Quê tôi làm lúa nước một năm hai vụ. Vụ tháng 8 (âm lịch) vào đầu mùa mưa nên đồng gặt xong vẫn lênh láng nước. Đồng khô duy nhất mỗi năm một lần chỉ có vào vụ tháng 3. Cuối tháng 2 âm lịch lúa ngả vàng đồng, mương tưới cũng bắt đầu đóng nước. Nắng gay gắt nắng cộng với gió nồm chiều thổi tung cuống rạ khiến nước bốc hơi nhanh. Rặt, cạn, rồi khô. Và tới lúc lúa vừa gặt xong thì đồng khô rông rốc…
Mênh mông đồng đất thành cái sân chơi tự nhiên khổng lồ cho bò trâu, cho lũ trẻ quê trước khi vào vụ mới. Khoái chí làm sao cái cảm giác lần đầu tiên được chạy băng băng trên đồng bất chấp hàng lối, không cần nghĩ tới những bờ ruộng dọc ngang. Chưa tới lúc cày vỡ để đồng lổn nhổn đất cục đau chân. Giờ mới là rạ, là lớp bùn non nứt nẻ khô cong rào rạo đỡ lấy bàn chân. Êm ái lắm. Thi thoảng những cọng rạ cứng có quẹt, chích vào ống chân đau điếng thì cũng đáng gì…
Đón mùa đồng khô, trò vui đầu tiên là bắt cá cạn. Những chân ruộng rộc (trũng) còn sót vài vũng nước hiếm hoi. Ấy đích thị là cái “rốn” cá. Những con cá sặc, cá rô, tép đồng hiếm hoi thoát chết khô đều dồn xuống “rốn”, nằm ngoi ngóp giữa cái vũng cạn trưa hè nước nung nóng giẫy, lép nhép lộn bùn. Lũ tôm cá ấy coi vậy còn may mắn, bởi thường lũ nhỏ bắt về nuôi chơi chứ ít khi đem nướng (chúng bé xíu xiu, nướng không khéo cháy thành than hết, ăn uống gì!).
Vậy nhưng chẳng mấy chốc, những vũng ấy cũng biến thành vũng khô. Không sao, đã có trò vui khác. Giờ là hò nhau dán diều. Những con diều cốt tre, dán giấy xé ra từ tập vở cũ. Dây thì tận dụng đủ thứ dây, nối hàng trăm mối nối miễn sao đủ nhẹ, đủ bền cho diều bay và không đứt thì thôi. Những buổi xế trưa nồm rộ, bầu trời cao xanh trên đồng chợt tung tăng quẫy lộn, nhởn nhơ vô số cánh diều. Dưới đất, lũ nhỏ ôm lon cột một đầu dây diều chí chóe rượt nhau chạy ngược chạy xuôi. Đồng rộng mênh mông tha hồ chạy, chỉ nhớ đừng vô ý để dây diều ta quấn sang dây diều “đồng đội”. Phiền toái, bởi có khi nóng đầu còn xảy ra ẩu đả. Nhưng “hạ hỏa” rồi thôi, lại châu đầu cùng “giải quyết hậu quả”. Gỡ diều, gỡ dây nhanh còn chơi tiếp, gió sắp lặng rồi…
Thời phát động toàn dân diệt chuột, mùa đồng khô lũ nhỏ còn cái thú theo người lớn ra đồng đào, đập chuột. Đuôi chuột phơi khô đem nộp được thưởng tiền, chưa kể còn có thịt chuột nướng ăn. Người lớn lo đào, bẫy; con nít theo sau chủ yếu “trợ oai” hoặc phụ mang xách đồ nghề. Vậy nhưng, ít nhiều gì cũng “luật phường săn”, tới cuối buổi lớn nhỏ đều được chia phần…
Thêm một trò vui mùa đồng khô không thể nào bỏ qua: bắt dế! Dế mèn sống trong hang hốc ven bờ, trong những khe nứt dọc ngang trên mặt ruộng. Tiếng gáy của dế gọi mời, thôi thúc trẻ thơ những đêm trăng vằng vặc hoặc lúc sáng tinh sương. Rón rén lần mò theo thứ thanh âm quyến rũ kia mà “tiếp cận mục tiêu”. Đào, chộp lấy, mang về. Dế nuôi trong từng ống bơ cất dưới gậm giường, ngày mang đi đá (chọi), đêm nghe chúng gáy cho… vui tai. Ồn ào chỉ với người lớn thôi, chứ con nít mà nghe dế gáy thì ngủ ngon, đầy mộng đẹp!
Tới lúc mẹ, chị cùng các bác các cô xách liềm hò nhau đi dọn rạ đốt đồng cũng là lúc sắp bước sang cày bừa vụ mới. Niềm vui “vớt vát” cuối cùng của trẻ thơ sau khói đốt đồng là những bông lúa sót. Lửa nóng đốt từng hạt lúa nổ bung, xòe tai hoa như cốm. Lùng sục những hạt “cốm” ấy, lột vỏ trấu, thổi phù cho hết bụi xong lia vào miệng mà nhai. Hương lúa, hương đồng, hương khói lửa chân quê “n trong 1” tổng hòa thành cái vị khen khét, ngầy ngậy, thơm thơm. Ngon. Đặc biệt càng ngon hơn khi đứa trẻ biết đó là niềm vui cuối cùng được đồng khô ban tặng. Chỉ nay mai thôi nước về rồi…
Y NGUYÊN