Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 31/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 197.964.647 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.223.388 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 178.882.042 người.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 640.169 ca nhiễm mới. Mỹ có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 99.470 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 41.499 ca, Indonesia với 41.168 ca, Brazil với 40.904 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới cũng ghi nhận thêm 9.250 ca tử vong, trong đó Brazil có số ca tử vong cao nhất với 886 ca, tiếp đó đến Nga 794 ca, Ấn Độ 598 ca, Mỹ với 419 ca.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta, nhưng khẳng định các loại vắc xin do WHO phê duyệt vẫn hiệu quả đối với dịch bệnh.
Theo WHO, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi - nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa - đã tăng 80% trong cùng giai đoạn.
WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 132 quốc gia, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, các vắc xin được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể trước nguy cơ bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo biến thể Delta dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu. Tại Mỹ, do lo ngại về sự lây lan nhanh của biến thể Delta, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã thông báo các biện pháp chống dịch mới. Cụ thể, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart ngày 30/7 thông báo sẽ một lần nữa yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, bất kể đã tiêm vắc xin hay chưa, tại các cửa hàng ở những khu vực có tỉ lệ mắc COVID-19 cao ở Mỹ.
Walmart cũng sẽ "mạnh mẽ khuyến khích" khách hàng đeo khẩu trang hoặc che mặt, theo hướng dẫn sửa đổi mới đây của CDC. Trong khi đó, hãng Disney cũng thông báo yêu cầu tiêm chủng vắc xin mới nhất đối với nhân viên không phải thành viên tổ chức công đoàn.
Disney cho biết sẽ đối thoại để mở rộng chính sách này đối với cả những nhân viên là thành viên các tổ chức công đoàn. Trước đó, Google và Facebook cho biết nhân viên trở lại văn phòng làm việc sẽ cần phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Twitter đã thay đổi chính sách, đóng cửa các văn phòng ở New York và San Francisco và dừng việc mở lại văn phòng.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, TP Brisbane lớn thứ 3 ở Úc và nhiều vùng khác của bang Queensland sẽ bước vào giai đoạn phong tỏa từ ngày 31/7 trong bối cảnh giới chức bang đang ráo riết kiểm soát sự bùng phát các ca nhiễm biến thể Delta.
Phó Thủ hiến bang Queensland Steven Miles cho biết hàng triệu cư dân thành phố Brisbane và những vùng khác của bang này sẽ phải ở trong nhà trong 3 ngày liên tiếp từ chiều 31/7. Người dân chỉ được ra ngoài vì những lý do cần thiết như đi chợ, mua thuốc.
Ông Miles cho biết bang Queensland đến nay đã phát hiện 7 ca nhiễm biến thể Delta chủ yếu có liên quan tới một học sinh, một gia sư và gia đình của học sinh này. Tuy nhiên, giới chức vẫn đang nỗ lực truy vết nguồn gốc bùng phát số ca nhiễm.
Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những nước được đánh giá kiểm soát tốt dịch COVID-19, đang đối mặt với đợt bùng phát mới nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể Delta, với tâm điểm là TP Nam Kinh.
Tính tới ngày 30/7, thành phố này đã ghi nhận tổng cộng 184 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ khi 9 nhân viên vệ sinh ở sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ổ dịch này lây lan sang 5 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, buộc hàng trăm nghìn người phải sống trong cảnh phong tỏa trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập dịch. Ít nhất 206 ca mắc trên toàn quốc có liên quan đến ổ dịch ở Nam Kinh.
Cơ quan y tế TP Nam Kinh – thủ phủ tỉnh Giang Tô cho biết một chuyến bay từ Nga đã được xác định là nguồn gốc dẫn đến đợt lây nhiễm đại dịch COVID-19 mới nhất ở thành phố này. Các nhân viên sân bay bị nhiễm bệnh khi làm vệ sinh khoang máy bay.
Chính phủ Nhật Bản ngày 30/7 đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch COVID-19 ra 4 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo là Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Osaka ở phía tây. Đây là 4 tỉnh đang nằm trong danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy, dẫn tới những lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế trong lúc Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra. Dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu có hiệu lực ở 4 tỉnh trên từ ngày 2 đến 31/8.
Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp này ở Tokyo và tỉnh Okinawa tới ngày 31/8, dài hơn 9 ngày so với kế hoạch ban đầu. Như vậy, Nhật Bản sẽ áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế ở 6 tỉnh, thành tới ngày 31/8. Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định đưa 5 tỉnh gồm Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong thời gian từ ngày 2/8 đến 31/8.
Ngày 30/7 là ngày thứ 2 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới trên 10.000 ca/ngày. Với 10.743 ca nhiễm mới, đây cũng là ngày Nhật Bản có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, trong đó riêng thủ đô Tokyo là 3.300 ca.
Trong bối cảnh đó, một hội đồng của Bộ Y tế Nhật Bản ngày 30/7 đã phê duyệt việc sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho những người từ 40 tuổi trở lên trong bối cảnh nguồn cung vắc xin thiếu hụt.
Biến thể Delta lây lan khiến một số nước châu Âu, trong đó có Ý và khu vực Trung Đông bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 4. Viện Y tế quốc gia (ISS) của Ý ngày 30/7 cho biết Delta đã trở thành nguồn lây nhiễm chủ đạo tại nước này khi chiếm tới 94,8% tổng số ca mắc mới tính đến ngày 20/7, trong khi chỉ 1 tháng trước đó, biến thể này chỉ chiếm khoảng 22,7% số ca mắc mới. Theo ISS, cần tiếp tục truy vết các ca nhiễm mới và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhanh nhất có thể để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.
Kể từ khi bùng phát vào tháng 2/2020, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 128.029 người tại Ý - con số tử vong do COVID-19 cao thứ 2 châu Âu, sau Anh và cao thứ 8 thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 4,34 triệu ca. Tính đến ngày 30/7, gần 59% người trên 12 tuổi tại nước này đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin, trong khi có khoảng 10% số người đang chờ tiêm mũi 2.
Số ca lây nhiễm mới ở Đức ngày càng tăng trong những tuần gần đây, chủ yếu do sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận 2.454 ca nhiễm mới, tỉ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày trên 100.000 dân là 17, tăng mạnh so với mức 4,6 hồi đầu tháng 7. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) mới đây cảnh báo Đức đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Trong khi đó, tại khu vực Bắc Phi, Tunisia quyết định nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm. Theo chỉ thị của Tổng thống Tunisia Kaïs Saïed, lệnh giới nghiêm ban đêm từ 19 giờ hôm trước đến 5 gờ giờ sáng hôm sau trên quy mô toàn quốc đã được nới lỏng xuống từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.
Chỉ thị trên cũng quy định các biện pháp khác liên quan đến việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, trong số đó bao gồm lệnh cấm tập trung hoặc tổ chức tất cả các sự kiện gia đình và công cộng trong không gian mở hoặc kín; chủ các nhà hàng và quán cà phê phải giảm số ghế và cấm khách dùng bữa tại chỗ từ 19 giờ.
Ngoài ra, tất cả những người đến Tunisia bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển, đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19 trong thời gian không quá 72 giờ kể từ ngày thực hiện, cùng với nghĩa vụ cách ly trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Tổng thống Tunisia lưu ý rằng các cơ quan y tế dân sự và quân đội phải tăng cường và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia, cũng như mua dự trữ một số lượng lớn vắc xin phòng COVID-19.
Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thực hiện và giám sát các quy trình y tế và các biện pháp phòng ngừa cá nhân và tập thể trong tất cả các lĩnh vực, không gian tư nhân và công cộng, siêu thị và phương tiện giao thông công cộng.
Theo số liệu thống kê, tính đến chiều 30/7, Tunisia ghi nhận tổng cộng 586.146 ca mắc COVID-19 và 19.503 ca tử vong. Hiện Tunisia xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu lục này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)