Diệt bọ gậy để phòng sốt xuất huyết

Thứ hai - 06/07/2020 08:19
Tuy số ổ dịch và số ca mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 - năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng sự bùng phát mạnh của bệnh truyền nhiễm này gần đây là rất đáng lo ngại.

Tuy số ổ dịch và số ca mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 - năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng sự bùng phát mạnh của bệnh truyền nhiễm này gần đây là rất đáng lo ngại.

 

Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Phú Yên, song song với nỗ lực phòng chống dịch bệnh của ngành chức năng, người dân cần nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh SXH và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình mình, đồng thời không làm ảnh hưởng đến cộng đồng.

 

* Bác sĩ có thể thông tin khái quát về tình hình SXH trên địa bàn tỉnh?

 

- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp tử vong do SXH. Cuối tháng 5 và trong tháng 6 vừa qua, số ca bệnh tăng đột biến. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 114 ổ dịch, giảm 5 ổ dịch so với cùng kỳ năm trước; số ca mắc là 2.458, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Những địa phương có nhiều ca bệnh là huyện Tuy An, huyện Phú Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa.

 

Tuy số ổ dịch và số ca mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 - năm chu kỳ của dịch SXH, nhưng sự bùng phát mạnh của SXH từ cuối tháng 5 và trong tháng 6 là rất đáng lo ngại.

 

Bác sĩ Biện Ngọc Tân

* Công tác phòng chống SXH đang được CDC Phú Yên thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

 

- CDC Phú Yên dốc toàn lực cho công tác phòng chống SXH. Chúng tôi đã cùng với đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra thực địa tại các địa phương có nhiều ổ dịch, nhiều ca bệnh, phản ánh tình hình với ban chỉ đạo của các địa phương và đưa ra những khuyến nghị để ban chỉ đạo có các giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. CDC Phú Yên tiếp tục phối hợp với các địa phương xử lý sớm, triệt để các ổ dịch, nhất là những ổ dịch dai dẳng, xử lý hóa chất đến lần thứ ba mà vẫn chưa dứt điểm được. CDC Phú Yên tập trung vào công tác phòng chống SXH, tăng cường nhân lực về các địa phương, phối hợp với ban chỉ đạo của các địa phương phòng chống dịch bệnh này.

 

* Theo bác sĩ, công tác phòng chống SXH đang gặp những khó khăn nào?

 

- Người dân vẫn biết tác nhân gây bệnh SXH, nguồn lây…, nhưng từ biết đến chuyển biến trong hành vi vẫn còn một khoảng cách. Trong phòng chống dịch bệnh SXH, người dân vẫn có tâm lý ỷ lại vào y tế, vào địa phương. Khó khăn nhất trong công tác phòng chống SXH là người dân không để tâm nhiều đến việc diệt các ổ bọ gậy ở các hộ gia đình, trong khi đây là mấu chốt để phòng bệnh này. Không có bọ gậy thì không có SXH. Ngay cả việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy, người dân cũng có tâm lý chờ ngành Y tế làm. Đó là khó khăn lớn nhất, cũng là nguyên nhân mà các ổ dịch đã xử lý hóa chất vẫn chưa dứt điểm được.

 

Mỗi người dân cần nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh SXH và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình mình, đồng thời không làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Đó là cố gắng làm tốt việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy, ngủ trong mùng, dùng các biện pháp xua muỗi, tránh bị muỗi đốt. Cơ bản nhất vẫn là diệt bọ gậy ở các hộ gia đình. Việc này mỗi gia đình phải làm; y tế, chính quyền không thể làm thay cho người dân suốt được.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, SXH xuất hiện theo mùa. Muỗi Aedes aegypti nhiễm bệnh và đốt người khỏe mạnh sẽ truyền virus Dengue sang người đó. Các triệu chứng thường xuất hiện là sốt cao (39-40ºC), đau đầu, đau cơ xương khớp, buồn nôn, nôn, đau hốc mắt, sưng các tuyến, phát ban… Khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh sẽ có các triệu chứng: đau bụng dữ dội, nôn kéo dài, chảy máu ở nướu hoặc mũi, có máu trong nước tiểu, phân hoặc chất nôn, chảy máu dưới da (có thể trông giống bầm tím), khó thở hoặc thở nhanh…

 

SXH có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ SXH, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp