Dịch COVID-19: Ý cân nhắc các biện pháp hạn chế mới

Thứ ba - 15/12/2020 12:56
Dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Giáng sinh, nhiều quốc gia châu Âu đang cân nhắc khả năng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn do số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng.

Dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Giáng sinh, nhiều quốc gia châu Âu đang cân nhắc khả năng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn do số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng.

 

Tại Ý, chính phủ nước này đang cân nhắc áp dụng trên toàn quốc các hạn chế gắt gao hơn trong suốt kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, trong bối cảnh có các cuộc tụ họp đông người tăng trở lại vào cuối tuần qua sau khi Rome nới lỏng một số quy định trong tháng trước.

 

Trả lời phỏng vấn của truyền thông ngày 14/12, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết các hạn chế mới là cần thiết để tránh bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 3.  Theo truyền thông Ý, nhiều khả năng chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 24/12/2020 đến ít nhất ngày 2/1/2021, gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm và duy trì lệnh cấm các hoạt động không cần thiết, cũng như đóng cửa cửa hàng, quán bar, nhà hàng vào dịp cuối tuần và ngày lễ. Các cửa hàng bán nhu yếu phẩm vẫn được hoạt động.

 

Tại Hà Lan, cũng trong ngày 14/12, Mark Rutte cho biết nước này sẽ thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước đến này và kéo dài trong 5 tuần nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.

 

Phát biểu trên truyền hình trong bối cảnh nhiều người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng thủ tướng, ông Rutte nhấn mạnh Hà Lan không phải đối mặt với bệnh cúm thông thường như mọi người nghĩ và nước này phải chấp nhận đối mặt với khó khăn trước khi tình hình được cải thiện hơn.

 

Theo biện pháp mới, trừ những điểm bán nhu yếu phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, tất cả cửa hàng buộc phải đóng cửa từ ngày 15/12/2020 đến ngày 19/1/2021. Các trường học phải đóng cửa từ ngày 16/12. Người dân cũng được yêu cầu ở nhà và chỉ được phép tiếp đón tối đa 2 khách/ngày, trừ ngày Giáng sinh là 3 người. Các bảo tàng, sở thú, rạp chiếu phim, phòng tập thể hình cùng buộc dừng hoạt động. Các quán cà phê, nhà hàng chỉ phục vụ khách gọi đồ mang về.

 

Còn tại Litva, chính phủ mới đã gia hạn lệnh phong tỏa trên toàn quốc đến ngày 31/1/2021, đồng thời siết chặt việc đi lại đến ngày 3/1 năm sau trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng. Theo đó, từ ngày 16/12, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để đi làm, mua đồ thiết yếu, khám chữa bệnh, và tham gia lễ tang. Gia đình được phép đi dạo trong không gian mở.

 

Các tiếp xúc xã hội bị giới hạn trong 1 gia đình hoặc 1 hộ gia đình, các sự kiện có sự tham gia của hơn 1 hộ gia đình đều bị cấm. Các cửa hàng không thiết yếu buộc phải đóng cửa hoặc chuyển sang dịch vụ trực tuyến. Các cơ sở giáo dục chuyển sang hình thức hoạt động từ xa.

 

Theo worldmeters.info, Litva đến nay ghi nhận  95.021 ca mắc và 825 ca tử vong. Litva hiện là quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao thứ ba trong Liên minh châu Âu, sau Croatia và Luxembourg.

 

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thụy Điển và Pháp khi hai nước này ngày 14/12 ghi nhận số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện ở mức cao chưa từng thấy.

 

Truyền hình Thụy Điển đưa tin số người mắc COVID-19 nhập viện ở nước này tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay với tổng cộng 2.389 bệnh nhân nằm viện ngày 14/12, tăng 65 người so với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 4 năm nay.

 

Số bệnh nhân nhập viện gia tăng trong bối cảnh Thụy Điển thực hiện các khuyến cáo mới trên toàn quốc thay vì các hướng dẫn phòng dịch theo khu vực. Cụ thể, theo các khuyến cáo mới, người dân khi có các triệu chứng bệnh được khuyến cáo ở nhà, làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc xã hội, tránh đến chỗ đông người, đặc biệt vào dịp mua sắm Giáng sinh.

 

 

Tại Pháp, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện cũng tăng cao ngày thứ ba liên tiếp. Theo số liệu mới nhất của các cơ quan y tế, số người mắc COVID-19 nhập viện tại Pháp ngày 14/2 tăng thêm 242 người lên 25.481 người, trong khi số bệnh nhân cần điều trị tích cực tăng thêm 35 người lên 2.906 người.

 

Cũng trong ngày 14/12, quốc gia Tây Âu này ghi nhận 3.063 ca mắc mới trong 24 giờ qua, giảm mạnh so với con số 11.533 ca ghi nhận một ngày trước đó.

 

Tuy nhiên, số ca mắc được công bố vào các ngày thứ hai thường giảm do số lượng xét nghiệm trong ngày chủ nhật ít hơn ngày thường. Số ca tử vong do COVID-19 ở Pháp cũng tăng thêm 371 ca. Như vậy, tính đến hết ngày 14/12, Pháp ghi nhận tổng cộng 2.379.915 ca mắc và 58.282 ca tử vong.

 

Trong khi đó, Đức đang hối thúc nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh việc phê chuẩn một loại vắcxin phòng bệnh COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này gia tăng trong khi Anh và Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà.

 

Nhật báo Bild của Đức ngày 14/12 đưa tin Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel và Bộ Y tế Đức muốn Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn vắcxin do hãng Pfizer của Mỹ phối hợp với công ty BioNTech của Đức sản xuát vào ngày 23/12, sớm hơn dự kiến vào ngày 29/12.

 

Đức bất bình về việc EU chậm phê chuẩn vắcxin trong khi BioNTech là một công ty của Đức và nước này dự kiến phải tiến hành phong tỏa một phần từ ngày 16/12, theo đó phải đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và tất cả các trường học.

 

Cùng ngày, báo Stuttgarter Zeitung của Đức dẫn lời người đứng đầu chi nhánh châu Âu của tập đoàn dược phẩm Moderna, ông Dan Staner cho biết vắcxin của hãng dự kiến được EU cấp phép vào giữa tháng 1/2021 và Moderna sẵn sàng phân phối vắcxin ngay sau đó.

 

Ông Dan Staner nêu rõ: "Chúng tôi trông đợi vắcxin được phê duyệt sử dụng trong EU và theo đó được phê duyệt sử dụng tại Đức vào ngày 12/1/2021. Ngay khi được cấp phép, chúng tôi có thể phân phối vắcxin”.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa ngày 14/12 cho biết nước này dự kiến sẽ được nhận lô vắcxin đầu tiên vào ngày 4/1/2021. Theo quan chức này, "rất có khả năng" EMA sẽ bật đèn xanh cho tiêm phòng vắcxin của Pfizer/BioNTech vào ngày 29/12 tới. Bộ trưởng Illa cho biết thêm vắcxin sẽ được chuyển đến theo từng đợt, đợt đầu tiên vào ngày 4/1 hoặc 5/1 tới.

 

Đến tháng 5 hoặc tháng 6 năm tới, khoảng 15 triệu người trong tổng số 47 triệu dân Tây Ban Nha có thể sẽ được tiêm phòng. Trong đợt đầu, nước này dự kiến ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và nhân viên y tế. Theo Bộ trưởng Illa, Madrid đã đạt các thỏa thuận được cung cấp 140 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, đủ cho khoảng 80 triệu người và nếu thừa sẽ được chuyển sang các nước láng giềng cần sử dụng.

 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày 14/12 đã tự cách ly và theo dõi sức khỏe sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, thông báo của Văn phòng Thủ tướng cho biết Thủ tướng Netanyahu đã xét nghiệm hai lần vào ngày 13 và 14/12, đều cho kết quả âm tính.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu vẫn sẽ tự cách ly và theo dõi cho tới ngày 18/12, do tuần trước có tiếp xúc gần với ông Michael Kleiner, thành viên đảng cánh hữu Likud mới đây được phát hiện đã mắc COVID-19. Văn phòng Thủ tướng Israel lưu ý đây là biện pháp phòng ngừa.

 

Thủ tướng Netanyahu dự kiến tiêm mũi vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên vào ngày 20/12 tới, khi Israel bắt đầu kế hoạch tiêm phòng trên toàn quốc. Ông Netanyahu nhấn mạnh khả năng chấm dứt dịch bệnh là "trong tầm tay" nhờ vắcxin COVID-19.

 

Cùng ngày 14/12, Israel cho biết họ đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắcxin phòng bệnh COVID-19 giai đoạn 2 trên 1.000 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên. Nếu thử nghiệm lần này thành công, Israel sẽ tiến hành tiêm đại trà cho người dân vào cuối mùa hè năm 2021.

 

Bộ Quốc phòng Israel cho biết trong giai đoạn đầu, loại vắcxin do Viện Nghiên cứu sinh học Israel phát triển đã được tiêm trên 80 tình nguyện viên và không có tác dụng phụ đáng kể nào. Tuy nhiên, Bộ không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào khác về kết quả thử nghiệm. Nếu đợt thử nghiệm lần này thành công, đợt thử nghiệm tiếp theo sẽ được tiêm cho 30.000 tình nguyện viên tại Israel và ở nước khác.

 

Còn tại Nga, theo phóng viên TTXVN tại Moscow, các nhà phát triển vắcxin nước này ngày 14/12 đã công bố kết quả thử nghiệm mới cho thấy vắcxin Sputnik-V một lần nữa đạt hiệu quả 91,4% trong việc ngăn ngừa COVID-19.

 

Trong một tuyên bố cùng với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, vốn đang tiếp thị vắcxin này, các nhà nghiên cứu của Viện Gamaleya cho biết kết quả mới dựa trên dữ liệu của 22.714 người tham gia thử nghiệm và được công bố sau khi 78 trường hợp trong nhóm được xác nhận mắc COVID-19. Theo các nhà nghiên cứu, trong số 78 ca mắc bệnh, 62 trường hợp xảy ra ở những người tham gia sử dụng giả dược.

 

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo các nhà sản xuất vắcxin Sputnik V của Nga đã đệ đơn đăng ký tiến hành các nghiên cứu lâm sàng tại Mexico. Phát biểu với báo giới, ông Ebrard cho biết Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) sẽ xem xét và thông qua đề nghị trên.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp