Bắt cháy dưới đầm Ô Loan

Chủ nhật - 10/11/2024 06:59
Mùa mưa lụt, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ chảy qua cầu Lò Gốm đổ về đầm Ô Loan (huyện Tuy An) dâng cao rồi chảy ra biển làm cho cửa đầm mở rộng, nước mặn từ biển tràn vào đầm Ô Loan. Đầm thay nước mới, tạo điều kiện cho các loại hải sản như hàu, điệp, sò... sinh sôi.
Bắt cháy dưới đầm Ô Loan

Mùa mưa lụt, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ chảy qua cầu Lò Gốm đổ về đầm Ô Loan (huyện Tuy An) dâng cao rồi chảy ra biển làm cho cửa đầm mở rộng, nước mặn từ biển tràn vào đầm Ô Loan. Đầm thay nước mới, tạo điều kiện cho các loại hải sản như hàu, điệp, sò... sinh sôi.

 

Năm nay, cháy xuất hiện nhiều; chúng sống bám thành mảng, giề, giống miếng cơm cháy, bám vào đá, bám dưới lớp bùn. Người dân tranh thủ xuống đầm bắt cháy mưu sinh.

 

Ngâm mình cào cháy

 

Người đi bắt cháy kéo theo sõng câu, cái thau và rổ xảo. Thau lớn được dùi thủng một lỗ nhỏ ngay miệng vành, luồn sợi dây buộc vào lai áo hoặc thắt lưng và một đầu buộc vào chiếc sõng, phía trong cái thau đựng rổ xảo. Người quỵ gối, người khom lưng mò bắt con cháy bám trong đá bỏ vào rổ rồi dùng tay hoặc rựa trành dạt bỏ con cháy vào thau, sau đó đổ rổ đá xuống đầm.

 

Bà Bùi Thị Xuân ở xã An Cư (huyện Tuy An) cho hay: Mùa này nước lớn, phụ nữ ven đầm bắt cháy chỗ gò cao, đá nhiều nên mò bắt bằng tay, từ sáng đến trưa bắt được bao tải tầm 50kg, bán với giá 4.000 đồng/kg. Còn đàn ông thì ra xa chỗ nước sâu cào hốt cát, bùn đất vào rổ xảo. Dụng cụ cào bắt cháy là những bàn cào nối với lồng lưới sắt mắt nhỏ; khi kéo dàn cào dưới đáy đầm thì con cháy bám vào đá sỏi dưới bùn sẽ bị giữ lại trong lồng lưới. Đàn ông cao to, có sức ra giữa dòng sông cào đãi, sau đó lên bờ gạt bỏ sỏi để lấy những con cháy.

 

Cháy sau khi đưa lên bờ được dội sạch bùn đất rồi bán làm thức ăn cho tôm hùm. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

“Lượng sức mình mà cào cát đầy hoặc lưng rổ bàn cào rồi bưng lên, sàng sảy… Cát, bùn rớt xuống nước, còn lại con cháy, bắt bỏ vào trong thau kéo theo sau lưng. Cái thau nổi trên mặt nước, đi đến đâu họ kéo theo đến đó. Khi cào bắt cháy đầy thau thì đổ vào sõng. Người nào giỏi thì cào được trên đôi tạ, người già cả, gắng lắm cũng được gần 1 tạ. Cách này bắt được nhiều hơn nên mang lại thu nhập cao”, bà Xuân nói.

 

Bơi sõng chở cháy cập bờ đầm, chị Lê Thị Hà ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), nói: Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa là tôi cùng nhiều phụ nữ xuống đầm lặn lội như thân cò mò bắt cháy bán kiếm tiền trang trải trong gia đình. Thường đi bắt cháy từ sáng đến trưa là về nghỉ vì ngâm nước lạnh người, nhưng có đàn ông khỏe, bền sức ngâm mình dưới nước cào bắt cả ngày được 3 tạ cháy, chiều bỏ túi trên 1 triệu đồng. Đối với người không có sõng câu thì một mình với can nhựa 10 lít cắt miệng, làm siêng mò từ sáng đến trưa cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng. Ba tháng mùa mưa, hải sản trong đầm là tài sản chung, ai cũng ráng làm kiếm tiền.

 

Bà Bùi Thị Nhung, một thương lái mua vẹm cháy đầm Ô Loan cho biết: Hiện nay, con cháy xuất hiện rất nhiều, mỗi ngày người dân ven đầm bắt trung bình từ 5-7 tấn. Con cháy sau khi đưa vào bờ, tôi thuê nhân công bơm nước dội sạch bùn đất rồi chở ra TX Sông Cầu bán để làm thức ăn cho tôm hùm.

 

Quyết lit ngăn nuôi cháy bng lưới mùng

 

Qua mùa mưa lụt, xóm nhà của người dân 4 xã (An Cư, An Ninh Đông, An Hòa Hải và An Hiệp) sống ven đầm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Ven bờ hồ nuôi tôm giáp vòng, con tôm “ôm” đầm. Phía ngoài đầm nuôi tôm, địa phương giao mặt nước đầm cho hộ dân làm nghề đóng chấn. Treo đèn dầu trên đầu cây chấn, tôm cá nhìn đèn vô chấn, lọt vào rốn chấn. Cách đây trên 5 năm, cháy xuất hiện nhiều bám dày vào tấm chấn. Con cháy lại được các thương lái hỏi mua cho tôm hùm ăn nên nhiều người thả tấm mùng nuôi con cháy.

 

Một điểm thu mua con cháy ven đầm Ô Loan. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Ông Lê Minh Hoàng, nguyên thành viên tổ quản lý đầm ở xã An Hiệp cho hay: Con cháy giá trị thấp chỉ 4.000 đồng/kg, nhưng số lượng nhiều, có người thả nhiều mùng sau một thời gian bắt 3 tấn, thu 12 triệu đồng. Loại này cứ thả mùng chìm xuống đáy là nó bám phía trên, gọi là con cháy nằm mùng. Việc thả mùng để nuôi con cháy là làm chơi, ăn thật vì không phải thả giống, không phải cho ăn mà vẫn thu vài chục triệu đồng. Thấy thu nhập cao, nhiều hộ lén ra gần giữa đầm đóng cọc giăng lưới mùng, chấn đăng nuôi cháy dày đặc, ngăn cản dòng chảy, đầm ô nhiễm làm cho các loại hải sản trong đầm chết.

 

“Đầu năm 2024, huyện phối hợp với chính quyền các xã ven đầm kiểm tra thực địa, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ghe thuyền và môi trường sinh thái đầm Ô Loan, tiến hành tháo gỡ, giải tỏa hàng ngàn que đăng. Sau nhiều lần ra quân, thuyết phục, đến thời điểm hiện nay, việc sử dụng ngư cụ cấm ở đầm Ô Loan đã giảm nhiều, đầm thông thoáng trở lại. Con cháy, hàu, điệp, sò, tôm đất sinh sản tự nhiên”, ông Hoàng nói.

 

Trên tuyến đường bê tông đoạn qua xã An Hiệp, UBND xã đã đặt biển thông báo, nghiêm cấm giăng mùng nuôi vẹm, ốc và cắm cọc nuôi hàu ở đầm Ô Loan. Theo ông Dương Lê Vũ, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, địa phương đã thông báo đến từng hộ ngư dân sống ven đầm về việc giải tỏa cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng nuôi vẹm cháy, nuôi hàu và các ngư cụ cấm ở đầm Ô Loan. Khi cơ quan chức năng của huyện phối hợp với địa phương kiểm tra phát hiện thì phạt tiền và buộc di dời, tháo dỡ những công trình nuôi thủy sản không đăng ký.

 

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết: Lãnh đạo huyện đã chủ trì buổi làm việc với chính quyền các xã ven đầm và các phòng, ban liên quan. Theo đó, UBND huyện giao UBND các xã rà soát, lập danh sách các hộ dân dùng cọc gỗ đóng chìm dưới mặt nước đầm để giăng mùng nuôi vẹm cháy trái phép tháo dỡ trả lại mặt nước đầm thông thoáng như trước đây. Nếu hộ nào tái phạm sẽ xử lý theo pháp luật...

 

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc hộ dân dùng cọc, lưới mùng cắm thành que đăng để nuôi thủy sản trái phép đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái đầm Ô Loan và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn đối với các loại phương tiện tham gia khai thác thủy sản trong đầm. Huyện chỉ đạo các đợt ra quân, 4 xã ven đầm tập trung tuyên truyền các quy định về nuôi trồng, khai thác thủy sản và nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hiểm, tác hại của các loại ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt trên đầm Ô Loan.

  

MNH HOÀI NAM

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp