Nắng đã mấy tháng rồi, tới tháng năm nắng càng gắt gỏng, thấy bụi duối chỗ bến sông, tôi chợt nhớ câu: “Trời mưa duối nở” (dân gian). Chắc vì nắng quá nên thèm mưa, muốn trời mưa cho duối nở, muốn duối nở cho trời mưa; muốn trời mưa nên cứ nhớ những câu có chữ “mưa”.
Nhìn bụi duối đứng lẻ loi, trong ký ức tôi cứ mường tượng lại con đường nhiều duối đứng đợi, hồi mới về làng (sau tháng 4/1975). Duối đợi người dừng chân nghỉ nắng cho bớt mệt; đường từ nhà tôi (Xuân Mỹ - Tây Hòa) vào đến bìa rừng, duối đứng đợi nhiều nhất là đoạn đi qua thôn Lạc Chỉ.
Đặc biệt, đoạn truông từ dưới Bến Trâu cất lên đồng Cam Thanh, người đi dưới truông sâu hóm, hai bên gốc duối cao quá đầu, rễ duối chằng chịt như cố giữ cho đất không đổ xuống truông vì đổ xuống bao nhiêu sẽ cuốn trôi ra sông bấy nhiêu vào mùa mưa. Hai bên bờ đất cao phả đầu, người lớn với tay chỉ đến rễ cây, duối đứng dày như hàng rào. Ngước nhìn trên cao cành nhánh đan kín mát lạnh, không thấy mặt trời; chỉ có màu lá xanh, màu hoa trắng rồi đến màu trái vàng lấp lánh.
Duối là loài cây rất gần gũi với người dân quê tôi. Ngày xưa, những bụi duối cổ thụ, thân cây lồi lõm, u nần, tỏa bóng mát bên đường như đợi người vác cày, vác cuốc, gánh lúa, gánh củi, gánh tranh... dừng chân nghỉ mát cho ráo mồ hôi rồi đi tiếp. Bây giờ, những bụi duối già không còn nhiều vì đường mòn, ngõ truông đã nới ra thành đường nhựa, đường bê tông rộng gấp hai gấp ba đường cũ... Tuy vậy, duối vẫn còn lác đác đâu đấy ở những nơi bình yên như bờ sông, đình làng, rìa nghĩa địa... cũng đủ để người lớn nhìn mà nhớ chuyện cũ.
Hồi nhỏ, nhà tôi có bụi duối trước ngõ, cha tôi uốn cong như cầu vượt ngang qua cổng rồi được tỉa tót thành hình mái nhà. Tôi say sưa ngắm mỗi khi cả bụi phủ kín hoa trắng, nhưng thích nhất là khi duối chín vàng ươm, từng chùm long lanh sau cơn mưa. Người quê quen nói “Trời mưa duối nở” chẳng sai chút nào. Mùa xuân đôi khi cũng bắt gặp duối chín, có lúc đi tảo mộ chuẩn bị cúng xuân vào rằm tháng Giêng, ngỡ ngàng khi thấy bụi duối trái vàng lóng lánh. Nhưng duối chín rộ nhất thường vào mùa hè, sau vài ngày mưa giông. Hình như trái duối xanh có sẵn rồi, qua một đêm mưa, sáng ra thấy bụi duối trái chín vàng rực. Trái duối không to, chỉ bằng mút đũa, nhưng mọng nước long lanh nhìn xa như những giọt sương màu vàng lấp lánh dưới nắng mai.
Cây duối, gỗ không chắc nhưng cành nhánh dẻo dai, tuổi thọ rất cao. Không biết có đến ngàn năm hay không chứ vài trăm năm thì tôi chứng minh được, vì có cây duối nội tôi đã dọ bò ngồi mát, đến cha tôi và tôi bây giờ mỗi khi đi ngang qua là nhớ những ngày tuổi nhỏ. Tôi hay đưa tay sờ vào những dấu khắc nghịch ngợm đang mờ dần mà ký ức thì cứ in hằn sâu hóm, chằng chịt như cành duối.
Ngày nay, dọc bờ sông Ba và sông Bánh Lái (hai con sông chảy qua Tây Hòa) cũng còn nhiều cây duối cổ thụ, bà con giữ lại cho khỏi lở đất. Một hàng duối già tỏa bóng mát rượi. Có con bò ụ trái búa đang cạ lưng sột sẹt, một không gian tuổi thơ chăn bò, bắt dế hiện về sao mà hồn nhiên quá đỗi. Bao nhiêu chuyện ngày xưa có bóng mát cây duối cứ ùa về.
Không chỉ che mát, cây duối còn nhiều việc hữu ích khác. Tôi nhớ có lần, giữa mùa cày khô mà cái trạnh cày bị hư, không có thời gian vô rừng tìm gỗ tốt, cha tôi tạm dùng cây duối để đẽo trạnh, ông bảo: “Không chắc lắm nhưng cũng lật đất được vài mùa, được cái mềm dẻo nên dễ đẽo”. Gỗ không chắc, cành nhánh quặn quẹo không thẳng, “mộc dân dụng” gần như không dùng đến nên duối càng bình yên. Nhưng có một việc rất cần đến cành duối đó là dùng làm “bổi” để trong bò thả cá. Bò là một dụng cụ bắt cá đan bằng tre, to bằng cái bồ góc nhưng ngắn hơn và không tròn đều; bỏ cành duối vào trong bò, tạo không gian lý tưởng dụ cá vào. Cá thấy là chui vào liền huống hồ người đi nắng gặp bóng cây duối tỏa mát, không dừng chân sao được?
Ngày nay, duối được nhiều nghệ nhân chọn làm cây cảnh, đặt trước sân nhà, nhà hàng, khu du lịch...; được chăm sóc kỹ càng, hiện đại; không biết những cây ấy có dự báo nắng mưa như duối ngoài bờ sông, bên đường truông cũ hay không?!
Mùa hè mà đứng bên cây duối đang chín vàng thì chắc chắn mọi người đều vui. Vui vì “Trời mưa…”, trẻ con thì vui hơn gấp bội vì trái duối bỏ vô miệng nghe vừa phơn phớt ngọt vừa mát như giọt sương mai.
NGÔ TRỌNG CƯ