Lợi ích từ việc tiếp nhận, làm chủ các kỹ thuật ngoại nhi

Thứ hai - 15/06/2020 06:51
Thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh (2016-2020), Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tiếp nhận nhiều kỹ thuật do Bệnh viện Nhi Đồng 2 (bệnh viện hạt nhân) chuyển giao.

Thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh (2016-2020), Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tiếp nhận nhiều kỹ thuật do Bệnh viện Nhi Đồng 2 (bệnh viện hạt nhân) chuyển giao. Riêng về ngoại liên chuyên khoa, đơn vị đã tiếp nhận các kỹ thuật phẫu thuật tổng quát nhi cơ bản, ngoại niệu, ngoại tiêu hóa, bỏng…; bệnh nhi không phải chuyển lên tuyến trên như trước.

 

TS-BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về kết quả chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại nhi.

 

* Thưa tiến sĩ, sau một thời gian đào tạo và chuyển giao nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại nhi cho Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, tiến sĩ có nhận xét gì về việc tiếp nhận các kỹ thuật đó?

 

- Lúc chúng tôi bắt đầu công việc này thì trang thiết bị chưa đầy đủ, nhân sự cũng chưa nhiều, mặc dù Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã có sự chuẩn bị trước. Lúc đó các kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại nhi ở đây thực hiện rất ít. Từng bước, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuyển giao các kỹ thuật. Anh em đồng nghiệp ở đây đều được đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, vì vậy việc chuyển giao rất thuận lợi và có hiệu quả.

 

Các đồng nghiệp ở đây đã làm hầu hết các kỹ thuật cấp cứu thường gặp trong lĩnh vực ngoại nhi như viêm ruột thừa có biến chứng hoặc không biến chứng, u nang buồng trứng, lồng ruột… và một số kỹ thuật khác cấp cứu ngoại nhi thường gặp, không cần phải chuyển bệnh nhân vô Bệnh viện Nhi Đồng 2 hoặc chuyển đến các bệnh viện khác nữa.

 

Ngoài ra, đối với những bệnh lý/dị tật bẩm sinh như bệnh lý ống bẹn, tinh hoàn ẩn, hẹp bao quy đầu, các u bướu nhỏ…, các đồng nghiệp ở đây đã giải quyết được hết. Đợt này, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuyển giao kỹ thuật phức tạp hơn, như phẫu thuật những ca kén giáp lưỡi, lỗ tiểu thấp thể phức tạp... Đó là những ca phẫu thuật khó, cần độ tinh tế cao hơn.

 

Theo tôi, việc chuyển giao kỹ thuật rất hiệu quả. Đồng nghiệp ở đây đã làm hầu hết các kỹ thuật thường gặp trong lĩnh vực ngoại nhi. Còn các kỹ thuật khó thì chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao trong những đợt tiếp theo.

 

* Quá trình chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại nhi có những khó khăn nào, thưa tiến sĩ?

 

- Các bệnh viện tuyến tỉnh mới bắt đầu xây dựng đội ngũ ngoại nhi, một số thiết bị như máy thở, dụng cụ mổ, bàn mổ… và vật tư tiêu hao - như các loại chỉ khâu - không phù hợp trong giai đoạn đầu. Chúng tôi bàn bạc với các đồng nghiệp ở đây và đề xuất lên lãnh đạo bệnh viện, sau đó đã có sự thay đổi để cho tốt hơn. Tới thời điểm này, thiết bị tương đối đầy đủ, vật tư tiêu hao phù hợp với các kỹ thuật ngoại nhi.

 

Riêng về nhân sự thì chưa đầy đủ lắm, đặc biệt là nhân sự hạt nhân. Đó là tình trạng chung.

 

* Thưa tiến sĩ, việc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tiếp nhận và làm chủ các kỹ thuật ngoại nhi, từ cấp cứu cho đến điều trị các bệnh lý/dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em có ý nghĩa như thế nào?

 

- Việc này rất có ý nghĩa. Quãng đường đi từ Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh rất dài, mất rất nhiều thời gian. Đối với những ca bệnh cấp cứu mà không ảnh hưởng đến sự sinh tồn của bệnh nhân thì ít khó khăn hơn. Còn những ca bệnh cấp cứu mà ảnh hưởng đến sinh tồn - đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ - cần phải hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn thì việc vận chuyển bệnh nhân đi một quãng đường xa là rất khó khăn và không an toàn. Tại Phú Yên, bệnh viện làm được các kỹ thuật cấp cứu thì rất có ý nghĩa cho sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Đối với các bệnh lý/dị tật bẩm sinh, việc điều trị tại địa phương sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người nhà. Ví dụ như bệnh lý ống bẹn, nếu đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên thì sẽ rất đơn giản: Được thăm khám, hẹn lịch mổ, nhà gần thì về nhà. Còn vào TP Hồ Chí Minh thì bệnh nhân rất đông, nhiều khi chờ cả buổi mới được thăm khám, xếp lịch mổ - vì bệnh nhân cần mổ rất đông; phải về Phú Yên rồi hôm khác lại vào. Vậy thì chi phí rất nhiều và tốn nhiều công sức của người nhà. Nếu trẻ đã đi học thì sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ.

 

Hầu hết những dị tật bẩm sinh và cấp cứu thường gặp trong lĩnh vực ngoại nhi, các đồng nghiệp ở Phú Yên đã làm tương đối tốt. Những phẫu thuật lớn hơn, ví dụ như phẫu thuật điều trị bệnh lý thoát vị hoành ở trẻ sơ sinh, đoàn sẽ chuyển giao trong thời gian tới. Còn các dị tật bẩm sinh ít gặp như nang ống mật chủ, bệnh hirschsprung, dị dạng hậu môn trực tràng… đòi hỏi những kỹ thuật khó trong chẩn đoán và điều trị, đoàn sẽ chuyển giao nếu như tiếp tục thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ! 

 

Đến thời điểm này, đơn vị đã lĩnh hội kiến thức và làm chủ các kỹ thuật do Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuyển giao, trong đó có các kỹ thuật điều trị tinh hoàn lạc chỗ, lỗ tiểu thấp, bệnh về hậu môn trực tràng…; bệnh nhi không phải chuyển lên tuyến trên như trước.

 

BSCKII Hồ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp