Dưới bóng tre xanh

Chủ nhật - 05/05/2019 03:25
Tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm nhỏ của miền Trung, cái xóm nhỏ nhìn đâu cũng gặp những hàng tre. Tôi gọi xóm mình là phố tre, đường tre, ngõ tre. Tre nhiều lắm, tre gai có, tre mỡ có. Tre như bức tường thành, bao bọc xóm thôn.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm nhỏ của miền Trung, cái xóm nhỏ nhìn đâu cũng gặp những hàng tre. Tôi gọi xóm mình là phố tre, đường tre, ngõ tre. Tre nhiều lắm, tre gai có, tre mỡ có. Tre như bức tường thành, bao bọc xóm thôn.

 

Tre có dáng thẳng, thân tròn, không mọc riêng lẻ mà chụm thành bụi, đứng thành hàng, giăng thành lũy. Tre tựa vào nhau cao vút như bức đại thành không gì xâm phạm nổi, một tia nắng cũng khó xuyên nổi tấm lưới tre.

 

Trong ký ức của mình, tôi chưa bao giờ quên con đường ngoằn ngoèo, thăm thẳm đổ đến sông mà hai bên đường là những hàng tre xanh rì, cao tít tắp. Bến sông mát rượi vì những cây tre tỏa rộng bóng trên mặt nước. Đi hết bãi cát to phía bên bồi lại gặp một hàng tre cao vút nằm thoải hình cánh cung, ôm trọn bờ cát.

 

Tre bên đường, tre trước bến sông, tre bên bãi cát… Còn nữa, tre ngạo nghễ giữa cánh đồng. Cánh đồng làng tôi bạt ngàn ngun ngút, một vựa lúa thênh thang chỉ hai, ba nóc nhà nhưng chúng không hề chơ vơ vì đã có những lùm tre bao bọc. Sau này lớn lên, nghĩ về tre, tôi nhớ ngay những ngôi nhà giữa đồng đó, và tôi nghĩ, nhờ tre mà người làng tôi bớt cô đơn.

 

Vâng, tre với người keo sơn gắn bó.

 

Tre không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Người xưa bảo “Tre già là bà gỗ lim”. Tre được dùng như gỗ, có khi còn hơn cả gỗ. Tre làm nhà làm chõng, làm những đồ dùng không thể thiếu của nhà nông như cuốc, gánh, nôm, vó, thúng, nia, rổ, rá… Tre làm đồ chơi trẻ em như lồng đèn, chong chóng, diều, nẻ… Tre dựng lều dựng trại, tre làm cổng chào, hàng rào, tre còn làm củi chụm (nhanh bắt lửa và cháy đẹp). Hàng tre bên sông là kho báu của lũ nhỏ chăn bò chúng tôi. Mùa mưa, chúng tôi thường lùng dưới gốc tre những chú chim mắc cóng. Mùa hè, lũ tôi ta tụ dưới bóng mát chơi đủ trò cút bắt. Và khi phát hiện những búp măng mập mạp, chúng tôi vui vẻ vác về để mẹ nấu canh măng, xào măng, cả làm bánh xèo măng.

 

Tre với người đồng hành bảo bọc, tre ôm ấp xóm làng, tre làm đẹp thêm vẻ đẹp cần cù, chất phác của người nông dân. Cái thời đường chưa bê tông, lưới sắt, làm sao quên được những buổi trưa hè, trời chang chang nắng, dưới bóng mát của những rặng tre, con bò cộ sau chuyến kéo lúa, kéo rơm nặng nề nằm hếch mỏ, thong thả nhai và thở phì phò, mặc kệ chú bê con ngứa sừng cứ húc đầu vào mình, có khi còn nghịch ngợm nằm gác mỏ lên bụng. Ở góc khác (cũng dưới bóng tre xanh), các cô bác sau buổi làm đồng đã trải tấm nhựa ra, bày bữa cơm trưa, bi đông trà, vừa ăn vừa nói chuyện mùa màng, có người còn cao hứng nói chuyện nhân sinh thế sự.

 

Không dừng lại ở việc đóng góp vật chất, tre còn đi vào đời sống tinh thần của người nông dân. Tôi chưa bao giờ quên câu ca dao mẹ đọc:

 

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng hay chưa?

Chàng hỏi thì em xin thưa

Tre vừa đủ lá đan sàng nên chưa?

 

* * *

 

Sáng nay dọn dẹp khu vườn sau nhà, thấy dấu tích của bụi tre to ngày xưa bị đốt trụi, lòng bỗng bồi hồi nhớ những đêm đi coi cải lương với bạn, lúc về nhà thấy gốc tre phát sáng thì la toáng có ma.

 

Có lẽ không phải riêng tôi, chỉ tôi mà người làng tôi, nước tôi, ai cũng có ký ức về bóng tre xanh. Và tôi nói: Tre là bạn, tre là quê hương.

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp