Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa truyền khẩu và là kiệt tác phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005. Đây là niềm vui, niềm tự hào của các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên và Nhân dân cả nước nói chung, đồng bào các DTTS ở 3 huyện miền núi Phú Yên nói riêng. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập và mở cửa, giao thoa văn hóa, không ít người lo lắng về tình trạng chảy máu cồng chiêng, sự mai một và nguy cơ biến dạng của di sản văn hóa này. Chính vì vậy, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng (DSVHCC) là vấn đề được đặt ra.
Kỳ 1: Ngôn ngữ của buôn làng
Núi liền núi, sông liền sông với Tây Nguyên nên đồng bào DTTS 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên không thể tách rời với không gian văn hóa cồng chiêng. Với họ, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng trong đời sống sinh hoạt văn hóa.
Cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Ê Đê, Ba Na, Chăm Phú Yên. Loại nhạc cụ này tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống của người đồng bào DTTS từ khi sinh ra cho đến khi về với đất trời. Họ dùng cồng chiêng trong nhiều nghi lễ, công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc, buôn làng. Họ xem tiếng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời đất, thánh thần, tổ tiên, giữa người với người, cầu mong cho nhân khang, vật thịnh...
Sợi dây linh thiêng nối con người với thần linh
...Hôm nay, gia đình chúng tôi cúng sức khỏe cho con trai. Lễ vật gồm một con heo đực cùng ba ché rượu đã sẵn sàng cúng thần. Thịt heo chia phần cho tất cả, rượu nồng hay nhạt xin hãy cùng uống. Cầu cho mọi điều tốt, điều hay!
Ơ,... Yang (thần linh)!
Vừa khấn xong, thầy cúng đổ từng chén nước vào lần lượt ba ché rượu. Tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên dồn dập. Thầy cúng múc rượu trong nồi đồng mời người được cúng, rồi đến gia đình và dòng họ. Khi đã uống hết rượu trong nồi, thầy cúng đeo ba chiếc cong (vòng) đồng vào tay người được cúng. Sau đó, gia đình và dòng họ mời bà con buôn làng ăn tiệc chung vui cùng gia đình. Nghi lễ cúng sức khỏe kết thúc trong âm hưởng của cồng chiêng.
Theo già Y Típ ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời. “Cồng chiêng là âm thanh không thể thiếu trong lễ cúng, đặc biệt là lễ cúng mừng sức khỏe - một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Ê Đê chúng tôi. Qua đó tỏ lòng thành kính tới các đấng thần linh và cầu xin các thần linh che chở phù hộ cho con cháu, buôn làng...”, già Y Típ giải thích.
Giới thiệu về cồng chiêng, nghệ nhân ma Vân (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) cho biết: Tiêu biểu phải kể đến cồng ba, chiêng năm. Cồng ba gồm 3 chiếc, với các tên gọi: Mong (chiếc nhỏ nhất), Môn (chiếc trung bình) và Anưa (chiếc lớn nhất). Cồng ba được đánh khi buôn làng có người qua đời và phục vụ trong tang lễ. Còn chiêng năm, gồm có 5 chiếc với các tên gọi lần lượt là: Tươn, Điên, Pochê, Napơrơn và Nasat. Chiêng năm chỉ đem ra dùng khi mừng tuổi con trai, con gái trưởng thành, mừng đám cưới, mừng nhà mới và các lễ cúng quan trọng như: cúng bến nước, rước hồn lúa, đâm trâu - xoay cột...
Ma Vân giải thích: “Cồng ba được đánh lên khi buôn làng có người chết, phục vụ trong tang lễ và những chuyện không vui ở làng buôn. Bởi trong tâm linh, người Ê Đê quan niệm rằng, khi gõ lên âm thanh tiếng cồng bay cao lên trời, len lỏi trong rừng sâu, vách núi cao là để yàng (trời) và các đấng thần linh thấu hiểu, cùng chia sẻ những điều không may mắn với buôn làng. Đồng thời cầu mong bề trên độ trì cho họ có một đôi chân mạnh mẽ, có một đôi vai vững chãi để họ vượt qua những mất mát, thương đau”.
Tiếng cồng chiêng rộn rã trong ánh lửa bập bùng của Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Suối Trai lần thứ I - 2022. Ảnh: THIÊN LÝ |
Âm thanh đại ngàn
Đêm buông xuống, ngọn lửa hội trại nổi lên, cũng là lúc các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi từ khắp các thôn, buôn hòa mình vào những giai điệu rộn ràng bên ánh lửa bập bùng trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) lần thứ I - năm 2022. Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, các cô gái Ê Đê xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống đầy sắc màu nhịp nhàng và uyển chuyển theo từng nhịp bước, khiến bao người ngất ngây trong men rượu cần.
Phiêu theo điệu nhạc được phát ra từ bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình, anh Rơ Chăm Y Lía, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thống Nhất, xã Suối Trai chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được nghe cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng đã thấm vào người tôi lúc nào không hay. Giai điệu chiêng thong thả, nhịp nhàng mà khoan thai với nhịp cồng rộn ràng, sôi nổi tạo nên nền nhạc lúc trầm, lúc bổng làm say đắm lòng người. Cồng chiêng là linh hồn của dân tộc nên dù bận rộn tôi và nhiều thanh niên trong xã vẫn có mặt trong ngày hội này”.
Không chỉ xã Suối Trai, hằng năm cứ vào độ trung tuần tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch, xã Krông Pa và xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) đều tổ chức liên hoan cồng chiêng và múa xoan, thu hút nhiều trai tráng, thiếu nữ tham gia. Những cuộc so tài của tuổi trẻ nơi đây luôn đầy ắp những âm thanh đại ngàn lay động lòng người, khi bổng khi trầm, khi nhẹ nhàng, lúc vút cao... Tiếng cồng, tiếng chiêng của các chàng trai Ê Đê vang xa đến tận các chân núi, triền đồi, càng nghe càng cảm nhận sự thánh thót và ngọt ngào, sâu lắng của từng giai điệu.
Anh Rơ Chăm Y Thiêu ở thôn Ma Lúa, xã Cà Lúi, thổ lộ: “Tôi chỉ nghe những người lớn tuổi đánh cồng chiêng rồi bắt chước đánh theo. Tôi mong muốn mang đến liên hoan kỹ năng trình diễn cồng chiêng của mình, góp phần làm cho không khí ngày hội thêm sắc màu, phản ánh chân thực đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS”.
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa cho biết: “Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của đồng bào DTTS nơi đây. Đặc biệt là tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang vào dịp lễ hội, nó đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân, in đậm trong tư tưởng, tình cảm, được các thế hệ gìn giữ, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS”.
Kỳ 2: Những người gìn giữ âm thanh của đại ngàn
THIÊN LÝ - THÙY THẢO