Về thăm Xẻo Quýt anh hùng

Thứ tư - 29/05/2019 04:08
Với tôi, cái tên Xẻo Quýt vốn còn khá xa lạ, tôi chỉ biết được nhờ thông tin trên mạng, trên báo chí. Hôm nay (27/5), tôi may mắn cùng đoàn văn nghệ sĩ - báo chí Phú Yên đến mảnh đất Xẻo Quýt anh hùng.
Về thăm Xẻo Quýt anh hùng

Với tôi, cái tên Xẻo Quýt vốn còn khá xa lạ, tôi chỉ biết được nhờ thông tin trên mạng, trên báo chí. Hôm nay (27/5), tôi may mắn cùng đoàn văn nghệ sĩ - báo chí Phú Yên đến mảnh đất Xẻo Quýt anh hùng.

 

Sau khi đến thăm cầu Vàm Cống, cây cầu mới và hiện đại bắc qua sông Hậu, một nhánh của sông Vàm Cỏ Đông, nối liền TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp, đoàn chúng tôi qua cầu Cao Lãnh để đến khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt. Vùng đất này cách TX Sa Đéc khoảng 20km, thuộc xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Cảnh vật hai bên đường lần lượt hiện lên trù phú và thanh bình.

 

Xe băng qua cánh đồng rộng, mùa này lúa vừa thu hoạch xong, những đàn cò, vịt trời thong dong kiếm mồi trên ruộng nước. Xe xuyên qua những vườn cây cảnh, cây ăn trái tốt tươi, những căn nhà mới mái đỏ au thấp thoáng trong những khu vườn nhãn nặng oằn trái. Thi thoảng chúng tôi gặp vài đầm sen lớn, lá sen trùng trùng lớp lớp, hoa sen cuối mùa vẫn trổ màu hồng phấn, màu trắng tinh khôi, thanh khiết.

 

Khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt là vùng rừng nguyên sinh tự nhiên, trong rừng cây tràm là chủ yếu. Những cây tràm ở đây có tuổi thọ trên dưới 50 năm, nhiều cây cao vài chục mét. Đặc biệt, trong rừng Xẻo Quýt hầu hết thân cây to đều được dây bòng bong và các loại dây leo khác phủ kín tạo thành những khối hình chóp nón xanh mướt là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhiếp ảnh gia, nhất là vào buổi sáng sớm mai hay khi nắng chiều xuyên tán lấp lánh muôn màu trên vạt lá xanh. Tôi nghe có tiếng nhiều loài chim ríu rít trong bóng cây rừng thâm u. Phía trước rừng là khu lưu niệm, có những hồ sen và hoa súng, những lá sen vua to đường kính cả thước như những chiếc mâm trên mặt nước, đan xen những bông súng tươi hồng, tủa lên mặt hồ.

 

Đã đăng ký từ trước, chúng tôi được cậu hướng dẫn viên khu di tích Vũ Ngọc Yên và ba cô thôn nữ mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo đón tiếp. Tôi cùng ba đồng nghiệp bước lên chiếc thuyền ba lá do Nguyễn Thị Minh Thu, quê xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đảm nhiệm việc chèo chống đồng hành theo những con kênh nhỏ xuyên rừng.

 

Xẻo Quýt hiện lên trong tầm mắt với lời của thuyết minh viên đầy huyền bí. Cây rừng đan nhau làm thành mái vòm che trên đầu, che kín cả bầu trời. Khu rừng này xưa kia là một vạt tràm ngập mặn rậm rạp, rộng chừng 20ha, nằm giữa đồng bưng mênh mông lau sậy, ô rô, cốc kèn, bòng bong…; chung quanh chằng chịt những kênh rạch hiểm trở, đất sình lầy, nếu bị lún có nơi tới bụng, tới cổ người lớn.

 

Trong thời chống Mỹ, dưới những tán tràm xanh mướt là những công sự chiến đấu, hầm trú ẩn bí mật. Xuồng chui qua vài cây cầu bằng gỗ nhỏ bắc ngang con rạch để vào trung tâm khu di tích. Chúng tôi tận mắt chứng kiến những công trình được phục chế theo nguyên mẫu thời chiến tranh như hầm tránh bom, hầm trú ẩn, công sự chiến đấu, hầm bí mật bên những hố bom Mỹ - ngụy ném xuống hòng hủy diệt lực lượng cách mạng của ta. Lòng tôi thầm nghĩ: Đã có biết bao xương máu của các chiến sĩ cách mạng, của đồng bào ta đổ xuống nơi đây.

 

Con rạch quanh co, có đoạn rất nhỏ, đất và rễ cây chạm vào cả mạn xuồng. Cô “nữ du kích” mảnh mai khéo léo chèo chống cho chiếc xuồng len lỏi qua từng đám lau sậy um tùm. Nhiều đoạn xuồng đi dưới những vòm cây chỉ cách mặt nước hơn nửa thước, lữ khách phải khom người để tránh vướng vào cành lá. Vào mùa nước nổi, khi qua những đoạn này còn khó khăn hơn.

 

Được các “du kích thời chiến” chèo xuồng nhỏ đưa đi len lỏi trong những con rạch giữa rừng tràm thâm u, vắng vẻ thật thú vị và lãng mạn. Xung quanh chỉ có tiếng gió xào xạc, tiếng chim líu lo, ríu rít cùng với hương tràm, hương cây xá xị thoang thoảng bay ra. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Trưởng đoàn hỏi: - Anh Bá Thuyết và nhà thơ Lê Hào thấy thỏa mãn chưa? Tôi nói to: - Quá tuyệt vời, một chuyến đi thật quý giá! Nhà báo Mạnh Hoài Nam vô cùng hứng thú, liên tục bật máy để quay cảnh trong Xẻo Quýt. Một chú cá lóc nghe động nên phóng mấy nhịp trước mũi xuồng.

 

Nhà thơ Đặng Văn Thơm ngồi bên tôi mải mê theo dõi thiên nhiên theo cách riêng, giờ mới chịu lên tiếng: - Ở đây chắc cá lóc nhiều lắm. Cô gái chèo xuồng giọng Nam Bộ ngọt lịm: - Dạ nhiều dữ lắm anh, có khi nó còn phóng cả lên xuồng, nhưng không ai bắt nên ngày càng nhiều!...

 

Chúng tôi đi xuồng theo kênh chừng 2km thì xuống đi bộ theo các con đường trước đây bộ đội và du kích ta len lỏi để đánh giặc. Nhiều ụ đất được đắp cao lên giữa bãi lầy để làm chỗ trú tạm thời, nhiều hầm chữ A chống bom, đạn địch được khôi phục khá kiên cố. Tất cả rừng cây, hầm ếch, kênh rạch, lối mòn trở thành một trận đồ bát quái giúp quân và dân huyện Cao Lãnh nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung góp công cùng cả nước đánh thắng kẻ thù. Tạm biệt những “cô du kích nhỏ”, chúng tôi rời Xẻo Quýt trong tâm trạng mãn nguyện, phấn chấn, ai cũng tấm tắc khen nơi đây quả là một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời.

 

Xẻo Quýt đã thực sự trở thành khu du lịch sinh thái với nhiều hạng mục phục vụ du khách tham quan. Lữ khách sau khi đi tham quan có thể vào nhà hàng thưởng thức ẩm thực giữa khung cảnh thiên nhiên trữ tình với các món cá lóc nướng trui, gà nòi hầm sả, lẩu gà nòi, lẩu cá basa hay chè sen, chè bưởi... Ngoài ra, các loại rau cù nèo, bông điên điển, bông so đũa màu trắng tươi non, ăn xong tráng miệng đủ các loại cây như: sầu riêng, nhãn, quýt vàng, xoài tượng, bưởi năm roi, chôm chôm… cũng góp phần làm nên một bữa ăn không thể quên ở Xẻo Quýt.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp