Milovan Marchetich, là nhà thơ, nhà văn người Serbia, sinh năm 1953 tại thành phố Prijedor nước Cộng hòa Bosna và Hercegovina, được tặng 8 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, là người sáng lập và Tổng biên tập tạp chí “Văn học Beograd”, tác giả của 10 tập thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết.
Một người đàn ông không còn trẻ nữa, nhưng cũng không thể gọi là già, buổi sáng khởi hành đến thành phố lớn nhất ở phía nam đất nước để giải quyết công việc. Hôm đó là thứ sáu, ngày hôm trước người đàn ông đã mua vé xe buýt chuyến tám giờ sáng và sẽ đến nơi sau mười một giờ. Anh lên xe lúc tám giờ kém mười lăm. Trước khi ra khỏi phòng vé để lên xe, anh còn mua một tờ báo, nhưng suốt cả chặng đường chẳng lấy nó ra khỏi cặp vì ngay cả khi thời tiết xấu, ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa kính vẫn thích hơn là chúi mũi vào tờ báo. Thời tiết hôm đó, như các nhà dự báo khí tượng thường nói là có mây thay đổi.
Người đàn ông trang phục đơn giản: áo sơ mi kẻ ô, áo khoác ngắn mùa xuân màu be, quần xám, giày đen, tay xách cặp da đen, một ngăn đựng tập tài liệu liên quan đến chuyến đi, ngăn khác có chiếc ô xếp. Trên vé ghi số ghế 13, tuy nhiên anh không tin vào những điều mê tín may rủi liên quan đến những con số.
Trước khi xe lăn bánh khoảng hai phút, có một phụ nữ đến ngồi vào ghế 14, và anh nhận ra ngay người phụ nữ trẻ hơn mình. Mái tóc dài màu đen, bộ áo váy màu xanh lá cây, tay cầm chiếc túi nhỏ màu đen - đó là tất cả những gì anh thoáng nhận ra trong khoảnh khắc đầu tiên về người bạn đường tình cờ của mình. Nói chung, anh không thích dán mắt vào người lạ để không làm họ phải bối rối vì sự tò mò của mình.
Xe buýt khởi hành đúng giờ, người đàn ông thờ ơ nhìn ra cửa sổ và chỉ đến khi xe chạy lên cây cầu bắc qua sông Buban anh mới quay đầu lại, ánh mắt lướt nhanh qua đầu gối người phụ nữ ngồi bên cạnh. Những gì nhìn thấy không gây cho anh chút xao động nào, và như anh cảm nhận, anh không thích người phụ nữ này. Tuy nhiên sau khi xe rẽ về hướng Smederevo, họ cũng trao đổi đôi câu về các bài hát và về tiếng nhạc quá to trong xe buýt. Khi xe chạy qua chỗ rẽ Kraguevats thì họ đã làm quen với nhau, kết quả là người phụ nữ biết anh sinh ra ở ngôi làng phía nam thành phố Nis, còn anh thì biết chị sinh ra ở phía bắc thành phố ấy, và mười năm nay cả hai đều sống và làm việc trong thành phố Beograd. Trước khi xe chạy đến Nis, họ đã trao cho nhau địa chỉ và số điện thoại. Đến bến xe, cả hai đều bày tỏ hy vọng sẽ sớm được gặp lại.
Một giờ sau, họ lại gặp nhau trong tòa nhà của ủy ban quận, trước cửa chi cục thuế vì cả hai đều phải đến ký những giấy tờ gì đó và nộp thuế cho khoản thừa kế mới phát sinh. Chính vì việc đó mà họ đến Nis. Sau cuộc gặp chớp nhoáng ấy, hai người đều cho rằng số phận đã can thiệp vào cuộc sống của họ. Ý nghĩ đó bắt anh phải đưa ra lời đề nghị muốn được gặp lại chị sau khi họ đã hoàn tất các thủtục mang tính xã giao, chị đồng ý ngay không chút do dự.
Vậy là, bốn mươi lăm phút sau, cả hai cùng ngồi trong nhà hàng ở khách sạn trung tâm thành phố, nhấp nháp cà phê, còn sau đó một tiếng rưỡi, họ nằm trên giường trong căn phòng số 113 cũng của khách sạn đó.
Nửa năm sau, họ có mặt ở phòng đăng ký kết hôn tại ủy ban quận Rakovitsa, thành phố Beograd. Cùng đi với họ còn có hai người làm chứng; không có đại diện các bên thông gia vì không có đám cưới. Cũng trong ngày hôm ấy, trời có mây thay đổi, nhưng đến tận chiều tối vẫn không mưa.
Bảy năm sau họ lại có mặt trong tòa nhà ấy để ly hôn. Nguyên cớ là do sự ghen tuông của người chồng, còn người vợ thì chỉ ra sự nhàm chán trong cuộc hôn nhân của họ, đưa ra những bằng chứng về sự khinh thường đối với chị qua cách xử sự khôn khéo của người chồng đối với bà con hai họ. Sau đó, cặp vợ chồng lớn tuổi ấy còn cười đến chảy cả nước mắt, thế mà trong bảy năm chung sống, họ đã không cố gắng để làm cho cuộc hôn nhân của mình trở nên hạnh phúc và vui vẻ hơn. Dĩ nhiên là người chồng không đồng ý về nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ cuộc hôn nhân, nhưng không phản đối việc ly hôn. Thậm chí khi làm xong các thủ tục, anh còn rất lịch thiệp chia tay với người mà mới đây còn là bạn đời của mình.
Họ không tranh chấp về tài sản, con cái thì chưa sinh. Những người có dịp nhòm ngó vào cuộc sống vợ chồng của họ - số này rất ít - đều phải thừa nhận, người chồng có mối quan hệ rất tốt với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không để họ tiếp xúc gần gũi với vợ, còn sự ghen tuông của mình thì giấu kín đến mức phải mất sáu năm người vợ mới phát hiện ra, và phải mất thêm một năm nữa mới quyết định ly hôn. Trong khi đó, bạn bè của vợ, về nghề nghiệp và sở thích lại rất khác với người chồng vốn là kế toán trong nhà xuất bản, còn người vợ là y tá.
Về những gì liên quan đến cuộc hôn nhân của họ, thì cũng cần phải nói thêm là vào cái ngày cuộc hôn nhân ấy chấm dứt, trời có mây thay đổi và đến chiều thì đổ một cơn mưa.
Người đàn ông đó, vào năm diễn ra cuộc ly hôn, đã trở về thành phố lớn ở miền Nam đất nước. Bảy năm trôi qua kể từ mùa xuân năm ấy, khi anh tình cờ làm quen với người bạn đời của mình trong một chuyến đi. Sau bảy năm, anh hầu như không thay đổi gì cả. Trang phục vẫn thế, chỉ có áo sơ mi kẻ ô là hơi khác một chút. Anh vẫn xách chiếc cặp màu đen ấy, còn trong cặp vẫn là tập tài liệu, tờ báo và chiếc ô xếp ấy vì anh không làm mất mà còn mang đi sửa ngay khi nó hỏng. Vào ngày thứ sáu, anh lại mua vé chuyến xe buýt tám giờ sáng. Lý do anh đến thành phố lớn nhất ở miền Nam cũng tương tự như bảy năm trước, tức là để nộp thuế bất động sản mà anh được thừa kế ở quê.
Lần này, số ghế của anh là 17 và cho đến cuối chặng đường, không có ai ngồi cạnh anh cả. Và cũng trong lần này, anh không lấy tờ báo trong cặp ra đọc mà chỉ ngồi ngắm nhìn phong cảnh qua cửa kính xe. Tuy nhiên, anh không thể nhớ lại chuyến đi năm xưa khi anh làm quen với người vợ cũ của mình. Giờ đây, anh ngồi vào đúng cái chỗ trước kia cô ấy đã ngồi, còn bây giờ bỏ trống, và anh dễ dàng nhớ lại những chi tiết trong lần làm quen với người phụ nữ ngồi cạnh anh khi ấy. Sự xuất hiện của cô ngay trước lúc xe khởi hành, mái tóc đen, đôi chân lấp ló dưới túi xách, việc làm quen và cuộc trò chuyện với cô… Tất cả những điều đó, cùng với sự xuất hiện bất ngờ của cô ở phòng công chứng, rồi cả hai cùng nghỉ trong một khách sạn. Những giây phút yêu đương trong phòng khách sạn là điều huyền diệu nhất mà anh chưa bao giờ nếm trải và cũng chưa nghe ai nói, kể cả trước và sau đó. Vừa nhớ lại tất cả những gì diễn ra khi đến thành phố Nis, rồi vào ủy ban, và ở bất cứ đâu thì trong đầu anh lúc nào cũng ngân lên một giai điệu: “Dẫu sao thì đó cũng là tình yêu…”.
Lần này, sau khi đến thành phố khoảng một giờ, anh vào ban và nhanh chóng giải quyết xong tất cả mọi công việc cần thiết, rồi anh ghé vào chính cái quán bar ấy uống cà phê, và dù không có nhu cầu, cũng không cảm thấy mệt mỏi nhưng anh vẫn thuê phòng khách sạn trong vài giờ. Thật ra, đó không phải là căn phòng bảy năm trước anh đã ở, tức là phòng 113 mà là một phòng khác cùng tầng. Sau khi trả tiền phòng, anh nằm lên giường, vẫn để nguyên quần áo, giày dép và thiếp đi ngay.
Lần này anh không ghé vào làng và đến chiều anh mới vào thành phố Beograd.
Và lần này, lúc đi xe anh không lấy tờ báo ở trong cặp ra, còn trong đầu cũng chẳng có ý nghĩ gì cả, chỉ thờ ơ nhìn ra ô cửa sổ dù lúc ấy trời đã tối. Và chỉ đến khi đã đi được nửa chặng đường, trí nhớ của anh mới quay trở về với chuyến đi của bảy năm trước, nhưng nó đã nhanh chóng bị xóa nhòa trong ký ức. Cứ như là chưa từng có một người phụ nữ nào, một cuộc làm quen nào và những giây phút yêu đương với cô ấy, kể cả lễ cưới và một cuộc sống chung cũng không có.
Có thể là hiện giờ ý nghĩ của anh đang bị chi phối bởi những chuyện khác, nhưng bất cứ lúc nào ký ức của anh cũng có thể trở về với chuyến đi ấy và cô gái ấy. Tuy nhiên, càng ngày càng ít có hy vọng về điều đó, vì giờ đây khi vòng tròn đã khép kín thì anh lại càng nghi ngờ về những gì mô tả trong câu chuyện này đã từng diễn ra ở đâu đó.
ĐÀO MINH HIỆP dịch