Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng: Phát huy truyền thống cách mạng, bồi đắp niềm tin

Thứ hai - 06/03/2023 22:25
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, công tác này trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, công tác này trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, khơi dậy truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương đất nước, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh.

 

Hội thảo đề cương chi tiết lịch sử Đảng bộ phường 9, TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV

 

Nhiều kết quả nổi bật

 

Huyện Tuy An là một trong những địa phương thực hiện có chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Theo Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tuy An Hồ Ngọc Thanh, đến năm 2020, toàn huyện đã biên soạn và xuất bản 15 tập lịch sử, trong đó cấp huyện có 2 tập lịch sử, cấp xã, thị trấn có 13 tập lịch sử. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu với Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các địa phương tiến hành chỉnh lý bổ sung, viết thêm giai đoạn mới theo hướng: gộp các tập lịch sử địa phương riêng lẻ (đã xuất bản trước đó); đồng thời bổ sung viết mới thành một bộ lịch sử địa phương từ khi ra đời cho đến năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất khoa học, lôgic, lộ trình thực hiện. Đến nay, có 6 công trình lịch sử đảng bộ và Nhân dân cấp xã được Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức thẩm định, tiếp tục hoàn thiện để xuất bản; 3 công trình lịch sử đảng bộ và Nhân dân xã đã tổ chức hội thảo; 3 đảng bộ xã dự kiến hoàn thành công trình lịch sử trong năm 2023.

 

Từ năm 2012-2022, toàn tỉnh đã và đang thực hiện 75 đề tài lịch sử, trong đó cấp tỉnh đã xuất bản 7 đề tài, nghiệm thu chính thức 1 đề tài, đang triển khai thực hiện 1 đề tài. Cấp huyện và tương đương đã xuất bản 12 đề tài, nghiệm thu chính thức 10 đề tài... Cấp cơ sở đã xuất bản 22 đề tài, đang tổ chức biên soạn 18 đề tài lịch sử đảng bộ địa phương. Ngoài ra, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hội thảo khoa học; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở VH-TT-DL và Huyện ủy Phú Hòa tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân Lương Văn Chánh.

“Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được các cấp ủy đảng, các ban ngành trên địa bàn huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử luôn được quan tâm. Hiện nay, huyện Tuy An có 5 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Một số di tích được đầu tư đã trở thành nơi giáo dục truyền thống và điểm tham quan thu hút khách du lịch; qua đó, phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tuy An Hồ Ngọc Thanh cho hay.

 

Tại TX Sông Cầu, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đạt nhiều kết quả tích cực. Ở cấp thị xã, từ năm 2001, thị xã đã xuất bản Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân huyện Sông Cầu giai đoạn 1930-1975; năm 2008, xuất bản Lịch sử Đảng bộ huyện Sông Cầu giai đoạn 1975-2005. Hiện nay, thị xã đang tiến hành biên soạn Lịch sử Đảng bộ TX Sông Cầu giai đoạn 2005-2020; xuất bản tập sách ảnh Sông Cầu xưa và nay; đang biên soạn cuốn Địa chí TX Sông Cầu… Các xã, phường đều đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.

 

“Quá trình tổ chức triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, truyền thống đấu tranh cách mạng và quá trình hình thành, phát triển của đảng bộ và Nhân dân các xã, phường đã thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và những đóng góp tâm huyết của Nhân dân; qua đó, góp phần giáo dục, cổ vũ truyền thống cách mạng địa phương”, ông Trần Xuân Đạt, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sông Cầu chia sẻ.

 

Nâng cao chất lượng, tiến tới số hóa các công trình lịch sử

 

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, cấp ủy các cấp đã đưa việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW vào nghị quyết đại hội đảng bộ và chương trình toàn khóa để lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ đó, công tác này từ tỉnh đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Các đề tài được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản đảm bảo tính Đảng, khoa học, chính xác, đóng góp bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị, ngày càng làm rõ hơn những vấn đề lịch sử của đảng bộ, ban ngành, đoàn thể ở địa phương.

 

Đoàn viên thanh niên huyện Sông Hinh và Công an tỉnh tham quan Bảo tàng tỉnh. Ảnh: CTV

 

Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, khai thác, lưu trữ các nguồn tư liệu đã được cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện. Việc thẩm định nội dung các ấn phẩm trước khi xuất bản trên toàn tỉnh đã đi vào nền nếp; chất lượng các ấn phẩm lịch sử ngày càng được nâng lên. Các địa phương, đơn vị chú trọng đầu tư công tác bảo tồn giá trị di tích, huy động nguồn lực xã hội cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử được quan tâm đảm bảo về trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

 

Trên cơ sở những tập lịch sử đã được biên soạn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức lễ dâng hương, kỷ niệm, các đợt sinh hoạt chính trị, hoạt động về nguồn, tu tảo nghĩa trang liệt sĩ, di tích cách mạng; thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công cách mạng; các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương…

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hoài My cho biết: Thời gian tới, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị, các ngành, đoàn thể đối với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng hiện nay. Cùng với kịp thời cập nhật thông tin các công trình nghiên cứu khoa học mới về lịch sử; chủđộng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng; các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đã xuất bản để tái bản. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; xây dựng lộ trình và từng bước số hóa các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống phục vụ tốt công tác lưu trữ, tiếp cận nghiên cứu và giáo dục lịch sử trong giai đoạn mới…

 

Việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng không chỉ góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hoài My

 

HÀ MY

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp