Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Lợi thế của ngành khoa học xã hội

Chủ nhật - 11/04/2021 02:58
Cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến sự lên ngôi của các nhóm ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, song nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn vẫn có lợi thế riêng, cơ hội việc làm vẫn rộng mở.
Lợi thế của ngành khoa học xã hội

Cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến sự lên ngôi của các nhóm ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, song nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn vẫn có lợi thế riêng, cơ hội việc làm vẫn rộng mở.

 

Những năm gần đây, báo chí được coi là ngành thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh. Đây là lý do khiến nhiều trường muốn mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh. Vừa qua, một số trường đại học tư thục đề nghị được mở ngành xuất bản, báo chí.

 

Tuy nhiên, vì đây là ngành học đặc thù nên Bộ GD-ĐT đã có ý kiến hồi đáp nêu rõ: tại điểm 3 về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí xuất bản, trong Chỉ thị 22-CT/TW ngày 17/1/1997 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản”, có nêu: “Đào tạo bồi đưỡng báo chí chủ yếu là trong nước, dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học tư thục”.

 

Không chỉ có ngành báo chí, hiện nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn vẫn có lợi thế riêng. Theo danh mục đào tạo của Bộ GD-ĐT, nhóm ngành này có tới gần 400 ngành đào tạo, là nhóm ngành thứ hai có sinh viên theo học nhiều nhất. Các ngành học phổ biến như xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ, báo chí và truyền thông, du lịch khách sạn…

 

Nếu như trước đây, các nhóm ngành xã hội chỉ tuyển sinh dựa trên các tổ hợp như Văn, Lịch sử, Địa lý hay Toán, Văn, Tiếng Anh thì hiện nay tuyển sinh nhóm ngành này có nhiều tổ hợp xét tuyển mới, tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh.

 

Theo các chuyên gia tư vấn, nhóm ngành khoa học xã hội được nhiều trường đào tạo nhưng chương trình đào tạo sẽ không có quá nhiều sự khác biệt, sự khác biệt chỉ là ở phương pháp đào tạo và chính thái độ học tập của sinh viên. TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay: Ngoài báo chí và truyền thông, các ngành học như xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ, du lịch - khách sạn… có tỉ lệ cạnh tranh rất cao.

 

Nếu chọn ngành theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì các em nên đặt nguyện vọng là các nhóm ngành liên quan đến khoa học xã hội nhân văn, chọn ngành gần trong cùng một trường hoặc cùng một ngành ở nhiều trường. Việc chọn ngành nghề trước hết phải theo đúng mục tiêu việc làm của mình và phải được đo bằng mức điểm chuẩn hàng năm của ngành với năng lực bản thân.

 

Dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội trong tương lai gần của nhóm ngành khoa học xã hội, các chuyên gia tư vấn khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến sự lên ngôi của các nhóm ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, song nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn vẫn có lợi thế riêng, cơ hội việc làm vẫn rộng mở. Điều quan trọng vẫn là các em chọn ngành học như thế nào để phù hợp và học như thế nào để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

 

MẠNH THÚY 

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp