Tham gia buổi chiếu bóng lưu động mới cảm nhận hết tình cảm của bà con nơi đây dành cho những người làm công tác chiếu bóng, lại càng thêm trân trọng các anh với nghề vất vả nhưng đầy ý nghĩa này...
Vượt hơn 50km từ trung tâm TP Tuy Hòa đến xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), trời bắt đầu kéo mây, chiếc xe dường như chậm lại bởi những cung đường hiểm trở. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng kịp đến buổi chiếu phim phục vụ bà con nơi đây.
Các thành viên đội chiếu bóng lưu động chuẩn bị máy móc để chiếu phim phục vụ người dân - Ảnh: THIÊN LÝ |
Rộn ràng chiếu phim lưu động
Ông Nguyễn Minh Châu (58 tuổi), phụ trách đội chiếu bóng số 3, cho biết: “Trước đây, Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng Phú Yên có 4 đội chiếu bóng lưu động. Hiện chỉ còn 3 đội. Tôi cùng một thành viên của đội chiếu bóng lưu động số 3, phụ trách thôn Tân Thuận, hai đội còn lại chia nhau phụ trách thôn Tân Hợp và Tân Hiệp phục vụ bà con”.
Để chuẩn bị cho buổi chiếu, từ 4 giờ chiều, các anh tranh thủ lo cơm nước, rồi mỗi người góp một tay, người khiêng loa, chuẩn bị máy móc, người dựng màn chiếu... Khi mặt trời bắt đầu khuất núi cũng là lúc bà con đi làm rẫy về, tiếng loa từ đội lưu động số 2 cất lên: “Alô! Alô... Kính thưa toàn thể bà con, đúng 19 giờ tối nay, tại Nhà Văn hóa thôn Tân Hợp, chúng tôi chiếu phim phục vụ bà con. Rất mong bà con đến xem... Alô! Alô”.
Không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn lên khi tiếng nhạc bắt đầu nổi lên. Chưa đến giờ nhưng đám trẻ trong làng đã háo hức đến sớm. Em Sô Báo, lớp 3, Trường tiểu học Sơn Hội, chia sẻ: “Thích lắm, đi học về tranh thủ ăn cơm xong là em chạy sang đây luôn”.
Mở đầu buổi chiếu là chương trình giao lưu karaoke. Người đến xem mỗi lúc một đông, già trẻ trai gái đều có mặt. Đúng 7 giờ tối, phim bắt đầu chiếu. Phim tài liệu Hà Nội 12 ngày đêm, nói về sự đồng lòng của quân dân ta chiến đấu chống tập kích bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Tiếp nối là phim truyện Những người viết huyền thoại. Theo dõi phim, ai nấy đều im lặng, trật tự. Đến khi kết thúc phim, có người tỏ ý muốn được xem tiếp.
Như nhiều hộ khác trong làng, sau một ngày lao động vất vả, gia đình bà Sô Thị Thắng ở thôn Tân Hiệp tranh thủ ăn cơm sớm hơn mọi ngày để đi xem phim. “Hôm trước đi rẫy về muộn nên không xem được, vì thế tối nay, tôi cố gắng về sớm để dẫn tụi nhỏ đi xem. Nghe vậy, mấy đứa nhỏ háo hức và vui lắm!”, bà Thắng nói.
Anh Nguyễn Xuân Hiệp, Trưởng thôn Tân Hợp, chia sẻ: “Dù trong thôn nhiều nhà đã có tivi nhưng mọi người rất thích xem phim màn ảnh rộng. Bởi vậy, các buổi chiếu phim như thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa văn hóa về cơ sở. Ngoài tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, tôi mong rằng có thể lồng ghép nhiều chương trình về kế hoạch hóa gia đình, hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn..., qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ mở mang kiến thức, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn...”.
Người dân thôn Tân Hợp, xã Sơn Hội xem chiếu phim lưu động - Ảnh: THIÊN LÝ |
Những bước chân thầm lặng
Gắn bó với nghề, đến nay người nhiều tuổi nhất trong đội giờ cũng đã chuẩn bị nghỉ hưu, người nhỏ tuổi nhất cũng đã được vài năm công tác. Ông Nguyễn Minh Châu đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Nhớ lại ký ức, ông tuôn trào mạch cảm xúc: “Một năm sau khi xuất ngũ, tôi xin vào làm tại Công ty Điện ảnh của huyện Tuy Hòa. Từ anh bộ đội tay ngang qua làm công việc liên quan đến phim ảnh nên cái gì cũng phải học, vừa làm anh tài xế vừa đảm nhận khâu phát điện, vừa tự mày mò, học hỏi kỹ thuật chiếu bóng từ các anh em trong công ty”.
Đến năm 1989, công ty giải tán, ông về làm ruộng ở quê nhà Đông Hòa. Năm 1996, Công ty Điện ảnh Phú Yên thành lập, ông phấn khởi khi được trở lại với công việc chiếu bóng cho đến nay. Và sau hơn 30 năm gắn bó với chiếu bóng, ông đã mang hết tâm huyết và lòng nhiệt tình của mình cùng với anh em mang đến những thước phim ý nghĩa cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Từng là thành viên trong đội chiếu bóng của Phòng Chính trị, BĐBP tỉnh từ năm 1990-1993, ông Ngô Văn Nhất (51 tuổi), có nhiều năm kinh nghiệm trong kỹ thuật chiếu bóng. Sau khi nghỉ một thời gian, ông xin vào Công ty Điện ảnh - Băng từ và phụ trách đội chiếu bóng lưu động số 2 cho đến nay. “Ngày trước, đường sá chưa bê tông, nhiều cung đường hiểm trở, khó đi. Mỗi lần đi chiếu phim, cả đoàn phải đi xe đò. Khi đến xã, anh em trong đoàn khiêng máy móc, thiết bị lên cộ bò để tiếp tục hành trình. Thời kỳ đó, máy móc chiếu phim đâu có nhẹ nhàng như bây giờ. Để phục vụ một buổi chiếu, đoàn phải khiêng theo máy chiếu nặng mấy chục ký cộng thêm máy phát điện và nhiều máy móc, thiết bị khác. Để lên đến nơi, mấy anh em phải ngồi mấy tiếng đồng hồ, nơi xa nhất cũng phải mất hết cả buổi mới tới được...”, ông Nhất kể.
Vào nghề cùng thời điểm với ông Nhất, ông Dương Văn Cường (49 tuổi) kể không ít chuyện dở khóc dở cười trong những chuyến đi chiếu bóng lưu động. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài từ chục ngày tới nửa tháng. Cho nên việc ăn ở, sinh hoạt của anh em trong đoàn cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về nước sinh hoạt. “Muốn nấu ăn, anh em phải đi xin bà con từng can nước sạch về sử dụng. Nghĩ bụng, nước đã hiếm mà đi xin bà con mãi cũng không phải là cách hay nên mấy anh em thay phiên nhau đi lấy nước suối xa chừng 3km về dùng. Mỗi lần đi, anh em ôm can 10 lít, thồ nhau trên chiếc “ngựa sắt” mượn được của người dân”, ông Cường nhớ lại.
Trăn trở với nghề
Thiếu thốn, vất vả là vậy nhưng những người làm nghề chiếu bóng vẫn không quay lưng với nghề, vẫn kiên nhẫn, nhiệt huyết với những chuyến đi dài. Anh em trong đoàn không gì hạnh phúc bằng khi bà con đón tiếp niềm nở như những người thân đi xa mới về, hay những khuôn mặt say sưa theo dõi bộ phim đang chiếu trên màn hình. Đó chính là động lực giúp các anh vượt qua mọi khó khăn, vất vả của nghề. Ông Lê Trung Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng Phú Yên |
So với trước đây thì cơ hội tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng dễ dàng hơn, nên loại hình chiếu bóng lưu động không còn thịnh hành. Vì vậy, để thu hút khán giả đến với chiếu bóng lưu động, các đội chiếu bóng lưu động đã tổ chức thí điểm chương trình giao lưu karaoke 15 phút đầu ở một số địa phương có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin giải trí phong phú. Từ các bộ phim do Cục Điện ảnh cấp, các đội chiếu bóng lưu động cân nhắc lựa chọn những bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của người dân từng vùng miền. “Với đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các phim tài liệu (Hà Nội 12 ngày đêm, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Trường Sơn - nơi huyền thoại bắt đầu), các bộ phim về chiến tranh rất được ưa chuộng (Những người viết huyền thoại, Cỏ cháy, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang). Còn đối với cư dân ven biển, đi xem chiếu bóng lưu động gần như là phút thư giãn của nhiều gia đình. Họ có thể ngồi gần nhau, xem phim và cười sảng khoái với dòng phim hài (Lật mặt 1, Lật mặt 2, Lật mặt 3, Tía tôi là cao thủ, Cao thủ ẩn danh) hay thích thú với những pha hành động trong phim truyện Việt Nam”, ông Nhất cho biết.
Đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lớn với đời sống tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa nhưng giới làm nghề chiếu bóng lưu động cũng có nhiều nỗi niềm, trăn trở. Theo chỉ tiêu của Sở VH-TT-DL Phú Yên giao trên cơ sở quy định của Cục Điện ảnh, mỗi năm các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng phục vụ 700 suất tại các vùng núi, bãi ngang ven biển... trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đội chiếu bóng lưu động còn phục vụ các đơn vị, đoàn thể vào những dịp lễ. Năm 2018, 4 đội chiếu phim lưu động đã thực hiện hơn 700 buổi chiếu phim; bình quân mỗi đội phục vụ 175 buổi/năm. Tuy nhiên hiện tại, Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng chỉ còn lại 3 người do tạm dừng hợp đồng lao động 5 viên chức. Mặc dù đã bố trí thêm một lãnh đạo và 2 tài xế kiêm nhiệm công tác chiếu bóng lưu động nhưng chỉ đủ 3 đội. “Các đội chiếu bóng lưu động phục vụ liên tục trong năm, chỉ tạm ngắt quãng vào mùa mưa. Mỗi đợt đi là 10 ngày. Sau đó, chúng tôi sửa chữa, tu dưỡng máy móc, chép phim trong vòng 2-3 ngày rồi tiếp tục hành trình. Đã gần hết nửa năm nhưng chúng tôi chỉ mới hoàn thành 8 đợt với 239 suất chiếu. Trước tình hình trên, chúng tôi mong muốn có chế độ cộng tác viên theo từng đợt chiếu phim để kịp tiến độ, đảm bảo nhu cầu thông tin, văn hóa của người dân”, ông Lê Trung Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng Phú Yên, bày tỏ.
THIÊN LÝ