Lính trẻ Phú Yên ở Trường Sa

Thứ bảy - 30/03/2019 17:05
Trong chuyến công tác cùng đoàn phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước ra Trường Sa trên tàu HQ 561 vào đầu năm 2019 này, tôi gặp khá nhiều chiến sĩ trẻ quê Phú Yên.
Lính trẻ Phú Yên ở Trường Sa

Trong chuyến công tác cùng đoàn phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước ra Trường Sa trên tàu HQ 561 vào đầu năm 2019 này, tôi gặp khá nhiều chiến sĩ trẻ quê Phú Yên. Những người đồng hương với nhau nên các chiến sĩ nhanh chóng xem tôi như người thân, cởi mở chuyện trò ngay lần đầu gặp mặt.

 

Là chiến sĩ hải quân, phải ra đảo

 

Những chiến sĩ trẻ quê Phú Yên trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: DTX

Võ Tấn Thạnh quê ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An) nhập ngũ đầu năm 2018. Sau một năm học tập, rèn luyện và công tác trên đất liền, Thạnh được bổ sung vào quân số ra công tác tại đảo Phan Vinh A. Không quen đi tàu biển nên nét mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt, dù vậy, trong ánh mắt lanh lợi của Thạnh, tôi vẫn nhận ra thái độ tự tin và ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của anh chiến sĩ trẻ này.

 

Cũng trên hải trình của tàu HQ 561 tôi còn được gặp, trò chuyện thân tình với Trần Hòa An (thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa), Phạm Văn Cảnh (thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), Võ Gia Quốc (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa)… Họ được phân công ra các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa. Nét chung dễ thấy ở các chiến sĩ tuổi đôi mươi này là sự mạnh mẽ, rắn rỏi của người lính đã qua thời gian huấn luyện.

 

Những buổi chiều, sau giờ cơm, với nhiều đồng đội trên tàu ra đảo, các chiến sĩ quê xứ Nẫu quây quần trên boong tàu. Với cây đàn ghi ta, họ hát những bản tình ca về biển, về quê hương và người lính. Giữa biển Đông, dưới ánh trăng vằng vặc trung tuần tháng Chạp, tiếng hát của họ rộn ràng, sôi nổi, tràn đầy tinh thần lạc quan của tuổi trẻ. Võ Gia Quốc nói với tôi: Tuổi trẻ bây giờ rất thích vào hải quân, mà đã là lính hải quân thì phải ra đảo!

 

Hãy yên lòng mẹ ơi

 

Trên đảo Phan Vinh A, tôi đã gặp chiến sĩ trẻ Huỳnh Văn Danh. Danh sinh năm 1995, quê ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Danh ra đảo Phan Vinh A vào tháng 7/2018, đến nay mới được nửa thời gian công tác. Trước ngày vào lính, sau khi tốt nghiệp THPT, Danh vào Khánh Hòa theo học ngành Điện cơ ở Trường cao đẳng Công nghiệp Nha Trang.

 

Được gọi nhập ngũ, Danh nghỉ học về nhà và lên đường vào hải quân để được sống với biển. Buổi sáng hôm chúng tôi đến đảo, Danh vừa xong buổi trực, đang loay hoay trong vườn rau của đơn vị. Anh xách nước từ dưới hồ lắng lên tưới các luống rau và các dây bầu dây bí đang ra trái xanh tốt trên giàn. Anh bảo ở đảo nước ngọt rất hạn chế nên phải tính toán kỹ lưỡng để tận dụng. Đơn vị xây một hồ chứa lớn để hứng nước vào mùa mưa dùng cho cả năm.

 

Chiến sĩ Huỳnh Văn Danh trong vườn rau của đơn vị - Ảnh: DTX

 

Hàng ngày, anh em xách nước từ hồ chứa để nấu cơm, tắm giặt. Nước sẽ chảy theo sàn xi măng xuống hồ lắng rồi được xách lên để tưới rau và chăn nuôi. Hỏi chuyện nhà, hóa ra gia đình anh hiện ở cách nhà tôi không quá mười cây số. Anh nhờ tôi một việc rất quan trọng: Chụp cho Danh một bức ảnh trong trang phục hải quân, đứng ngay dưới chân cột chủ quyền đảo Phan Vinh A. Bức ảnh sẽ được rọi lớn gửi cho gia đình Danh ở quê nhà khi tôi trở về.

 

Về đất liền vào 20 tháng Chạp, bận rộn với bao nhiêu việc nên đến 28 Tết, tôi mới rọi ảnh để tặng gia đình Danh. Hẳn những ngày Tết vừa qua, bức ảnh chiến sĩ hải quân Huỳnh Văn Danh trên quần đảo Trường Sa được những người thân chuyền tay nhau xem với những lời ngợi khen, trân trọng. Gia đình Danh tự hào khi có một người con đang góp tuổi thanh xuân cho biển đảo quê hương, và ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, Huỳnh Văn Danh sẽ yên tâm nói với mẹ: “Hãy yên lòng mẹ ơi!”, như lời một bài hát mà anh và đồng đội đã hát trong đêm giao lưu văn nghệ với đoàn công tác.

 

Lập thân lập nghiệp là lựa chọn đầu tiên

 

Qua một thời gian sống trên đảo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cùng đồng đội nên các chiến sĩ trên hải trình trở về đất liền đã cho thấy sự trưởng thành rõ rệt. Điều đó thể hiện trong thái độ chững chạc, tự tin và màu da rám nắng và gió Trường Sa. Nét hồn nhiên tươi trẻ cộng một chút chân chất của người xứ Nẫu tạo nên vẻ đáng yêu trong từng lời nói, cử chỉ của các chiến sĩ trẻ. Các anh vui vì được trở về với gia đình, mà cũng bồi hồi, lưu luyến khi chia tay đảo nhỏ và đồng đội yêu thương. Điểm chung ở các chiến sĩ vừa hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương là họ muốn nhanh chóng học được một nghề để sinh sống. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là cơ hội cho các chiến sĩ vừa ra quân có nghề nghiệp ổn định để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho quê hương.

 

Các chiến sĩ chuẩn bị đồ đạc trở về đất liền sau khi hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: DTX

 

Huỳnh Mạnh Tuấn, quê ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) ra đảo Phan Vinh B vào đầu năm 2018. Trước lúc vào lính, Tuấn làm nghề tạo mẫu giày dép ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh). Nay xuất ngũ, được hưởng chế độ đào tạo nghề 6 tháng, Tuấn sẽ học nghề lái xe, ngoài ra anh cũng sẽ học thêm nghề hớt tóc. Cùng đợt ra đảo với Tuấn là Hà Tấn Đạt quê ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa). Đạt ở đơn vị phòng không, cấp bậc trung sĩ. Trước khi vào lính, Đạt học xong phổ thông, giờ ra quân, anh cho biết cũng sẽ học nghề lái xe.

 

Còn Trần Thanh Vũ, sinh năm 1997, quê ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu) thì lại tiếp tục chọn một nghề gắn với công việc của ngư dân. Vũ là A trưởng bộ binh, ra đảo Phan Vinh B đợt đầu năm 2018. Phường Xuân Phú có nhiều bà con làm nghề đánh bắt cá, có nhu cầu về đóng, sửa chữa tàu thuyền. Sức trẻ cộng với sự giúp đỡ của gia đình, Vũ sẽ theo nghề cơ khí, điện cơ của hai người anh, tiếp tục sống với biển và chăm lo phục vụ nghề biển.

 

DƯƠNG THANH XUÂN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp