Số ca nhiễm tại một số nước vẫn tiếp tục tăng

Thứ ba - 27/07/2021 11:55
Ngày 27/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 7.186 ca mắc mới COVID-19 - cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.562.420 ca, trong đó có 27.318 ca tử vong.

Ngày 27/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 7.186 ca mắc mới COVID-19 - cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.562.420 ca, trong đó có 27.318 ca tử vong.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết số ca mắc trong hệ thống tàu điện ngầm tại Manila đã tăng 47%, khiến số ca mắc tại thủ đô tăng lên hơn 900 ca/ngày vào tuần trước.

 

Theo Bộ Y tế Philippines, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tháng 1/2020, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 15 triệu trong tổng số 110 triệu dân nước này. Philippines đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan nhanh của các biến thể xuất hiện tại nước này, trong đó Delta là biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất.

 

Tại Indonesia, giới chức y tế cho biết nước này cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của bệnh nhân COVID-19.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ở thời điểm trước lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 vừa qua, Indonesia cần 400 tấn oxy/ngày cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nhu cầu này đã tăng vọt lên 2.500 tấn/ngày. Ông Budi cho biết Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mua 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly.

 

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Budi cho biết nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 cũng tăng gấp 12 lần kể từ 1/6 vừa qua. Để đối phó với nhu cầu tăng đột biến này, Bộ Y tế nước này đã yêu cầu Hiệp hội các công ty dược phẩm Indonesia (GP Farmasi) tập trung tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất và phân phối thuốc trên khắp các tỉnh thành.

 

Dự tính, nếu tập trung năng lực sản xuất, thì trong 4-6 tuần tới, nước này có thể đảm bảo đủ số lượng thuốc  cần thiết. Indonesia cũng đang trong tình trạng thiếu vắc xin ngừa COVID-19.  Trước đó, Bộ trưởng Budi thừa nhận Indonesia chỉ còn khoảng 22 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 dự trữ và dự kiến sẽ sử dụng hết trong 1 tháng.

 

Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto thông báo 21,2 triệu liều vắc xin của hãng dược Sinovac ở dạng nguyên liệu thô sẽ đến Indonesia. Cho đến nay, Indonesia đã nhận được khoảng 173 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 147,7 triệu liều của Sinovac bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm; 14,9 triệu liều của AstraZeneca, 6 triệu liều của Sinopharm và 4,5 triệu liều của Moderna. Tính đến ngày 26/7, đã có 64,13 triệu liều vắc xin đã được sử dụng, tiêm cho 45.012.649 người.

 

Theo ông Airlangga, hiện Chính phủ Indonesia đang tiếp tục đẩy mạnh giai đoạn tiêm chủng cho 141.211.181 triệu người trên 18 tuổi và 26.705.490 trẻ em từ 12-17 tuổi. Hiện 718.000 trẻ em đã được tiêm vắc xin liều đầu tiên.

 

Ngày 27/7, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 16.117 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Malaysia được ghi nhận hôm 25/7 vừa qua với 17.045 ca.

 

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày. Ông Noor Hisham cho biết theo dự báo của Bộ Y tế Malaysia, vào thời điểm đó, tỉ lệ lây nhiễm cơ bản (RT/RO) sẽ là 1,2 (trung bình 1 người lây cho 1,2 người).

 

Ông Noor Hisham cho biết thêm số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục tăng, lên mức 17.000 ca/ngày vào giữa tháng 8 tới và đỉnh điểm là 24.000 ca/ngày vào tháng 9, sau đó có thể giảm xuống dưới 1.000 ca vào tháng 10.

 

Nguyên nhân được ông Noor Hisham giải thích là nhờ hiệu quả của vắc xin có thể đạt 75% nếu tốc độ tiêm chủng đạt 100.000 liều/ngày cho liều thứ 2 và có thể đạt hiệu quả 80% vào tháng 10 nếu tốc độ đạt 150.000 liều/ngày cho liều thứ 2. Hiện 80% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19.

 

Cùng ngày 27/7, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 2.848 ca. Mốc cao kỷ lục trước đó là ngày 7/1 với 2.520 ca. Do lo ngại làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, chính quyền Tokyo đã đề nghị các bệnh viện chuẩn bị thêm giường để điều trị bệnh nhân COVID-19.

 

Số ca nhiễm mới tại thành phố này trong ngày 26/7 đã tăng gấp đôi so với 1 tuần trước.  Với việc các bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, Tokyo đặt mục tiêu nâng số giường lên 6.406 vào đầu tháng tới so với mức hiện nay 5.967.

 

Theo đó, nhà chức trách đề nghị các bệnh viện nên xem xét lùi các lịch phẫu thuật đã lên kế hoạch, cũng như giảm quy mô điều trị.

 

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo các yếu tố theo mùa, việc gia tăng đi lại và sự lây lan của các biến thể có thể sẽ dẫn đến việc bùng phát trở lại các trường hợp mắc COVID-19 tại Nhật Bản vào mùa Hè này.

 

Hiện tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Nhật Bản vẫn còn khá thấp so với các nước đang phát triển, khi mới chỉ có 36% dân số được tiêm ít nhất một mũi.

 

Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra theo các quy định cách ly nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh, song đã có 155 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong số các vận động viên và nhân viên của các đoàn thể thao.

 

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định số ca mắc mới cao kỷ lục tại Tokyo không phải là một vấn đề đối với Olympic, đồng thời cho rằng người dân cần tập trung làm việc tại nhà để giảm thiểu đi lại.

 

Trung Quốc đại lục ngày 26/7 thông báo nước này ghi nhận thêm 31 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong nước, tất cả đều ở Nam Kinh. Chính quyền tỉnh Giang Tô thông báo biến thể gây ra chùm ca bệnh tại thủ phủ Nam Kinh của tỉnh này là biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

 

Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của TP Nam Kinh, ông Ding Jie cho biết số ca nhiễm tăng cao gần đây ở thành phố này có thể do vị trí đặc biệt của ổ dịch và tính chất dễ lây lan của biến thể virus trên.

 

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Neil Ferguson thuộc trường Đại học Imperial của Anh ngày 27/7 cho rằng đại dịch COVID-19 tại nước này có thể sẽ kết thúc trong vòng vài tháng tới vì vắc xin phát huy tác dụng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong.

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đánh cược rằng ông có thể đưa nền kinh tế nằm trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Âu này "bùng nổ trở lại" vì đến nay rất nhiều người dân Anh đã được tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.

 

Mặc dù số ca mắc mới hằng ngày tại Anh đã giảm liên tục trong 6 ngày qua, song Thủ tướng Johnson nhấn mạnh đại dịch chưa kết thúc. Phát biểu với hãng tin BBC, nhà dịch tễ học Neil Ferguson nhận định: "Tác dụng của vắc xin rất lớn trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Tôi lạc quan cho rằng đến cuối tháng 9 và sang tháng 10, chúng ta có thể sẽ thấy phần lớn đại dịch ở phía sau”.

 

Những số liệu mới nhất về dịch bệnh COVID-19 của Anh cho thấy sự gia tăng mạnh các ca lây nhiễm trong đầu tháng 7 này cho đến nay chưa dẫn đến gia tăng số ca tử vong. Số người không vượt qua được đại dịch ghi nhận ngày 26/7 ở Anh là 14 ca, mặc dù số bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện đã tăng lên 5.238.

 

Quyết định của Thủ tướng Johnson dỡ bỏ các quy định chống dịch tại Anh từ ngày 19/7 đã tạo thuận lợi cho việc khởi động lại nền kinh tế vốn bị thiệt hại nặng nề sau nhiều đợt phong tỏa kể từ tháng 3/2020.

 

Nếu thành công, Anh sẽ trở thành một quốc gia điển hình thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, "canh bạc" của ông Johnson có thể rủi ro do nguy cơ xuất hiện một biến thể mới có khả năng kháng vắc xin hoặc hệ thống y tế quá tải.

 

Số ca mắc mới theo ngày của Anh đã giảm từ mức đỉnh l54.674 ca ghi nhận ngày 17/7 trong làn sóng dịch hiện tại xuống 24.950 ghi nhận ngày 26/7.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp