Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Thứ ba - 25/10/2022 02:55
Sau 4 năm thực hiện các nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức...

Sau 4 năm thực hiện các nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, do tính chất thí điểm, nên một số mô hình, cách làm đang gặp khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp điều chỉnh.

 

Toàn tỉnh đã thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đạt tỉ lệ 92,2%. Trong ảnh: Người dân khu phố Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa bầu cử khu phố trưởng nhiệm kỳ 2022-2025. Ảnh: HÀ MY

 

Tinh gọn đầu mối

 

Về phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa hôm nay, từ trục đường trung tâm phường đến các khu phố đều được bê tông hóa, nhà cao tầng chen nhau mọc lên khang trang... Những đổi mới của khu dân cư nơi đây có sự đóng góp tích cực từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ sở. Hơn 6 năm làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố Phước Lương, ông Nguyễn Văn Cư luôn nắm chắc địa bàn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo an sinh xã hội, thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Văn Cư cho biết: “Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố là cơ sở để phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu. Mỗi khi triển khai các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tôi cùng cấp ủy, chi bộ bàn bạc, thảo luận, thống nhất đề ra nghị quyết, đồng thời là người trực tiếp tổ chức thực hiện nên công việc diễn ra thuận lợi”.

 

Việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hệ thống tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập là xu thế tất yếu, đồng thời là chủ trương lớn được Ðảng chỉ đạo tập trung thực hiện.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

 

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2008 đến nay, 100% thôn, buôn, khu phố trong tỉnh đều có tổ chức Đảng. Tại thời điểm tháng 6/2017, toàn tỉnh có 205/625 trưởng thôn, buôn, khu phố không phải là đảng viên, chiếm tỉ lệ 32,8%. Đến tháng 6/2022, tất cả trưởng thôn, buôn, khu phố đều là đảng viên. Thực hiện chủ trương bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở các thôn, khu phố trong tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chủ trương này đối với 556/603 thôn, buôn, khu phố, đạt tỉ lệ 92,2%.

 

Việc khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng và tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên chỉ là một phần nhỏ trong những kết quả lớn sau 4 năm thực hiện các nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương trên địa bàn tỉnh.

 

Phó Trưởng ban trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lưu Vĩnh Hưng cho hay: Đến nay, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ bản đạt các mục tiêu đến năm 2021 mà các nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương và kế hoạch 53, 58 của Tỉnh ủy đã đề ra. Đó là tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Qua đó sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đánh giá: Sau 4 năm nỗ lực thực hiện nghị quyết 18, 19 Ban Chấp hành Trung ương và kế hoạch 53, 58 của Tỉnh ủy, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp bộ máy của tỉnh giảm trùng lắp, chồng chéo. Một số mô hình mới được thí điểm đã giúp tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều đơn vị sau khi sắp xếp đã có mô hình hiệu quả, tinh gọn hơn, từng bước chuyển qua loại hình tự chủ, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách.

 

Tây Hòa là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND-UBND thành Văn phòng Huyện ủy, chính quyền huyện. Ảnh: HÀ MY

 

Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết 18, 19 trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, bất cập. Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu, nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là chủ trương đúng, song qua chia sẻ, đa số người kiêm nhiệm đều cho rằng khối lượng công việc, cách thức làm việc không thay đổi, dẫn đến sự quá tải đối với người đứng đầu, nhất là ở những thôn, khu phố có quy mô dân số đông, địa bàn rộng. Thêm vào đó, mức phụ cấp của một số chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tổ dân phố còn thấp, không đảm bảo cuộc sống, trong khi đó trung ương chưa cho cơ chế để địa phương hỗ trợ thêm. Ngoài ra, việc sáp nhập các trường học đã gây ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới…

 

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng: Việc giảm biên chế theo mức bình quân (tỉ lệ %) như nhau, mang tính chất cào bằng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương gây khó khăn cho việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục… Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập, hạn chế gây khó khăn trong việc thu giá dịch vụ cũng như khả năng cân đối thu, chi tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy là nhiệm vụ lớn, quan trọng, cần được chú trọng. Sau 4 năm thực hiện nghị quyết 18, 19, Phú Yên cần sơ kết, đánh giá kỹ những nội dung đạt được, những hạn chế bất cập, thảo luận kỹ giải pháp nhiệm vụ sắp tới để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục rà soát, tham mưu việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; thực hiện chủ trương bố trí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 9/9 đơn vị; thực hiện bố trí trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ ở 8/9 đơn vị; sáp nhập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh... Toàn tỉnh đã giảm được 208 tổ chức, 43 ban chỉ đạo, 44 hội đồng, 2 đơn vị hành chính cấp xã và 22 thôn, buôn, khu phố; giảm được 2.451 biên chế, 173 hợp đồng theo Nghị định 68 và 1.091 cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn; thực hiện chính sách tinh giản biên chế cho 1.022 trường hợp...

 

HÀ MY

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp