Ngày 1/8, Campuchia triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em là bước quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Ước tính, khoảng 2 triệu trẻ em ở Campuchia sẽ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong chiến dịch lần này.
Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này đang cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin sang nhóm tuổi 10-11 và cũng sẽ sớm triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người trưởng thành đã tiêm đủ liều.
Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen cũng khẳng định, Chính phủ Campuchia quyết định tiêm mũi thứ ba bằng vắc xin AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.
Ông Hun Sen nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch vào khoảng 500.000-1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới với Thái Lan - nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba, sau đó 9 triệu người khác đã tiêm hai mũi vắc xin Trung Quốc sẽ được tiêm nhắc. Ông cũng đề nghị tiểu ban phòng chống dịch nghiên cứu sử dụng vắc xin loại nào để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm hai mũi AstraZeneca.
Tại Campuchia, cho đến nay hơn 7 triệu người trong số 10 triệu người đủ điều kiện đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), Johnson & Johnson (Mỹ), Sinovac và Sinopharm (Trung Quốc).
Số ca mắc COVID-19 mới nhập cảnh vào Campuchia luôn ở trên ngưỡng 300 ca từ nhiều tuần trở lại đây trong khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng.
Trước tình hình này, Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa toàn bộ 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
Tất cả lao động Campuchia đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan cũng được yêu cầu không trở về nước, ít nhất ngày 13/8 tới.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)