Chiều 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 19/12, thế giới đã ghi nhận trên 657 triệu ca mắc và hơn 6,6 triệu ca tử vong do COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao.
Tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến ngày 19/12, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh và hơn 43.100 ca tử vong.
Trong 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 12.008 ca mắc mới, giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó, trong đó có 11 ca tử vong, tăng 2 ca.
Về tiến độ tiêm chủng, tính đến hết ngày 18/12, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 265 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.
Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 80,0% và 86,8%; tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 68,5%; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,3% và 72,0%.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, đến nay Trung ương và các địa phương đã chi 87 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân và gần 1 triệu lượt người sử dụng sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đến 30/11, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết và chi trả hỗ trợ trên 5,2 triệu lượt người lao động, 122.991 lượt người sử dụng lao động với kinh phí 3.740,8 tỉ đồng.
Thực hiện các giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thuốc, vật tư, trang thiết bị và dịch chuyển cán bộ y tế, đến nay, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, trình sửa đổi, bổ sung các các Luật, Nghị định; ban hành Thông tư để giải quyết vấn đề về thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ phụ cấp cán bộ y tế, nhằm phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo rà soát những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong công tác tiêm chủng; rà soát việc khắc phục hạn chế yếu kém liên quan đến cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhân lực y tế.
Các đại biểu cho rằng hạn chế lớn nhất hiện nay là tỉ lệ tiêm vắc xin phòng, chống dịch chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn chủ quan, lơ là khi dịch bệnh được kiểm soát tốt...
Ban Chỉ đạo dự báo, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm...
Do đó, cần tiếp tục có các biện pháp để phòng, chống dịch; đồng thời chăm lo công tác an sinh xã hội, nhất là dịp Tết để mọi người dân đều được đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kết luận phiên họp, ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành và phân tích tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và đạt được những thành tựu cơ bản. Tuy nhiên, không được lơ là, mất cảnh giác vì có những người tiêm vắc xin rồi vẫn có thể mắc COVID-19; mắc COVID-19 rồi vẫn có thể mắc lại, thậm chí mắc dịch đến lần thứ 3. Trong khi đó, các biến thể của virus có thể thích nghi với vắc xin.
Do đó, phải tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức: 2K+vắc xin+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác, nhất là trước việc tập trung đông người trong dịp lễ Noel, tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2023.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới COVID-19; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, tăng cường phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ..., tuyệt đối không để dịch chồng dịch; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, các bộ liên quan, UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán.
“Tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh:TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; tổ chức hỗ trợ địa phương xử lý các tình huống khi được yêu cầu.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, xây dựng Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 năm 2023, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và đặc biệt là duy trì vững chắc hiệu lực bảo vệ của vắc xin, báo cáo Ban Chỉ đạo tại Phiên họp 20.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Bộ Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt việc tiêm vắc xin cho học sinh, nhất là từ 5-12 tuổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ.
Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm cho trẻ 5-12 tuổi thấp như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Trị... rà soát, kiểm tra, xử lý việc tiêm chậm cho đối tượng học sinh 5-12 tuổi.
"Các bộ, ngành, địa phương phải giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này. Nếu để dịch bùng phát trở lại, phải chịu trách nhiệm trước quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19.
Thủ tướng giao các bộ, cơ quan hoàn thiện các báo cáo, sơ kết, đánh giá về công tác phòng, chống dịch và các vấn đề liên quan vừa để hoàn thiện công tác phòng, chống dịch và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về bảo đảm thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có Nghị quyết 144 và đã có nhiều chỉ đạo về việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật từ tháng 6/2022. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan chưa hoàn thành việc sửa các nghị định, thông tư.
Do đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế lưu ý thực hiện nghiêm, kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm thuốc, nhất là rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp trong chính các Thông tư của Bộ, xong trước ngày 31/12/2022; dứt khoát, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và đảm bảo ổn định nhân lực y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
“Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, phát hiện những vướng mắc; chủ động xử lý, khắc phục các vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm”, Thủ tướng chỉ rõ.
Theo TTXVN/Vietnam+