Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ. Thơ Phạm Tiến Duật đã lưu lại trong lịch sử văn học dấu mốc của thơ trữ tình Việt Nam trên hành trình đi tìm cái đẹp trên các sự kiện và biến cố in đậm chất sử thi của một thế kỷ đầy biến động.
Trường Sơn gian lao và huyền thoại, “đỉnh Trường Sơn như nóc nhà. Một cơn mưa to cũng có thể biến những thung lũng dưới chân núi thành những “túi nước” khổng lồ, gây kinh hoàng cho các chiến sĩ Trường Sơn”, thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy đầu tiên mở đường con đường này 60 năm trước, viết trong hồi ký. Suốt 16 năm “đi không dấu, nấu không khói, soi đường lập trạm, mở tuyến về Nam”, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hào khí một thời. Văn nghệ sĩ cũng đã trở thành những người lính đặc biệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Bên cạnh những nhà thơ thuộc thế hệ thời kỳ chống Pháp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Giang Nam…, một thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong chống Mỹ như: Hoàng Nhuận Cầm, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Vương Linh, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh…, trong đó có Phạm Tiến Duật.
Lấy bối cảnh đường Trường Sơn những năm 50 và 70 của thế kỷ trước, thơ Phạm Tiến Duật kịp ghi lại những ngày tháng không thể nào quên của những lính trẻ, của những cô thanh niên xung phong tuổi mười tám đôi mươi quên mình vì Tổ quốc rất dũng cảm, trách nhiệm, hồn nhiên trong sáng: “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng/ Đường trong tim anh in những dấu chân”. Cuộc sống gian lao là vậy và có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng các chị không khi nào để con đường bị tắc: “Bụi mù trời mùa hanh/ Nước trắng khe mùa lũ/ Đêm rộng dài là đêm không ngủ/ Em vẫn đi, đường vẫn liền đường” (Gửi em, cô thanh niên xung phong).
Phạm Tiến Duật viết về tình yêu, hạnh phúc mà đọc lên ta lại thấy âm vang trong bài thơ là tiếng súng chiến đấu và cảm nhận hạnh phúc được chiến đấu cho lý tưởng cách mạng. Nhà thơ yêu cô gái bởi những gian lao vất vả mà cô phải chịu đựng trong chiến tranh: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…” (Gửi em, cô thanh niên xung phong).
Đường Trường Sơn - chính nơi đây tâm hồn Việt Nam tỏa sáng “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Tố Hữu). Con đường rọc ngang dãy Trường Sơn này chứa trong nó một quá khứ rất đỗi hào hùng, bi tráng. Trong khốc liệt chiến tranh, chính sức trẻ, ý chí kiên cường không ngại khó, ngại khổ, chẳng tiếc máu, xương. Thời gian chỉ có một ngày mà mười bảy trận bom giội xuống. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, thiếu thốn, chiến tranh còn làm phai tàn tuổi thanh xuân của con người: “Tiếc năm ngoái anh không tới đây/ Mười bảy trận bom Mỹ dội một ngày/... Tiếc anh không về từ trước tháng ba/ Nước trong khe cũng còn dư dật/... Mười năm sống xa phố xa làng/ Tám năm ở trong núi trong hang...” (Phạm Tiến Duật - Tiếng cười của đồng chí coi kho).
Viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Hiện thực trong thơ Phạm Tiến Duật rất gian khổ, ác liệt, bộn bề, gấp gáp, nóng bỏng, rất nhiều âm thanh của tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười… Rất nhiều ánh sáng của đèn dù, pháo sáng, quầng lửa, ánh chớp, vầng trăng: “Hai phút trên đầu một lượt máy bay/ lá ngụy trang như còn bốc khói/ và bãi đất này như cái lưng người giơ ra/ không biết mỏi/ đen xạm khói bom, nham nhở vết thương” (Nghe hò đêm bốc vác). “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/ Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng/ Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng/ Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh/ Có mất mát nào lớn bằng cái chết/ Khăn tang, vòng tròn như một số không/ Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng/ Là cái đầu bốc lửa ở bên trong” (Vòng trắng). “Em gái văn công” thì không quản gian nguy: “Trận địa pháo vừa bắn rơi phản lực/ Có tiếng em hát rộn khúc quân hành/ Ôi tiếng hát hay từng viên đạn nổ/ Cùng bay lên gìn giữ trời xanh” (Em gái văn công).
Không gian con đường thể hiện sự cảm nhận hiện thực độc đáo của Phạm Tiến Duật. Con đường mặt trận, nhưng với anh cũng là con đường tình đặc biệt, con đường để anh đi tìm em giữa khói lửa chiến tranh, con đường dẫn anh và em hướng về tình yêu Tổ quốc. Đường ra tiền tuyến hóa ra cũng là con đường nối những tình yêu: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Người con trai còn dặn dò, nhắn nhủ người yêu, đã mưa nhiều thì muỗi lắm, cho nên phải thả dài tay áo để muỗi khỏi đốt: “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi em có lấy măng không?” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Cả măng và rau đều chỉ có vào mùa mưa, hết rau thì cũng hết măng. Ở phía tây Trường Sơn, nhiều nơi vào mùa khô bộ đội phải ăn cả củ móng ngựa, một loại củ còn chát hơn cả củ nâu. Câu thơ ngổn ngang chất liệu đời sống mà hay, giản dị mà thật khó viết.
Hình ảnh anh bộ đội trong thơ Phạm Tiến Duật cũng rất láu lỉnh, khen nón mà hóa ra nhận người, một sự vơ vào rất có duyên: “Hồng hồng đôi mặt thân quen/ Nón bài thơ cái chao đèn của anh” (Cái chao đèn).
Xúc cảm trước sự quên mình và hồn nhiên của người lính, Phạm Tiến Duật đã có những câu thơ rất mộc mạc, chân tình và độc đáo: “Không có kính: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi...” “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Tiểu đội xe không kính). Những người lái xe vui trong niềm vui ấm áp, tình đồng chí, đồng đội. Cái bắt tay qua cửa kính vỡ khi gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới.
Có thể tìm thấy trong Phạm Tiến Duật sự suy tưởng triết lý mang chất tình, chất thơ của cuộc sống, sự vật. Nhà thơ đã tạo cho người đọc suy nghĩ và liên tưởng sâu xa trước bản chất cao đẹp của con người, thiên nhiên tươi đẹp của đất nước “Một dãy núi mà hai mùa mưa… Nước khe cạn bướm bay lèn đá”... Thiên nhiên trong thơ Phạm Tiến Duật như hòa vào cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc: “Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa/ Thân nhựa trắng là cây si cây sữa/ Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò/ Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò/ Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh” (Đi trong rừng). Hay: “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Nhớ). Cuộc sống sinh hoạt của người chiến sĩ gắn liền với thiên nhiên. Nơi ngủ là chiếc võng vắt qua hai thân cây giữa rừng. Khi không có cây thì lấy đất làm giường, lấy gió trăng, mây trời làm chiếu.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ đã bỏ lại sau lưng tất cả, lên đường cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất bởi “trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc” và “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”... Đó là chân lý sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam và niềm tin sắt son vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Phạm Tiến Duật đã đúc kết tinh thần mấy nghìn năm trong thơ của mình: “Trên đất nước đêm đêm/ Sáng những ngọn đèn/ Mang lửa từ nghìn năm về trước (Lửa đèn). “Dẫu hố bom kề bên còn cháy khét/ Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương” (Lửa đèn). Với niềm tin tất thắng son sắt ấy, trong trận đánh cuối cùng quân và dân ta đã làm nên một cơn lốc hùng vĩ.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật là người có mặt trong trận đánh lịch sử vĩ đại ấy đã hòa vào dòng người bất tận tiến vào mặt trận Sài Gòn cách đây hơn 40 năm: “Khi lên xe ta chưa quen nhau/ Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn/ Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn/ Chúng ta đi đường dài/ Mấy trăm xe và mấy trăm người/ Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc/ Những trái tim xếp theo hàng dọc/ Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu” (Chim Lạc bay).
Sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật gắn liền với đường mòn Trường Sơn huyền thoại, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc ta... Chúng ta tự hào về đường Trường Sơn huyền thoại và anh hùng, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, con đường bạt núi giữa pháo sáng với đạn bom, con đường có núi cao mấy tầng, con đường say chiến đấu, ghi chiến công lẫy lừng, đường soi sáng để các đoàn xe của ta luôn thẳng tới; đường mang bao nghĩa tình, đường Nam - Bắc yêu thương.
Thấm thoắt đã 60 năm, những con người, những bài thơ Phạm Tiến Duật viết về đường Trường Sơn của thời hoa lửa như vẫn vang vọng đâu đây. Chúng ta mãi mãi nhờ về những cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Đọc lại những vần thơ ông viết, nhắc lại lịch sử để chúng ta hiểu sâu hơn giá trị tuyệt vời mà những người con anh dũng, kiên cường của Tổ quốc ta đã góp phần làm nên.
Trường Sơn, với hơn 17.600km chiều dài, 2.000km đường giao liên và đi qua 3 nước. Từng tấc đất nơi đây đã thấm máu xương anh hùng, liệt sĩ. Gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và hơn 30.000 người bị thương trên tuyến đường Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của hơn 10.300 liệt sĩ Trường Sơn đến từ mọi miền Tổ quốc. “Ôi Việt Nam muôn ngàn lần yêu dấu của ta ơi - Ta chưa công bằng với người, phía Rừng và phía Biển - Biển thì nhớ mà Rừng thì lỗi hẹn - Biển mỡ màng nhường này, Rừng xơ xác nhường kia... Đất phía Đông Trường Sơn vẫn còn rất nóng - Dưới đất nhiều vật thiêng, nhát cuốc hãy dè chừng (Tôi mơ một con đường cao tốc - Phạm Tiến Duật).
Tài liệu tham khảo:
1. Thiếu tướng Võ Bẩm: Những nẻo đường kháng chiến, NXB QĐND, 2006.
2. Phạm Tiến Duật, Tuyển tập thơ một chặng đường, NXB QĐND,1994.
NGUYỄN VĂN THANH