Y Điêng - dấu ấn văn xuôi và thơ

Chủ nhật - 28/06/2020 04:07
Nhà văn Y Điêng sinh ra nơi vùng đất đỏ bazan, bên dòng sông Hinh huyền thoại, nơi một thời các chàng trai, cô gái Ê Đê vót chông, đuổi giặc giữ buôn làng… Suốt chặng đường dài trên 70 năm với nghiệp cầm bút, Y Điêng vẫn miệt mài, cần mẫn trên cánh đồng văn chương.

Nhà văn Y Điêng sinh ra nơi vùng đất đỏ bazan, bên dòng sông Hinh huyền thoại, nơi một thời các chàng trai, cô gái Ê Đê vót chông, đuổi giặc giữ buôn làng… Suốt chặng đường dài trên 70 năm với nghiệp cầm bút, Y Điêng vẫn miệt mài, cần mẫn trên cánh đồng văn chương.

 

Văn xuôi gắn liền với quê hương, sông núi

 

Nhà văn Y Điêng đã ngoài 90 tuổi, mắt mờ, chân yếu, tay run, lại nặng tai. Mặc dù vậy, trí nhớ của ông vẫn khá tốt, đặc biệt là khi nói về các tác phẩm sử thi mà ông tham gia dịch thuật. Miệt mài giữ gìn, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian, năm 2015, ông vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Y Điêng gắn bó với quê hương, với buôn làng, là sợi dây nối đồng bào ở buôn làng với Đảng.

Y Điêng sinh năm 1928 tại buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. 17 tuổi, ông được làm thư ký xã bộ Việt Minh ở xã Ca Bin (tỉnh Đắk Lắk); năm 1947 ông thoát ly tham gia cách mạng. Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1954, ông cùng đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội, rồi công tác tại Trường Dân tộc miền Nam. Đến năm 1958, ông chuyển công tác đến Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách chương trình phát thanh tiếng các dân tộc Tây Nguyên. Tháng 10/1963, ông được chuyển lên khu tự trị Tây Bắc, công tác tại Đài Phát thanh khu tự trị Tây Bắc. Tháng 9/1964, Y Điêng trở lại chiến trường Tây Nguyên - khu 5 và miền Đông Nam Bộ, bám trụ cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và có nhiều năm công tác ở Đắk Lắk.

 

Y Điêng là người Ê Đê đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh.

 

Y Điêng viết không nhiều; ngòi bút của ông chậm mà chắc. Ông từng tâm sự: “Trong quá trình làm nghề sáng tác văn học, tôi luôn nghĩ về con sông, con người của quê hương tôi. Sông núi đẹp, con người hiền hòa, dân tộc mình chính mình biết và chính mình viết. Mình không viết là mình có lỗi với quê hương, sông núi và người thân. Nghề viết văn khó quá; tôi viết hiền quá, viết chậm quá nên phải viết đi viết lại nhiều lần, mỗi lần sửa lại như là mới viết vậy”.

 

10 năm ở miền Bắc, Y Điêng đã xuất bản các tập truyện ngắn: Em chờ bộ đội Bác Hồ, Ông già T’Rao, Như cánh chim Kvay, Drai Hlinh đi về phía sáng. Nghiệp cầm bút của Y Điêng bắt đầu từ truyện ngắn, sau đó đến truyện dài và rồi đến tiểu thuyết. Các tiểu thuyết: Chuyện bên bờ Sông Hinh (2 tập) và Trung đội người Ba Na của nhà văn Y Điêng với hàng ngàn trang viết về những số phận, những cuộc đời, về vùng đất quê hương ông, bên bờ sông Hinh xa xưa trong huyền thoại và niềm vui dân làng sau ngày đất nước thống nhất.

 

Sông Hinh - vùng đất miền Tây Phú Yên đã có nhiều đổi thay. Tác phẩm của nhà văn Y Điêng nói lên điều đó bằng hình tượng văn học với cách thể hiện chân chất, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Với truyện dài Hờ Giang (1978) và tiểu thuyết Chuyện bên bờ sông Hinh (2001), nhà văn Y Điêng đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).

 

Mạch thơ đậm chất Tây Nguyên

 

Ngoài văn xuôi, Y Điêng còn sáng tác thơ. Tập Y Điêng thơ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên xuất bản năm 2006 chắt lọc gần 50 tác phẩm từ trên 100 bài thơ mà ông sáng tác trong nhiều năm. Độc giả biết Y Điêng là nhà văn, nhà sưu tầm, biên dịch sử thi, viết lại truyện cổ Ê Đê, và rồi biết thêm về một Y Điêng thơ. Chất Tây Nguyên, chất Ê Đê rất đậm nét trong thơ ông. Giản dị, chân thật, hồn nhiên, ông viết về Sông Hinh, về đất đỏ bazan, về tiếng kèn môi, về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước…

 

Quê tôi vùng đồi cỏ miền Tây

Vùng đất gồ ghề giữa hai con sông

Sông Hinh nước trong cá bơi

Sông Krông Năng cá phá cá bông

Hai con sông, hai cánh hoa của dòng sông Ba bất khuất.

                                                                   (Quê tôi)

 

Nhiều bài thơ của Y Điêng làm ta nhớ nhiều đến Tây Nguyên, nhớ một thời lạt muối, đói cơm song đồng bào vẫn một lòng trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ.

 

Năm 1982, Y Điêng rời phố biển Nha Trang trở về Sông Hinh, nơi có hai dòng sông đi vào thơ ông, nơi có đồng cỏ mênh mông, cao nguyên lộng gió… Ông vui với niềm vui của bà con buôn làng, ông trăn trở về những tập tục lạc hậu, về cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám buôn làng. Đã bao nhiêu tháng ngày Y Điêng vận động bà con làm nương rẫy, xây dựng buôn làng văn hóa, vượt khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất màu mỡ của quê hương.

 

Trong bài thơ Đàn môi sáng tác năm 1984, ông viết:

 

Bạn gái nghe

Đàn môi tôi

Muốn dậy ngay

Cùng lên nương…

 

Không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn ẩn chứa tình yêu lao động với lối tư duy rất cụ thể song cũng đầy lãng mạn, một loạt bài thơ ra đời sau khi ông về với buôn làng: Hoa cây khế, Em tắm, Tiếng đàn Bờ Rố… Thơ Y Điêng bình dị, mộc mạc, thấm đẫm tình người, giàu hình ảnh và rất lãng mạn. Phải chăng đấy chính là do chất sử thi đã ngấm vào nguồn cảm xúc của ông?

 

Y Điêng như bóng cây kơnia đại thụ giữa núi rừng, như cánh chim pro tốc vẫn miệt mài bay trên đại ngàn của sông Hinh. Dòng sông ấy là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo, giúp ông dệt nên những áng thơ - văn để lại cho đời.

 

HỮU BÌNH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp