Trong đêm giã bạn của Ngày hội Tôi yêu Tổ quốc tôi do Đoàn Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức, các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của các trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cao đẳng Y tế Phú Yên, phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các khối trực thuộc đã tụ hội về sân trường PTDTNT tỉnh để cùng hòa nhịp vào âm vang cồng chiêng.
Những chàng trai, cô gái trong màu áo xanh tình nguyện, xen lẫn những bộ xà rông kết vòng tròn nhảy múa rộn ràng theo điệu a ráp hòa trong khúc biến tấu của cồng chiêng. Những âm thanh hòa quyện nhau khi tươi vui, rộn ràng; khi thì rất đỗi da diết, nhẹ nhàng như muốn níu chân người... Nhịp cồng chiêng, a ráp cứ ngân vang, ngân vang mãi theo gió.
Âm thanh đại ngàn
Kpá Y Tram (lớp 11B), Đội trưởng Đội cồng chiêng của Trường PTDTNT tỉnh, tự hào khoe: “Đội cồng chiêng của trường có 17 thành viên. Các thành viên hầu hết đã được tiếp xúc với cồng chiêng ở buôn làng. Qua vòng tuyển chọn, các thành viên được tập luyện và tham gia biểu diễn vào các dịp như: khai giảng năm học mới, các ngày lễ lớn trong năm, lễ hội của trường, sinh hoạt Đoàn Thanh niên, tổng kết năm học...”.
Em Kpắ Y Kiệt, một thành viên đội cồng chiêng, chia sẻ: Từ nhỏ, em đã rất thích âm thanh của cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng vang lên như tiếng vọng âm vang của đại ngàn khiến người nghe như lạc vào không gian của núi rừng... Đặc biệt, cồng chiêng là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Ê Đê.
Trong tất cả các lễ hội của buôn làng từ lễ mừng nhà mới, các ngày lễ Tết khác trong năm, cho đến các nghi lễ vòng đời trong mỗi gia đình như lễ trưởng thành, đám ma... đều phải có tiếng cồng chiêng. “Cồng chiêng là bản sắc của dân tộc em, là tài sản vô giá cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy nên em cũng như những bạn nam trong trường đều ra sức học hỏi và luyện tập để các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc không bị mai một”, Kpắ Y Kiệt nói.
Cùng với cồng chiêng, nhảy a ráp (hay còn gọi là múa xoang) là một phần không thể thiếu trong đêm hội của người đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên. Tiếng cồng chiêng ngân lên cũng là lúc những cô gái bắt đầu những điệu nhảy a ráp nhịp nhàng, uyển chuyển.
Em Hờ Đình (lớp 12A), Đội trưởng Đội a ráp Trường PTDTNT tỉnh, kể: “Em cũng giống như các thành viên trong đội đều được người lớn trong buôn làng chỉ dạy. Rồi theo học tại ngôi trường PTDTNT tỉnh, mọi người bảo nhau cùng gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Rồi cứ thế, các thành viên trong đội a ráp luôn nỗ lực để giữ gìn điệu nhảy truyền thống của dân tộc”.
Theo em Hờ Đình, a ráp là điệu nhảy thể hiện sự đoàn kết hiện hữu trong tâm hồn người đồng bào vốn yêu thiên nhiên, quê hương, yêu lao động... Vì vậy, nhảy a ráp đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chân và tay. Đặc biệt, người nhảy thông thường sẽ di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng, trong khi tay kết hợp mô phỏng các động tác lao động sản xuất hàng ngày như: dệt vải, làm rẫy, giặt giũ...
Tùy theo giai điệu chiêng khác nhau mà điệu nhảy cũng có cách thể hiện khác nhau, ví dụ giai điệu chiêng thong thả, nhịp nhàng, khoan thai thì điệu nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển, còn giai điệu chiêng dồn dập, rộn ràng thì điệu nhảy nhanh hơn, vui hơn...
Lan tỏa ý thức giữ gìn
Âm thanh vang vọng của tiếng cồng chiêng quen thuộc được cất lên giữa lòng TP Tuy Hòa mang đến cho tất cả học sinh Trường PTDTNT tỉnh một cảm xúc vừa quen thuộc, vừa mới lạ. Còn với nhiều người, lần đầu tiên được hòa mình trong đêm hội cồng chiêng, quả thật là một cảm giác lâng lâng khó tả.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, đoàn viên Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: “Đến với đêm hội cồng chiêng, quanh bếp lửa bập bùng, bên những điệu nhảy a ráp nhịp nhàng hòa quyện trong tiếng nói cười rộn rã, tôi rất vui! Hơn hết, tôi còn biết thêm về văn hóa cồng chiêng độc đáo của người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh qua các em học sinh Trường PTDTNT tỉnh”.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa truyền khẩu và kiệt tác phi vật thể của nhân loại (ngày 25/11/2005). Sự kiện này đã khẳng định giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, là niềm vui, niềm tự hào không những của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà còn là của nhân dân cả nước.
“Tuy nhiên, sự du nhập ồ ạt của nhiều thể loại âm nhạc hiện đại khiến không ít người lo lắng về hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng, về sự mai một, về nguy cơ biến dạng văn hóa cồng chiêng. Chính vì vậy, đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học không những góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà còn bảo tồn, phát triển, tạo sự đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa của nhân loại. Đồng thời kích thích tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện của các em học sinh”, anh Trương Pa Ven, Bí thư Đoàn Trường PTDTNT tỉnh nói.
Đêm hội cồng chiêng là một trong những hoạt động nằm trong Ngày hội Tôi yêu Tổ quốc tôi. Đây là cơ hội để ĐVTN có dịp được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi. Đồng thời giúp ĐVTN hiểu biết hơn về những giá trị văn hóa độc đáo của người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ.
Bí thư Đoàn Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Ngọc Trí |
THIÊN LÝ