Đảng bộ huyện Sông Hinh: Những dấu ấn của sự năng động và sáng tạo

Chủ nhật - 26/02/2023 11:20
Ngày 25/2/1985, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Khánh long trọng công bố Quyết định 179-HĐBT, ngày 27/12/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về thành lập huyện Sông Hinh.

Ngày 25/2/1985, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Khánh long trọng công bố Quyết định 179-HĐBT, ngày 27/12/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về thành lập huyện Sông Hinh. Điểm lưu ý là thời điểm thành lập huyện, tư tưởng của thời kỳ đổi mới đã hình thành và huyện Sông Hinh đã hòa mình vào dòng chảy đổi mới ấy theo tinh thần Đại hội lần thứ VI của Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập.

 

Khi mới thành lập, toàn huyện có 6 đơn vị hành chính, gồm các xã: Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol, Đức Bình, Sơn Giang và Sông Hinh; với dân số 16.857 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 49,5%. Đảng bộ huyện có 16 chi bộ, với 146 đảng viên tham gia sinh hoạt. Cán bộ huyện hầu hết được tăng cường từ các cơ quan của tỉnh Phú Khánh cũ, huyện Tây Sơn, Tuy Hòa và TX Tuy Hòa. Trụ sở huyện đóng tại xã Ea Bia, thực chất đó là ba dãy nhà tạm của Ban Xây dựng vùng kinh tế mới và khi đó, dãy nhà ăn tập thể là hội trường của Đảng bộ huyện - nơi khởi nguồn cho các hoạch định về tầm nhìn tương lai cho huyện nhà.

Khi mới thành lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn; cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi nhỏ và độc canh cây lúa thổ, đậu, mè, thuốc lá với diện tích khoảng 7.300ha. Tỉ lệ người dân mù chữ rất cao, an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường…

 

Với sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị, tinh thần năng động, sáng tạo được đúc kết, phát huy và đã trở thành truyền thống cao đẹp của bao thế hệ cán bộ và các tầng lớp nhân dân huyện, suốt chiều dài của quátrình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân huyện Sông Hinh luôn vượt qua mọi khó khăn, phát huy tiềm năng lợi thế, xây dựng huyện ngày càng phát triển. Điều đáng trân trọng là khi nghiên cứu lịch sử phát triển của Đảng bộ huyện, chúng ta nhận thấy có rất nhiều nội dung mang đầy chất sáng tạo, năng động, tạo nên những cú hích đột phá cho sự phát triển.

 

Thứ nhất, điểm sáng của Đảng bộ huyện là việc cán bộ và nhân dân Sông Hinh luôn tin theo Đảng, luôn “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tình cảm và sự yêu mến đối với Bác nơi đâu cũng có, nhưng để thể hiện lòng yêu mến ấy bằng những hành động thiết thực thì mức độ ở mỗi nơi khác nhau. Riêng đội ngũ cán bộ Sông Hinh được thắp sáng chất lửa nhiệt tình ấy ngay từ hình ảnh của ông Nguyễn Cúc (Bốn Cúc), Bí thư Huyện ủy lâm thời, trực tiếp xắn quần, lội ruộng hướng dẫn người dân cách sạ lúa cùng bao nhiêu hình ảnh của các thế hệ cán bộ huyện đã vì dân mà xông pha, cống hiến, truyền cảm hứng cho bao thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo; chất lửa đó được hun đúc qua nhiều thế hệ và bừng sáng khi toàn Đảng bộ huyện thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khởi động cho cuộc vận động là mô hình Chào cờ đầu tuần và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ bằng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác, tiếp theo là tác phẩm “Đường kách mệnh”, “Dân vận” và hàng chục ngàn tư liệu, câu chuyện, bài viết khác về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, theo phương châm “Học nghiêm túc, làm thật lòng, thật bụng; học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm; nói thẳng, nói thật, làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm” như lời ông Nguyễn Thái Học, nguyên Bí thư Huyện ủy khóa VI đã báo cáo tại hội nghị Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2009. Kết quả thực hiện cuộc vận động đã tạo chuyển biến rõ nét về phong cách, tác phong, lề lối, chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực. Điển hình là mô hình Cơ quan, đơn vị giúp đỡ thôn, buôn khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo. Ghi nhận và đánh giá cao thành tích này, năm 2010, Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Sông Hinh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Nông dân huyện Sông Hinh phát triển vườn cây ăn trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN THÙY

 

Thứ hai, từ năm 2006 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện chủ trương lãnh đạo huyện tiếp xúc, đối thoại với người dân tại cấp xã, lãnh đạo xã tiếp xúc, đối thoại với người dân tại thôn, buôn, khu phố. Đây là việc làm tạo cầu nối mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, giúp cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, biết tôn trọng Nhân dân. Đây cũng là phép thử, là bài kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu, giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân; qua đó để đánh giá đúng đắn, thực chất theo tiêu chí, bằng sản phẩm tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của từng cán bộ, công chức, viên chức và để bố trí, sắp xếp, đề bạt, quản lý, sử dụng. Gắn với đó là việc thực hiện nghiêm quy chế chất vấn trong Đảng, công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của Đảng, của chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII và Kết luận 21 của Trung ương Đảng khóa XIII; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện bản cam kết học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; lấy đó làm thước đo để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên nên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

 

Thứ ba, năm 2008, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định chi ngân sách địa phương để thực hiện đề án Trí thức trẻ cấp huyện, đưa 20 trí thức trẻ tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học về công tác tại các xã khó khăn, trong thời gian 2 năm. Hiện nay, các trí thức trẻ này đều đã trưởng thành, đa số là trưởng, phó các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn. Cùng với việc thực hiện đề án Trí thức trẻ theo Nghị quyết 153 và Nghị quyết 173 của HĐND tỉnh, năm 2015, 100% cán bộ, công chức cấp xã của huyện được thay thế, kiện toàn đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định; trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm được nâng lên.

 

Thứ tư, với đặc điểm của một huyện miền núi, để phát triển kinh tế nông nghiệp, ngoài lợi thế về chăn nuôi thì việc phát triển cây trồng là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc mở rộng diện tích lúa nước để đảm bảo “ấm cái bụng” cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Từ suy nghĩ đó, hành động của Đảng bộ huyện trong mọi giai đoạn đều ưu tiên đầu tư, xây dựng phát triển các công trình thủy lợi gắn với san ủi đồng ruộng để cấp cho dân. Từ ngày thành lập huyện đến nay, huyện đã xây dựng được 25 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho 1.610ha, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

 

Gắn với đó, từ năm 2017 đến nay, huyện luôn dành ngân sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho người dân, nhờ đó đã hình thành nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, cam, bưởi, bơ, mít, heo đen…; trong đó có một số sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP mang thương hiệu Sông Hinh.

 

Thứ năm, trong lĩnh vực xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ người dân. Đến nay, toàn huyện có 8 công trình cung cấp nước sạch ở 8 xã. Hiện 99% người dân đô thị và 81,5% người dân nông thôn của huyện được sử dụng nước sạch.

 

Thứ sáu, lĩnh vực quốc phòng - an ninh, huyện Sông Hinh với đặc điểm là huyện miền núi, giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống (22 dân tộc), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,76% dân số của huyện. Các tàn dư của chế độ cũ, các thế lực thù địch, Fulro luôn tìm mọi cách chống phá từ nhiều mặt, với thủ đoạn rất xảo quyệt và thâm độc. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ huyện là phát huy đoàn kết dân tộc theo lời Bác Hồ dạy “…tất cả đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau…”, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự bình yên để phát triển. Do đó, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo toàn dân phối hợp với các lực lượng ứng phó kịp thời mọi tình huống, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các tổ chức phản động, kích động chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, hoạt động lôi kéo một số người dân tộc thiểu số tham gia chống phá Đảng, Nhà nước.

 

Có thể nói, Sông Hinh hiện nay là bức tranh tươi sáng, bình yên. Tăng trưởng bình quân hàng năm đều trên hai con số. 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và y tế có nhiều tiến bộ. Toàn huyện có 23/27 trường đạt chuẩn quốc gia, 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học và THCS; có 36 bác sĩ, bình quân đạt gần 7 bác sĩ/vạn dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Những thành tựu này có được là do Đảng bộ và toàn dân huyện nhà đã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo đề ra các chủ trương, giải pháp sát tình hình cụ thể của huyện, tạo nên xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

 

Truyền thống quý báu ấy mãi là ngọn lửa mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Sông Hinh hôm nay và mai sau phải giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy, xây dựng quê hương Sông Hinh phát triển nhanh và bền vững.

 

Ghi nhận những thành tích mà nhân dân các dân tộc và cán bộ, đảng viên huyện nhà đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2000), Huân chương Lao động hạng hai (năm 2004), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2009) và Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2014) cho huyện Sông Hinh vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

 

NGUYỄN CHÍ HIỀN

Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp