Thế giới ghi nhận 195 triệu ca mắc COVID-19

Thứ ba - 27/07/2021 01:54
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 27/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 195.328.867 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.182.430 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 177.120.224 người.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 27/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 195.328.867 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.182.430 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 177.120.224 người.

 

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 430.528 ca nhiễm mới. Mỹ, quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới, trong 24 giờ qua đã có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 32.613 ca, tiếp theo là Iran với 31.814 ca, Ấn Độ với 30.125 ca, Indonesia với 28.228 ca, Anh với 24.950 ca, Nga với 23.239 ca, Tây Ban Nha với 20.541 ca, Brazil với 18.999 ca, Thổ Nhĩ Kỳ với 16.809 ca, Thái Lan với 15.376 ca...

 

Do số ca mắc mới tại Mỹ tiếp tục tăng lên, Nhà Trắng đã quyết định duy trì các hạn chế đi lại. Theo một quan chức Nhà Trắng, quyết định duy trì các hạn chế đi lại hiện tại được chính quyền thúc đẩy sau khi biến thể Delta lây lan rộng ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới và sự gia tăng các ca mắc COVID-19 gần đây ở Mỹ "có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới”.

 

Trong khi đó, chính quyền thành phố New York đã quyết định yêu cầu công chức, viên chức trên toàn thành phố từ nay đến giữa tháng 9 tới phải hoàn thành tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 nếu không muốn bị buộc phải xét nghiệm hằng tuần.

 

Thị trưởng Bill de Blasio đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh thành phố đang đối mặt với làn sóng gia tăng số ca nhiễm lần thứ ba do sự lây lan nhanh của biến thể mới Delta. Tỉ lệ tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở người trưởng thành tại thành phố New York đạt 65%, cao hơn tỉ lệ chung của nước Mỹ, nhưng tại một số quận cục bộ thì tỉ lệ này dưới mức 40%. Hiện Mỹ ghi nhận tổng cộng 35.279.957 ca nhiễm, trong đó 627.011 ca tử vong.

 

Trong khi đó, một khảo sát do hãng tin AP của Mỹ phối hợp với trung tâm nghiên cứu các vấn đề công NORC tiến hành mới đây cho thấy hầu hết những người Mỹ chưa tiêm vắcxin phòng COVID-19 sẽ không có ý định tiêm vì họ nghi ngại vắcxin không ngăn chặn được biến thể Delta và tình trạng này sẽ tạo ra những thách thức cho các bang cũng như các thành phố đang có số ca nhiễm gia tăng trở lại như New York.

 

Tại châu Âu, Hà Lan thông báo hủy tất cả các lễ hội âm nhạc mùa Hè sau khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong vài tuần qua, tuy nhiên vẫn nới lỏng các hạn chế đi lại tới hầu hết các quốc gia ở châu Âu. Trong số các lễ hội bị hủy bỏ có lễ hội Lowlands đã bán hết vé, cũng từng bị hủy hồi năm ngoái do đại dịch bùng phát mạnh. Các lễ hội âm nhạc tương tự như Mysteryland và Down the Rabbit Hole, dự kiến vào tháng 8, cũng sẽ không diễn ra.

 

Trước đó, Hà Lan đã nới lỏng các hạn chế đối với việc đi lại đến các nước châu Âu, giúp du khách thuận tiện hơn trong việc đặt chỗ cho các kỳ nghỉ Hè sắp tới. Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan đang phải cân nhắc lại những kế hoạch nới lỏng trên sau khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trở lại kể từ đầu tháng này, trong đó chủ yếu đều mang biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Hiện Hà Lan ghi nhận tổng cộng 1.847.372 ca nhiễm, trong đó 17.801 ca tử vong.

 

Trong khi đó, ngày 26/7, cơ quan đăng ký dược phẩm của Nga cho biết đã phê duyệt việc thử nghiệm lâm sàng kết hợp tiêm vắcxin của AstraZeneca/Oxford với vắcxin Sputnik V của Nga.  Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, tháng 5 vừa qua, Ủy ban Đạo đức của Bộ Y tế Nga đã ngừng phê duyệt việc thử nghiệm lâm sàng này và yêu cầu thông tin bổ sung.

 

Theo cơ quan đăng ký dược phẩm nhà nước trên, 5 phòng thí nghiệm của Nga sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng này và dự kiến kết thúc vào đầu tháng 3/2022.  Cả vắcxin của AstraZeneca/Oxford và Sputnik V đều bao gồm hai liều. Tuy nhiên, vắcxin Sputnik V sử dụng các vector virus khác nhau trong hai liều.

 

Vắcxin này sử dụng một phiên bản điều chỉnh của một virus (vector) để truyền hướng dẫn quan trọng đến các tế bào của chúng ta, mang thông tin di truyền giúp cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng trong tương lai. Thử nghiệm trên người vắcxin COVID-19 kết hợp giữa mũi tiêm vắcxin của AstraZeneca/Oxford với vắcxin Sputnik V đã được chấp thuận ở Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Belarus.

 

Ở châu Phi, ngày 26/7, Bộ Y tế Algeria cho biết nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 25/2/2020. Cụ thể, Algeria đã ghi nhận thêm 1.505 trường hợp nhiễm mới và 24 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 163.660 ca, trong đó 4.087 ca tử vong.

 

Algeria hiện đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia có số ca mắc nhiều nhất ở châu lục này. Do số ca nhiễm mới tiếp tục tăng vọt, cùng ngày, Thủ tướng Algeria Aïmene Benabderrahmane đã ra quyết định đình chỉ hoạt động vận tải đường sắt và đô thị trong những ngày cuối tuần đối với 35 tỉnh, thành áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h00 hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

 

Về vấn đề phân phối vắcxin ngừa COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) và chương trình phân phối vắcxin toàn cầu (COVAX) đã công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vắcxin cho các nước đang phát triển khi mà các quốc gia này có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu có hơn.

 

Cơ chế này sẽ cho phép COVAX mua trước với giá cạnh tranh hơn từ các nhà sản xuất vắcxin dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia, bằng nguồn  tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Thỏa thuận giữa WB và COVAX sẽ giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận với nguồn vắcxin bổ sung bên cạnh các liều được hỗ trợ hoàn toàn. Cơ chế mới được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở các nước thu nhập thấp.

  

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp