Biển quê tôi bao đời vẫn mênh mông như lòng mẹ. Cũng nhờ biển mà cư dân bắt đầu quy tụ để làm ăn sinh sống và hình thành nên các làng biển kéo dài từ Vũng Rô ra tận đầm Cù Mông. Từ mùa hạ đến mùa đông, từ mùa biển lặng đến mùa biển động..., hương biển vẫn mặn mòi với thời gian.
Mùa hè năm vừa rồi, tôi về làng muối Trung Trinh (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) để thăm một bạn học cấp 3 ở Trường vừa học - vừa làm Sơn Thành. Đi ngang qua cánh đồng muối Trung Trinh, nhìn người dân đội nắng giữa trưa cào muối, trong tôi chạnh lòng thầm nghĩ “Chắc không có nghề nào dãi dầu mưa nắng như nghề làm muối - thứ nghề cơ cực, nhọc nhằn nhất nhì trần gian. Trong từng hạt muối trắng kết tinh vị mặn mòi của biển và cả những giọt mồ hôi của các diêm dân nhỏ xuống cánh đồng...”.
Hương biển mặn mòi đã theo tôi hơn nửa đời người, qua từng bữa cơm với con cá nục nướng dầm với mắm ngò, khứa cá ồ kho với dưa môn, cá nhồng nấu mẳn nêm tiêu... Làng tôi cách xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) không xa nên bữa ăn hàng ngày có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu nước mắm. Ngày xưa thời bao cấp, bất kể trời nắng hay mưa… những thím, những cô của làng biển ở xóm Rớ vẫn trĩu nặng đôi gánh trên vai, vượt qua những con đường tắt cát trắng rừng dương để bán nước mắm cho các gia đình ở quê tôi và tôi vẫn nhớ tên, nhớ cả gương mặt thân thiết của bác bảy Bụng, thím hai Rập, cô năm Khanh… Đến nay, tôi còn nhớ như in cái giọng Quảng Ngãi đầy tự tin của bác bảy Bụng: “Nước mắm cá cơm săn của nhà tui ngon chỏng rau!” (nghĩa là nước mắm của bà làm nguyên chất, đưa rau sống chấm vô mắm là chỏng đứng dậy).
Hương biển cũng mặn mòi trong từng cây củi rìu - tên loài củi do người dân quê tôi tự đặt cho những lau, sậy, cành củi khô… vào mùa mưa theo nước lũ trên núi chảy xuống biển, tấp vào bờ. Mẹ tôi tranh thủ trời hửng nắng ra biển quơ gánh củi rìu về để dành nhóm bếp. Lúc nhỏ, tôi thích đứng xem mẹ nấu cơm, khi mẹ chụm củi vào lò, củi nổ lép bép bắn ra từng hoa lửa li ti và có mùi mặn mặn. Mẹ nói “Mùa mưa mà không nhờ củi rìu ngoài biển thì nấu nướng khổ cực”. Nay lớn, tôi biết tiếng kêu lép bép là do trong củi rìu khô có muối biển còn đọng lại.
Tôi hay ngồi bên biển trong những buổi sáng cuối tuần để căng lồng ngực hít thở không khí biển trong lành, thanh sạch. Tôi yêu quê hương xứ Nẫu của tôi từ những điều dung dị nhất, vì hương biển mặn mòi đã thấm đẫm trong từng mảnh đất, từng con người nơi đây...
HOÀNG HÀ THẾ