Hòn Yến ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An được Bộ VH-TT-DL công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2018. Đây là một quần thể gồm các đảo, gành đá và san hô có hình dáng đẹp, có giá trị trong việc phát triển du lịch.
Thời gian gần đây, quần thể san hô ở Hòn Yến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm; một số tổ chức chọn nơi này để tổ chức sự kiện, trò chơi. Điều này đã làm ảnh hưởng đến các rạn san hô.
Mỗi tháng, theo thủy triều xuống vài lần, các rạn san hô ở khu vực Hòn Yến lộ diện trên mặt nước, với nhiều màu sắc. Thích thú trước cảnh đẹp này, nhiều người lội ra biển để xem và chụp ảnh, quay phim đã làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường, thậm chí khiến san hô bị gãy, ngắt ra nhiều mảnh. Đơn cử như chương trình Cuộc đua kỳ thú tập 6 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức có nội dung thử thách lặn biển của các thí sinh, phát sóng tối 10/8 vừa qua đã gây tranh cãi, khi ê kíp thực hiện chương trình này đặt những tấm bê tông lên rạn san hô. Khi chương trình này phát sóng, nhiều người chỉ trích gay gắt về thử thách mà chương trình đặt ra. Họ cho rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho con người nhiều thứ, nhưng nhận lại toàn sự phá hoại, trong đó có hành vi phá hủy rạn san hô. Những người tổ chức có nghĩ đến hậu quả việc mình làm không?
Sau sự cố này, ban tổ chức Cuộc đua kỳ thú đã đưa ra lời giải thích và xin lỗi đến khán giả vì hành động đặt tấm bê tông lên rạn san hô.
Theo các chuyên gia, thời gian để hình thành một rạn san hô kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. San hô là nơi trú ngụ cung cấp thức ăn, môi trường sống của nhiều loài cá; đem lại giá trị kinh tế cao, là tài nguyên của con người. Nếu bị dẫm đạp, nứt gãy thì rất lâu mới phục hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển.
Sở TN-MT Phú Yên cho biết, các vùng biển gần tỉnh hiện có khoảng 180 loài san hô. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vừa khảo sát sơ bộ những rạn san hô tại khu vực Lao Mái Nhà, Hòn Yến (huyện Tuy An) và Hòn Nưa (huyện Đông Hòa). Theo báo cáo, các rạn san hô này tương đối đa dạng và đẹp, có giá trị trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, chúng đã và đang bị hủy hoại do nhiều yếu tố, cả tự nhiên lẫn con người. Trong đó, các rạn san hô tại khu vực Hòn Yến đang ở trong tình trạng bị tác động nghiêm trọng nhất.
Được biết, UBND tỉnh vừa chỉ đạo UBND huyện Tuy An sớm nghiên cứu cơ chế thành lập tổ cộng đồng hay ban quản lý và xây dựng mức thu phí tham quan theo quy định để quản lý khu Danh lam thắng cảnh Quần thể Hòn Yến tốt hơn, trong đó mục đích chính là bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô. Theo đó, UBND huyện Tuy An tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân địa phương, du khách tham quan hiểu rõ tầm quan trọng đa dạng sinh học, giá trị văn hóa di tích danh lam thắng cảnh Quần thể Hòn Yến; cấm thu nhặt san hô, đánh bắt các loại thủy hải sản...
trong khu vực Quần thể Hòn Yến; bố trí các thùng đựng rác thải sinh hoạt tại các vị trí thuận lợi để người dân và du khách dễ nhìn thấy, bỏ rác. Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức xác định, phân khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực nghiêm cấm du khách tham quan, các hoạt động tàu thuyền đi lại trong khu vực có rạn san hô; di dời các lồng bè nuôi thủy sản không theo quy hoạch ra khỏi quần thể này. Sở TN-MT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp bảo vệ rạn san hô trước mắt và lâu dài; xác định, phân khu bảo vệ loài san hô hoặc khu bảo tồn sinh thái cảnh quan Quần thể Hòn Yến...
Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, hy vọng rằng những rạn san hô ở khu vực Danh làm thắng cảnh quốc gia Quần thể Hòn Yến sẽ được bảo tồn, trở thành điểm du lịch, dã ngoại lý tưởng của du khách, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
LÊ VĂN HÙNG (TP Tuy Hòa)