Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

WHO: Dịch COVID-19 vẫn gây ra tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Thứ năm - 20/10/2022 00:53
Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch COVID-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm.
WHO: Dịch COVID-19 vẫn gây ra tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch COVID-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm.

 

Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Sau tuyên bố này, công tác nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế cộng đồng trên thế giới được tăng cường để kiềm chế dịch bệnh.

 

Cho đến những tháng gần đây, dù số ca mắc mới tiếp tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới, WHO vẫn cho rằng nhiều quốc gia cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy tiêm phòng đầy đủ cho những nhóm dân số nguy cơ cao nhất.

 

Trong thông báo mới, Ủy ban khẩn cấp của WHO cho rằng dù hiện nay, người dân tại nhiều khu vực dường như tin rằng dịch COVID-19 đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.

 

Kể cả khi số ca tử vong hằng tuần vì COVID-19 đã xuống mức thấp nhất tình từ khi đại dịch bùng phát, COVID-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra.

 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý đại dịch COVID-19 từng khiến cả thế giới bị động và đến nay, nguy cơ này vẫn tồn tại. Trong khi đại dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn chấm dứt, dịch tả lại có dấu hiệu gia tăng trên thế giới.

 

Cũng trong ngày 19/10, WHO thông báo tạm dừng phác đồ tiêm phòng tả đủ 2 mũi và thay bằng phác đồ tiêm 1 mũi do thiếu vắc xin trong bối cảnh số lượng các ổ dịch bùng phát mới không ngừng tăng trên toàn thế giới.

 

WHO nêu rõ quyết định trên đã phản ánh tình trạng cấp bách do thiếu vắc xin phòng dịch tả trong khi những nước như Haiti, Syria, Malawi đang chật vật tìm cách khống chế các ổ dịch lớn. Bệnh tả là bệnh có thể gây tử vong, lây lan do tiếp xúc với nước và thức ăn nhiễm khuẩn.

 

Tính đến ngày 9/10, Haiti đã ghi nhận 32 ca bệnh và 18 ca tử vong vì tả trong khi còn nhiều ca chưa được xác nhận. Tại Syria, một đợt bùng phát đã khiến ít nhất 33 người tử vong.

 

Trong bối cảnh số ổ dịch bùng phát mới tăng nhanh chưa từng thấy trên toàn thế giới, WHO tin rằng việc điều chỉnh số lượng mũi tiêm sẽ tạo điều kiện để phân bổ vắc xin đến được nhiều quốc gia hơn. Phác đồ tiêm phòng 1 mũi đơn đã được chứng minh là hiệu quả trong ứng phó với các đợt bùng phát dịch tả dù thời gian bảo vệ ít hơn và hiệu quả bảo vệ thấp hơn ở trẻ em.

 

Theo WHO, số ca bệnh tả liên tục tăng trong năm nay, đặc biệt là ở những vùng nghèo khó và xung đột. Đến nay đã có 29 quốc gia trên thế giới báo cáo xuất hiện các ổ dịch, tỉ lệ tử vong cũng tăng mạnh.

 

Trong diễn biến khác, ngày 19/10, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạ cảnh báo đi lại tới 76 quốc gia/vùng lãnh thổ từ cấp độ 2 trên thang cảnh báo 4 cấp xuống cấp độ 1, tức là chỉ khuyên công dân Nhật Bản tới các quốc gia/vùng lãnh thổ này phải đề cao cảnh giác trước dịch COVID-19. 

 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu “nói chung đang cải thiện” và các nước thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã dỡ bỏ các cảnh báo đi lại.

 

Với quyết định này, Nhật Bản đã dỡ bỏ cảnh báo công dân hạn chế đi tới bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào nếu không có việc cần thiết. Tuy nhiên, bộ trên vẫn khuyến cáo những người có kế hoạch đi ra nước ngoài cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ.

 

Trong danh sách 76 quốc gia/vùng lãnh thổ được hạ cấp cảnh báo lần này có 6 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 11 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực Mỹ Latin, 20 quốc gia/vùng lãnh thổ ở châu Âu và 39 quốc gia/vùng lãnh thổ ở Trung Đông và châu Phi.

 

Ở chiều ngược lại, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại ở Nhật Bản.

 

Ngày 18/10, nước này ghi nhận thêm 43.272 ca nhiễm mới, tăng 28.384 ca so với một ngày trước đó, và 72 ca tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 40.000 ca/ngày. 

 

Trong bối cảnh đó, giới chức y tế Nhật Bản lo ngại nước này có thể sẽ phải đối mặt với hai đại dịch xảy ra cùng một lúc vào mùa Đông tới, gồm dịch COVID-19 và dịch cúm mùa, khiến mỗi ngày có tới 750.000 người bị nhiễm, trong đó có 450.000 người mắc COVID-19 và 300.000 người mắc cúm mùa.

 

Để đối phó với kịch bản tồi tệ đó, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tập trung nguồn lực y tế cho các đối tượng có nguy cơ cao như những người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống, cùng với phụ nữ đang mang thai và người có bệnh lý nền bất kể độ tuổi.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp