Huyện Đồng Xuân được tái lập vào năm 1985 (trước đây nhập vào TX Sông Cầu). Những ngày đầu tái lập, huyện gặp muôn vàn khó khăn, xuất phát điểm kinh tế thấp, hệ thống hạ tầng thấp kém; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn… Sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (năm 1989), Đồng Xuân đang tạo nên một bức tranh sinh động của sự phát triển.
Bức tranh đổi mới
Đồng Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách trung tâm TP Tuy Hòa 45km, cách TX Sông Cầu 20km, cách TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 70km. Giao thông có quốc lộ 19C nối với các tỉnh Tây Nguyên, cách trục đường thiên lý Bắc - Nam 15km. Do vậy, Đồng Xuân có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Dân số của huyện có hơn 60.000 người, cộng đồng 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có hơn 10.000 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 16,82% dân số của huyện.
Sau khi tỉnh Phú Yên tái lập, tiếp tục là những năm tháng khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ tận tình của các sở, ngành và sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, huyện Đồng Xuân đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu quan trọng.
Nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 khoảng 15,27%, trong đó nông - lâm - thủy sản bình quân tăng 4,5%; công nghiệp - xây dựng bình quân tăng 26,23%; dịch vụ bình quân tăng 21,4%. Trong những năm qua, công tác trồng rừng đã thu hút được các thành phần kinh tế tham gia với quy mô lớn, gắn phát triển lâm nghiệp với tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Cùng với đó, huyện đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình thủy lợi đầu mối quan trọng được xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả như: hồ chứa nước Phú Xuân, hồ chứa nước Kỳ Châu. Sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá, trở thành động lực phát triển kinh tế của huyện, tốc độ tăng bình quân đạt 21,95%/năm. Đến nay, huyện đã hình thành các cụm, điểm công nghiệp tập trung thu hút vốn đầu tư phát triển như: Bến Đá, La Hai; Phước Hòa, Xuân Phước, Soi Nga, Xuân Lãnh; đồng thời hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp.
Thời kỳ đầu mới tái lập, hệ thống giao thông của huyện có quy mô, kết cấu lạc hậu và chia cắt. Đến nay, mạng lưới giao thông đã được mở rộng và từng bước kiên cố hóa. Điện lưới quốc gia phủ kín 100% thôn trên địa bàn huyện. Dịch vụ viễn thông phát triển mạnh, 100% thôn đều được phủ sóng điện thoại di động…
Qua 30 năm tái lập, tăng trưởng kinh tế của huyện cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đặc biệt là công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, qua đó tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.
Quán triệt và nhận thức sâu sắc các quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Xuân lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc…
Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền huyện đề ra những chủ trương, chính sách, chương trình, giải pháp về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, cụ thể như: Quyết định 774/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển văn hóa - du lịch thôn Xí Thoại và Hà Rai, xã Xuân Lãnh; Chương trình hành động số 08-CTr/HU, kế hoạch về thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả du lịch văn hóa thôn Xí Thoại và thôn Hà Rai gắn với các điểm du lịch sinh thái và di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương.
Thực hiện đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh” và đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh”, hàng năm huyện phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức Lễ hội “Trống đôi - Cồng ba - Chiêng năm” vào ngày 16 tháng Giêng, giới thiệu bản sắc văn hóa, tình đoàn kết giữa các dân tộc, qua đó nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống.
Những giải pháp đột phá
Một là, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH-CN vào hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình nông nghiệp sạch, đẩy mạnh công tác trồng rừng gắn với quản lý, bảo vệ rừng và phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Hai là, tiếp tục thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tập trung thu hút vốn đầu tư phát triển, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng các kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn huyện.
Bên cạnh các giải pháp đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, huyện còn chú trọng các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số:
Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền.
Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong thôn, làng tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực, truyền thống trong cuộc sống mới. Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút nhân dân tham gia.
Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Hàng năm, tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa - nghệ thuật truyền thống của các dân tộc; tổ chức các lễ hội và dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc.
Cùng với sự phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số từ đó được bảo tồn và phát huy, được nhân dân trong và ngoài huyện biết nhiều hơn và quan tâm hơn đến truyền thống văn hóa đặc sắc và đa dạng của các dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân.
ĐẶNG NGỌC ANH
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện