Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Công tác tuyên truyền: Nhân tố quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19

Thứ hai - 11/10/2021 23:38
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Phú Yên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.
Công tác tuyên truyền: Nhân tố quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Phú Yên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh đã vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các nguồn lây được xác định và khoanh vùng, thu hẹp. Để đạt được kết quả ban đầu đó, công tác tuyên truyền đóng góp một phần hết sức quan trọng.

 

Đa dạng, hiệu quả

 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, cấp ủy, chính quyền, hệ thống tuyên giáo, dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã chủ động vào cuộc, kịp thời triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi cá nhân trong phòng chống dịch; bằng nhiều hình thức phong phú như trên báo chí, phát thanh, truyền thanh, truyền hình, tờ rơi, áp phích… Nhiều xã, phường, thị trấn có sự sáng tạo, linh hoạt như sử dụng mô tô, xe máy mang loa, pa nô di động “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thông tin, tuyên truyền những nội dung liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 cho người dân.

 

Ngành TT-TT đã chủ động triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19, như hướng dẫn cài dặt, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone..; sử dụng có hiệu quả các phương tiện, hình thức truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đảm bảo thông tin thống nhất, đồng bộ, nhanh chóng nhằm cung cấp kịp thời, chính xác về diễn biến dịch và kết quả công tác phòng chống dịch; kịp thời hỗ trợ, tư vấn thông tin, trang bị kỹ năng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân. Phối hợp với các ngành chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm pháp luật khi đăng, phát những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch.

 

Nhận thấy vai trò quan trọng trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nhanh chóng vào cuộc, phản ánh kịp thời những chủ trương của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh về công tác phòng chống dịch. Đồng thời mạnh mẽ phản bác, vạch trần tin giả, cung cấp thông tin chính thống, phù hợp cho người dân góp phần ổn định đời sống, tâm lý người dân; thông tin tích cực về những tấm gương, những hình ảnh về sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, hình ảnh những “chuyến xe yêu thương” chở người dân từ vùng dịch về quê… Bên cạnh đó, đội ngũ báo chí luôn đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch, bám sát cơ sở, đồng hành sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, kịp thời có mặt tại tâm dịch, các khu kiểm soát, khu cách ly, khu điều trị, chủ động ghi nhận, phản ánh chính xác, nhanh chóng về công tác phòng chống dịch.

 

Cần đi trước một bước

 

Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng trong phòng chống đại dịch COVID-19. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát, tuy nhiên dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch, tiếp tục tăng cường vận động người dân không lơ là, chủ quan, nâng cao ý thức phòng chống dịch, hạn chế tập trung đông người, thực hiện nới lỏng từng bước đi đôi tăng cường kiểm soát dịch; thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác truyền thông, tuyên truyền về phòng chống dịch cần thực hiện thường xuyên, liên tục với các giải pháp cơ bản sau:

 

Một là, toàn hệ thống chính trị tiếp tục xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, đi trước; kịp thời dự báo được tình hình để có những định hướng, chỉ đạo tuyên truyền hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh; không để bị động, bất ngờ. Công tác tuyên truyền tiếp tục được thực hiện kiên trì, rộng khắp, không để vùng trống, nhất là những địa phương, đơn vị đang từng bước nới lỏng giãn cách; đa dạng về nội dung, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thời lượng, dung lượng, kịp thời cập nhật tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh; cung cấp thông tin, định hướng dư luận.

 

Hai là, công tác tuyên truyền thường xuyên đổi mới vừa bài bản vừa đa dạng, linh hoạt; bảo đảm phù hợp với từng vùng, khu vực và từng giai đoạn của công tác phòng chống dịch. Phát huy tốt tuyên truyền trực quan, tuyên truyền lưu động.

 

Ba là, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở; đội ngũ tuyên truyền viên của các đoàn thể, tổ COVID cộng đồng, thanh niên tình nguyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

 

Bốn là, đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận xã hội, nhất là ở những vùng dịch, các khu, cụm công nghiệp, khu vực cách ly y tế; từ đó kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết những vấn đề nổi cộm, phát sinh từ cơ sở, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền định hướng dư luận, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 

Năm là, cần phối hợp xử lý nhanh chóng, triệt để những thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội; đặc biệt cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung bịa đặt, xuyên tạc về dịch COVID-19 trên không gian mạng, đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

NGUYỄN VĂN SỰ

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp