộc sống đến với bạn đọc. Chín tác phẩm đã xuất bản minh chứng cho khả năng sáng tạo của anh ở nhiều thể loại khác nhau (tản văn, thơ, truyện ngắn, truyện dài…), nhiều nội dung, đề tài khác nhau (viết về nông thôn, thành thị, viết về chiến tranh, thời kỳ hậu chiến, thời kỳ đổi mới...). Không dừng lại ở đó, mới đây với tác phẩm thứ mười Thành phố vắng bóng mặt trời, Trần Quốc Cưỡng tiếp tục mở rộng biên độ sáng tạo của mình, chạm ngòi bút đến một vùng ít ai đụng đến hơn - viết truyện giả tưởng.

 

Thành phố vắng bóng mặt trời gồm 97 trang với 10 truyện ngắn do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành vào đầu năm 2019 là 10 bức tranh bằng ngôn từ về một thế giới khác, thế giới của sự tưởng tượng phong phú của tác giả. Mà ẩn sau những bức tranh ấy là những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

 

Đó là những ước mơ, khát vọng thầm kín nhưng bỏng cháy về một môi trường sống lý tưởng. Ở đó chỉ có niềm vui, sự công bằng và thân thiện. Ở đó con người sống thân thiện với nhau, với thiên nhiên, vạn vật. Dân tộc Sa Pun trong truyện Trên đỉnh núi Sa Pun không đốt nương làm rẫy, cũng không ai giết hại thú vật và thú vật cũng không giết hại lẫn nhau.

 

Tương tự, truyện Thành phố vắng bóng mặt trời Khu vườn kỳ diệu cũng thế, ở nơi đó giao thông an toàn“Đường vào phố Tiên nhộn nhịp xe và người đi lại, tuyệt nhiên không ai va chạm vào ai”. Loài vật được bảo vệ, sống chan hòa với con người“Khúc nhạc thứ ba nổi lên, đàn sếu đầu đỏ chao mình tung cánh lên bầu trời không trăng sao. Đàn chim họa mi nhẹ nhàng đáp xuống”. Thế giới giả tưởng ấy giúp chúng ta thanh lọc tâm hồn, cảm thấy an yên, nhẹ nhõm “Khu vườn khi nắng bắt đầu trải nhẹ màu mật ong óng ánh”, “Hoa lá xôn xao, chúng ngân lên thứ âm thanh du dương làm xao động lòng người. Tý có cảm giác như đang đi vào một thế giới kỳ ảo, huyền bí, tâm hồn cậu nhẹ nhõm, thanh thoát”…

 

Thành phố vắng bóng mặt trời còn là lời cảnh báo về hiểm họa môi trường sống. Có lẽ thường ngày, chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống, thiên nhiên bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại, những giá trị văn hóa đạo đức bị mai một, nhà văn không khỏi ưu tư trăn trở trước cuộc đời. Tất cả những điều đó đã đi vào trang viết của Trần Quốc Cưỡng như một lẽ tự nhiên phải thế.

 

Đọc Thành phố vắng bóng mặt trời, chúng ta sẽ không khỏi giật mình, tự soi chiếu lại và nhận ra: Đối lập với thế giới lý tưởng trong những câu chuyện giả tưởng của Trần Quốc Cưỡng là một hiện thực không mong muốn con người phải đối mặt. Nạn phá rừng bừa bãi dẫn đến ô nhiễm môi trường, một số loài động, thực vật đang dần bị xóa sổ. Những giá trị văn hóa tốt đẹp bị mai một dần. Sự xuống cấp về đạo đức của một số người trong xã hội. Vì thế, những câu chuyện của Trần Quốc Cưỡng không chỉ là giấc mơ mà còn chứa đựng một thông điệp lớn lao: Hãy vì tương lai của cuộc sống con người.

 

Với cách kể chuyện mộc mạc, ngôn ngữ trong sáng, gần gũi, kết cấu đơn giản, dung lượng ngắn nên truyện không kén người đọc về lứa tuổi cũng như trình độ. Đặc biệt, những câu chuyện trong Thành phố vắng bóng mặt trời đều kết thúc có hậu và không gian thường được tác giả soi chiếu qua lăng kính của cái nhìn trẻ thơ dễ gợi cho chúng ta nhớ đến không gian nhuốm màu thần tiên thường gặp trong những câu chuyện cổ tích. Những trang văn của Trần Quốc Cưỡng vì thế trở nên rất phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi, lứa tuổi nhiều mộng mơ.

 

Đọc Thành phố vắng bóng mặt trời, người đọc sẽ như được từng bước, qua từng trang giấy thực hiện chuyến phiêu lưu vào một thế giới khác cùng các nhân vật trong truyện. Ở đó có chim Chiêu Chiêu biết nói tiếng người, có thể hóa thành người đẹp (Trên đỉnh núi Sa Pun), thần Nưng dạy chàng Lim tiêu diệt rắn chín đầu (Mũi tên thần), có xứ sở người lùn do lãnh chúa Long Đen cai quản (Người lùn trên đảo Sa - Lung) hay gay cấn hơn, dõi theo những cuộc chiến trong Tàu vũ trụ sa mạc Trà Nóc, Phi thuyền dưới đầm con voi, Cuộc thủy chiến dưới đáy biển. Những cuộc chiến với tất cả niềm tin vào chính nghĩa vì một tương lai tốt đẹp hơn và luôn chiến thắng.

 

Nhìn chung, khi đưa ngòi bút của mình chạm đến vùng đất mới - truyện giả tưởng, Trần Quốc Cưỡng đã ghi thêm một bước tiến mới trên con đường tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của bản thân.

 

LÝ THỊ THỦY

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp