Du lịch an toàn và “tường lửa” chống COVID-19

Chủ nhật - 14/02/2021 23:47
Ngành Du lịch đang quyết liệt tập trung các giải pháp khả thi để phục hồi và phát triển, trong bối cảnh COVID-19 vẫn hoành hành. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cho tới người dân đồng lòng để thực hiện mục tiêu kép

Ngành Du lịch đang quyết liệt tập trung các giải pháp khả thi để phục hồi và phát triển, trong bối cảnh COVID-19 vẫn hoành hành. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cho tới người dân đồng lòng để thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo chống dịch.

 

“Với nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, ngành Du lịch đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa”, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

 

MỤC TIÊU KÉP

 

Ông Ngô Văn Ðịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và du lịch Phú Yên, đề xuất các địa phương cần có cơ chế linh động trong việc đóng/mở cửa đón khách, nghĩa là đóng - mở kịp thời trong mọi tình huống. Một đề xuất khác được các chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình đó là “sống chung với dịch” chứ không chờ đợi khi thế giới có vắc xin đại trà hay dịch được kiểm soát một cách triệt để, vì COVID-19 có thể sẽ kéo dài.

 

Song song với những kịch bản ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, thì ngành Du lịch chủ động xây dựng sản phẩm “du lịch an toàn” như một “bức tường lửa” cho mục tiêu phục hồi, kích cầu và phát triển du lịch.

 

SỐ HÓA - DU LỊCH AN TOÀN

 

Tin vui lớn đối với thế giới nói chung và ngành Du lịch nói riêng là nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã sản xuất được vắc xin COVID-19. Nếu mọi thứ suôn sẻ, kỳ vọng năm 2021 chúng ta sẽ có được vắc xin tiêm chủng đại trà. Mọi người sẽ lại háo hức đi du lịch. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn phải cho du khách thấy được sản phẩm du lịch an toàn, để xóa tan tâm lý e dè sau những tháng ngày hoang mang. Cẩn tắc vô áy náy, bảo vệ sức khỏe vẫn là trên hết.

 

Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị đã làm mới sản phẩm dịch vụ, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, hỗ trợ tìm kiếm và đăng ký dịch vụ tốt hơn cho du khách.

 

Ngành Du lịch Phú Yên nhận thức vấn đề số hóa và du lịch thông minh khá sớm. Từ năm 2015, UBND tỉnh cho thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng webgis thông minh phục vụ quảng bá và phát triển du lịch tỉnh Phú Yên”; khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh (2018). Tuy nhiên, vì lý do kỹ thuật, sau một thời gian chạy thử nghiệm, hai kênh này chưa hiệu quả.

 

Ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL) cho biết: “Về cơ bản dữ liệu du lịch của tỉnh đã được thống kê, cập nhật, số hóa khi triển khai đề án trên. Hiện nay, sở đang tích cực trong việc phối hợp với đối tác tìm giải pháp kỹ thuật tối ưu để webgis và cổng du lịch thông minh phát huy tác dụng quảng bá, phục vụ nhu cầu của du khách và doanh nghiệp”.

 

Sự bình yên của làng chài Phước Đồng (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), đang thu hút du khách về đây “sống chậm” ở những homestay ven biển - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động trong việc ứng dựng công nghệ thông tin, xây dựng website, fanpage, cập nhật các tiện ích trong việc giao dịch, tư vấn khách hàng, nhận đặt dịch vụ trực tuyến. Anh Bùi Nguyễn Vi Ðông, Giám đốc Chi nhánh Công ty lữ hành Long Phú tại Phú Yên, nói: “Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, ăn uống, đi đến các khu du lịch, danh thắng… Ðó là số hóa”.

 

ÐÓN ÐẦU XU HƯỚNG DU LỊCH

 

Cơ cấu lại thị trường du lịch là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong bối cảnh dịch COVID-19. “Cơ cấu lại” chính là đón đầu xu hướng du lịch và lựa chọn phù hợp thị trường khách. Ưu tiên hiện nay vẫn là thị trường khách du lịch nội địa, du lịch tại chỗ. Với gần 100 triệu dân, thị trường khách Việt còn nhiều tiềm năng, nếu tận dụng hiệu quả thế mạnh nà, du lịch nội địa sẽ khởi sắc.

 

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, COVID-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển chưa từng có về xu hướng du lịch. Chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... rất được quan tâm. Du khách cũng có xu hướng du lịch nội địa, tìm kiếm những nơi hoang dã và đi tách biệt hơn là theo nhóm đoàn.

 

Còn tạp chí Condé Nast Traveller chỉ ra 5 xu thế thay đổi cách con người đi du lịch trong COVID-19: Du lịch nội địa, du lịch thân thiện môi trường, du lịch tìm kiếm nơi hoang dã, du lịch tách biệt, du lịch thực hiện chuyến đi để đời…

 

Với du lịch Phú Yên, thế mạnh là có môi trường trong lành, biển - ruộng đồng - rừng núi với nhiều cảnh đẹp hoang sơ, chưa có nhiều sự tác động của con người… Những điều này rất phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay và cả sau này khi thị trường khách quốc tế phục hồi.

 

Chị Nguyễn Thanh Thủy, chủ chuỗi homestay Mộc Miên, nói: “Du lịch nông thôn, du lịch làng quê đang là thế mạnh của Phú Yên. Trừ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, phải đóng cửa, Mộc Miên luôn có lượng khách ổn định. Khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống làng quê, ăn món ăn quê, lao động trên mảnh vườn quê… Họ rất hài lòng”. 

 

Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo sự khác biệt ở các loại hình du lịch biển, sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với nét văn hóa bản địa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch nội địa. Hoặc phát triển sản phẩm du lịch gắn với hoạt động lao động sản xuất, kết hợp du lịch với xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động, tạo ra sản phẩm, tăng thu nhập. Và dù là sản phẩm du lịch ở loại hình nào, cũng phải tuân thủ bộ quy tắc du lịch an toàn với doanh nghiệp, du khách và cộng đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên

 

 QUỲNH MAI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp