Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ chuẩn bị kỹ cho mọi tình huống ở Afghanistan

Thứ ba - 14/09/2021 12:01
Ngày 13/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ở Afghanistan.
Ngoại trưởng Blinken: Mỹ chuẩn bị kỹ cho mọi tình huống ở Afghanistan

Ngày 13/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ở Afghanistan.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bài phát biểu được chuẩn bị trước cho cuộc điều trần kéo dài 2 ngày trước Ủy viên Đối ngoại Hạ viện Mỹ, liên quan tới chiến thắng nhanh chóng của lực lượng Taliban khi Mỹ rút toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan, Ngoại trưởng Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã "tập trung cao độ" vào sự an toàn của người Mỹ và đã "liên tục đánh giá" quyền lực của Chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn và "xem xét nhiều kịch bản”.

 

Ông Blinken khẳng định ngay cả những đánh giá tiêu cực nhất cũng không dự đoán được rằng lực lượng chính phủ ở Kabul sẽ sụp đổ trong khi lực lượng của Mỹ vẫn duy trì ở đó. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken khẳng định nước này đã lên kế hoạch và thực hiện một loạt phương án dự phòng.

 

Theo ông Blinken, cuộc di tản là một nỗ lực phi thường - trong những điều kiện khó khăn nhất có thể tưởng tượng - của các nhà ngoại giao, quân sự và các chuyên gia tình báo của Mỹ.

 

Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận rút quân đội khỏi Afghanistan là do cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đạt được với Taliban vào năm ngoái, trong đó có hạn chót Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, và chính quyền hiện này chỉ "kế thừa" hạn chót đó chứ không tiếp nhận một kế hoạch nào.

 

Quan chức này cũng tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Joe Biden rằng không có bằng chứng nào cho thấy việc quân đội Mỹ ở lại lâu hơn tại Afghanistan sẽ giúp lực lượng an ninh hoặc chính phủ của quốc gia Tây Nam Á này trở nên kiên cường hơn, hoặc có khả năng tự duy trì cao hơn. Đây là phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ của Ngoại trưởng Blinken liên quan đến chiến dịch rút quân và sơ tán công dân Mỹ và các nước đồng minh.

 

Theo thống kê, Mỹ và các nước đồng minh đã đưa 124.000 người sơ tán khỏi Afghanistan, đánh dấu một trong những chiến dịch không vận lớn nhất trong lịch sử. Chính quyền Mỹ cho biết hiện có khoảng 100 công dân Mỹ vẫn ở lại Afghanistan và cơ quan ngoại giao Mỹ vẫn thường xuyên liên lạc được với tất cả những người này.

 

Cùng ngày, Viện Watson của Đại học Brown và Trung tâm Quốc tế công bố một báo cáo cho thấy Lầu Năm Góc đã chi khoảng 33-50% trong tổng số ngân sách 14.000 tỉ USD cho các nhà thầu quốc phòng kể từ khi Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan.

 

Nghiên cứu với tiêu đề "Lợi nhuận sau chiến tranh: Doanh nghiệp hưởng lợi từ khoản chi tiêu của Lầu Năm Góc thời hậu 11/9" cũng cho thấy trong khi một số tập đoàn kiếm được lợi nhuận hợp pháp trong suốt thời gian chiến tranh, thì một số tập đoàn khác có được lợi nhuận thông qua những hoạt động kinh doanh không minh bạch như lãng phí, gian lận, lạm dụng, tăng giá và trục lợi.

 

Theo nghiên cứu, chi tiêu quân sự của Mỹ đã tăng khoảng 33% từ năm 2001 đến năm 2010 ngay cả khi được điều chỉnh theo lạm phát.

 

Kể từ năm tài chính 2001, chi tiêu cho tất cả các mục đích của Lầu Năm Góc đã lên tới 14.100 tỉ USD, trong đó 4.400 tỉ USD dành cho việc mua sắm, nghiên cứu và phát triển vũ khí cho các nhà thầu.

 

Cũng theo nghiên cứu, 25-33% tổng số hợp đồng của Lầu Năm Góc trong những năm gần đây thuộc về 5 nhà thầu vũ khí lớn, gồm Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman.

 

Các công ty đã nhận được hơn 286 tỉ USD hợp đồng trong các năm tài chính 2019 và 2020, sau khi đã phân chia hơn 2.100 tỉ USD giữa các năm tài chính 2001 và 2020.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp