Chiếc gùi trong đời sống của người Ê Đê

Thứ ba - 23/06/2020 13:59
Gùi - đối với đồng bào Ê Đê nói chung, ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) nói riêng không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật như khi lên rẫy, đi chợ mua bán…,

Gùi - đối với đồng bào Ê Đê nói chung, ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) nói riêng không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật như khi lên rẫy, đi chợ mua bán…, mà còn là một tác phẩm mỹ thuật được trang trí hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó.

 

Chiếc gùi là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào Ê Đê, đặc biệt là phụ nữ. Từ khi nhỏ tuổi theo mẹ lên rẫy, các bé gái đã học đeo những chiếc gùi trên vai. Cứ thế, chiếc gùi cùng các em lớn lên…

 

Tác phẩm nghệ thuật

 

Theo chị Hờ My (buôn Lê Diêm), chiếc gùi không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngay từ khi còn bé, mỗi lần đi rẫy đã thấy mẹ mang gùi. Lớn hơn một chút, chị được ba đan cho chiếc gùi nhỏ để tập mang, làm quen với cuộc sống lao động. Ðến khi trưởng thành, chị lại mang gùi lớn để cùng ba mẹ lên rẫy, vào rừng kiếm củi. Và cứ thế, chị lớn dần cùng chiếc gùi theo năm tháng.

 

Còn theo anh Ksor Y Krit, Trưởng buôn Lê Diêm, nếu như phụ nữ Kinh có quang gánh thì người phụ nữ Ê Đê đi đâu cũng mang gùi. Hình ảnh người đàn ông đi trước cầm rựa, còn phụ nữ theo sau mang gùi là nét đặc trưng đối với dân tộc Ê Đê. Ngay trong những lời bài hát, những tiết mục văn nghệ đều có hình ảnh của chiếc gùi: Đong đưa, đong đưa/chiếc gùi đong đưa/ Hren lên rẫy… (Hren lên rẫy - Nguyễn Cường)

 

Chiếc gùi không chỉ là vật dụng đựng đồ thuần túy mà còn là sản phẩm trang trí, thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người chế tác. Ông Ma Vinh, nghệ nhân đan gùi ở buôn Lê Diêm chia sẻ: “Gùi thường có miệng hình tròn, dáng vuông và nhiều kích cỡ. Với mỗi kích cỡ lại có đối tượng sử dụng và công dụng khác nhau: gùi nhỏ cho trẻ con, gùi lớn cho người trưởng thành, gùi để biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ, gùi dành cho việc cúng lễ”.

 

Nét văn hóa đặc trưng

 

Theo Ma Vinh, để đan được một chiếc gùi mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người đan. Trước hết là phải vào rừng tìm kiếm nguyên vật liệu, chọn những cây mây, tre, lồ ô thật thẳng, đẹp, không quá già cũng không quá non. Sau đó chặt mây thành từng đoạn, chẻ lạt và vót cho thật nhẵn rồi ngâm trong bùn cho đủ độ dẻo, vót 4 trụ bằng nứa cho đúng kích thước và bằng nhau. Quan trọng nhất là công đoạn làm đế. Đế có đều, đẹp và chắc chắn, gùi mới sử dụng được lâu. Nguyên liệu làm đế là gỗ cây cóc rừng. Sau khi làm được đế thì đến công đoạn làm thân gùi, có thể theo hình thoi hoặc tròn. Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi, thường làm bằng vỏ cây rừng hoặc mây.

 

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, đường sá đi lại thuận tiện hơn, người dân đã có nhiều phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa. Thế nhưng, nếu có dịp ghé qua nhiều thôn, buôn của người Ê Đê ở Sông Hinh, chúng ta vẫn dễ bắt gặp hình ảnh các nghệ nhân lớn tuổi cần mẫn truyền dạy cách đan gùi cho con cháu, hay hình ảnh các mẹ, các bà mang gùi đi lấy củi, bẻ măng... Hình ảnh những người phụ nữ lặng lẽ với chiếc gùi trên vai tuy bình dị nhưng đó là nét văn hóa đặc trưng, sâu sắc nhất của đồng bào Ê Đê còn tồn tại được đến ngày nay đúng với giá trị vốn có của nó.

 

Chị Hoàng Thị Hiền, một khách du lịch, bày tỏ: “Gùi rất đẹp, được nghệ nhân nơi đây đan rất tinh xảo. Đến với buôn Lê Diêm, tôi rất thích xem nghệ nhân đan gùi. Và tôi cũng đã mua một chiếc để về trưng bày”.

 

NGỌC LY

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp