Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 30/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 197.306.339 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.213.101 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 178.489.651 người.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 654.592 ca nhiễm mới. Mỹ đã có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 87.124 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 44.673 ca, Indonesia với 43.479 ca, Brazil với 41.853 ca, Iran với 34.433 ca, Anh với 31.117 ca, Tây Ban Nha với 26.689 ca, Pháp với 25.190 ca, Nga với 23.270 ca...
Tại khu vực châu Á, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Indonesia, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ nước này sẽ triển khai 17.000-18.000 nhân viên thực hiện công tác truy vết tại các địa phương trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng 8 tới.
Tại khu vực Trung Đông, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/7 cho rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt, gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại đây, nơi mà tỉ lệ dân số được tiêm vắc xin vẫn ở mức thấp.
Theo WHO, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đã xuất hiện ở 15 trong số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Trung Đông, từ Marốc đến Pakistan.
Giám đốc WHO khu vực Đông Địa Trung Hải Ahmed al-Mandhari cho biết hầu hết các ca nhiễm và nhập viện mới là những người chưa được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Tính đến tuần cuối của tháng 7 này, chỉ 41 triệu người, tương đương 5,5% dân số tại khu vực Trung Đông đã được tiêm đủ liều vắc xin.
Số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm mới và tử vong trong tháng 6 tại khu vực Trung Đông đã tăng lần lượt là 55% và 15% so với tháng trước đó.
Mỗi tuần, khu vực này ghi nhận hơn 310.000 ca nhiễm và 3.500 ca tử vong vì COVID-19. Tình trạng thiếu nghiêm trọng bình oxy và giường cho bệnh cần chăm sóc đặc biệt đã làm giảm khả năng cứu chữa của hệ thống y tế khu vực.
WHO nhấn mạnh biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh đang nhanh chóng trở thành biến thể chính tại Trung Đông.
Theo bài viết gần đây trên tạp chí Virological, việc số lượng virus phát hiện ở những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta trong lần xét nghiệm đầu tiên cao gấp 1.000 lần so với số lượng virus ở những bệnh nhân trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi năm 2020, là nguyên nhân làm tăng đáng kể khả năng lây lan của biến thể này.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)