Kỷ niệm 25 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực

Thứ năm - 07/11/2019 13:11
Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra trong hai ngày 6-7/11 tại Hà Nội, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA)
Kỷ niệm 25 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực

Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra trong hai ngày 6-7/11 tại Hà Nội, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức, chiều 6/11, các đại biểu dự Hội thảo đã cùng tham dự Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực (1994-2019) và 25 năm Việt Nam phê chuẩn công ước.

 

Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực. Phát biểu tại sự kiện, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak, Thẩm phán Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) cho biết UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đây là một công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, đồng thời thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương.

 

Công ước này giúp giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới Luật Biển. Trong vòng 1/4 thế kỷ qua, Công ước đã đóng góp nhiều vào việc đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới.

 

Điểm lại một số nội dung chính của UNCLOS 1982, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak nhận định đối với các đại dương và biển, UNCLOS 1982 có những nội dung quy định rõ ràng đối với các quốc gia ven biển về chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán với các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển...

 

Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak nhấn mạnh hai điểm quan trọng của UNCLOS 1982. Trong các vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền khai thác và quy định điều chỉnh hoạt động nghề cá, xây dựng đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo, sử dụng vùng biển vì các mục đích kinh tế khác, cũng như các hoạt động sản xuất năng lượng từ thủy triều.

 

Đối với vùng đáy biển nằm ngoài lãnh hải, các quốc gia ven biển có đặc quyền với tài nguyên trong vùng đáy biển kéo dài tới 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của vùng đặc quyền kinh tế.

 

Cùng với đó, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak đề cập tới cơ chế giải quyết tranh chấp. Theo UNCLOS 1982, các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa các bên liên quan thông qua các biện pháp hòa bình theo Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc.

 

Đánh giá về Tòa án Luật Biển quốc tế, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho hay Tòa án Luật Biển quốc tế được thành lập bởi UNCLOS 1982 và có quá trình hoạt động tốt. Tòa có quyền tài phán dựa trên các quyền rất cụ thể được quy định trong UNCLOS 1982.

 

Trong vòng 23 năm qua, đã có 28 vụ kiện được đưa lên tòa với nội dung rất đa dạng, từ hoạt động thủy thủ đoàn liên quan, đến phân định biên giới biển, nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia...

 

Đưa ra ví dụ cụ thể là việc Trung Quốc nêu lên vấn đề quyền lịch sử của mình tại Biển Đông, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết sau khi xem xét, đánh giá, tòa kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982.

 

Tòa cũng nêu rõ mặc dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc cũng như nước khác, về mặt lịch sử, sử dụng các thực thể ở biển Đông, nhưng không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát đối với vùng biển hay tài nguyên hoặc ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên tại vùng biển này. Do đó, không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc khi yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên hay các quyền chủ quyền, quyền tài phán liên quan đến các vùng biển ở biển Đông mà Trung Quốc gọi là "đường chín đoạn". Yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại quy định của UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

 

Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak khẳng định Tòa án Luật Biển quốc tế đã góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình, công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.

 

Tại Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các chuyên gia, học giả đã thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan tới việc áp dụng UNCLOS 1982 vào các vụ kiện cụ thể cũng như các giải pháp để các quốc gia ven biển tuân thủ công ước này.

 

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả 9 năm (1973-1982) đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc, nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982; luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện công ước.

 

UNCLOS 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; đồng thời đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển, là căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp