Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 2/11 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết được đưa ra trước đó để chống biến đổi khí hậu, trước thềm Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại TP Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6-18/11.
Ông Shoukry nhấn mạnh các bên tham gia hội nghị khí hậu toàn cầu của LHQ cần phải thực hiện "các bước thiết thực và có ý nghĩa" theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận này hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C từ nay đến năm 2100. Đây là nhu cầu chủ chốt của các nước nghèo vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu.
Tại COP26 diễn ra ở Glasgow hồi năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã đưa ra cam kết đạt được mục tiêu quan trọng này.
Ngoại trưởng Ai Cập, đồng thời là Chủ tịch COP27, cũng thừa nhận những diễn biến quốc tế không thuận lợi hiện nay đang khiến cho các mục tiêu trở nên kém khả quan hơn, đồng thời cảnh báo về sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm giúp họ thúc đẩy nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Shoukry cho biết COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc xung đột ở Ukraine vốn đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Việc hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi đầu năm nay không đưa ra một thỏa thuận về môi trường cũng sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tại Sharm El-Sheikh.
Trước đó, ngày 1/11, ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động cấp cao về khí hậu của LHQ tại Ai Cập, đã kêu gọi tăng mạnh nguồn hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu của châu Phi từ 11,4 tỉ USD hiện nay lên 62 tỉ USD.
Ông Mohieldin cho biết châu Phi hiện nhận được khoảng 29,5 tỉ USD mỗi năm, trong đó 14,6 tỉ USD dành cho giảm nhẹ tác động và khoảng 11,4 tỉ USD được cấp cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông, châu Phi cần tới 2.800 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2030, với trung bình 277 tỉ USD mỗi năm.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang phát triển và các nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi thiết lập một quỹ để bồi thường cho các quốc gia nghèo bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những lời kêu gọi đó đã bị từ chối tại COP26.
Cùng ngày, Bộ Hợp tác quốc tế Ai Cập đặt mục tiêu ký kết các hợp đồng cho 9 dự án với khoản đầu tư lên tới 15 tỉ USD tại COP27.
Theo một tuyên bố của Bộ Hợp tác quốc tế Ai Cập công bố, các dự án này nằm trong Chương trình nước, thực phẩm và năng lượng (NWFE), là một cách tiếp cận mang tầm khu vực và quốc tế, phản ánh các định hướng của Ai Cập và các mục tiêu của nhiệm kỳ chủ tịch Hội nghị khí hậu COP27, nhằm biến các cam kết thành hành động và các dự án cụ thể.
Bộ Hợp tác quốc tế thông báo rằng chương trình NWFE bao gồm 9 dự án đại diện cho ưu tiên của Ai Cập trong các lĩnh vực nước, thực phẩm và năng lượng đan xen, bao gồm giảm nhẹ và thích ứng các tác động của biến đổi khí hậu, với các khoản đầu tư trị giá khoảng 15 tỉ USD. 9 dự án này bao gồm một dự án lớn về năng lượng, 5 dự án về an ninh lương thực và nông nghiệp và 3 dự án về thủy lợi.
Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Rania Al-Mashat nói thêm rằng mỗi một lĩnh vực bao gồm nước, thực phẩm và năng lượng sẽ có một đối tác phát triển được lựa chọn với tư cách là người điều phối dự án. Đối với lĩnh vực năng lượng, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã được chọn là đối tác điều phối, đối với lĩnh vực thực phẩm là Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), và đối với lĩnh vực nước là Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB).
Đáng chú ý là danh mục hợp tác phát triển trong lĩnh vực tài chính khí hậu có mức đầu tư lên tới 11 tỉ USD, nhằm thực hiện các dự án thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hai nhà máy xử lý nước Bahr El Baqar và Al Mahsama, các dự án năng lượng gió ở vịnh Suez và một số các dự án khác.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)