Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng (kỳ cuối)

Thứ năm - 03/11/2022 02:42
Những mặt trái của xã hội đang tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi, trong đó có việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng (DSVHCC).
Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng (kỳ cuối)

Kỳ cuối: Nhiều thách thức

 

Những mặt trái của xã hội đang tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi, trong đó có việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng (DSVHCC). Việc nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân đối với việc bảo tồn các giá trị DSVHCC là vấn đề cấp thiết và nhiều thách thức.

 

Nguy cơ mai một

 

32 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh với những phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt riêng đã tạo nên một bức tranh đa dạng và giàu bản sắc văn hóa. Qua 10 năm thực hiện Quyết định 1270 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHCC đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, DSVHCC vẫn đang đứng trước một số khó khăn, thách thức, cũng như đối mặt với nhiều nguy cơ bị mai một. Khó khăn nhất là nhiều người trẻ đồng bào DTTS không muốn học nghề của ông bà tổ xưa; nhiều nghệ nhân già yếu và mất, không có người truyền dạy; chưa có cơ chế chính sách cụ thể về ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát triển các giá trị di sản văn hóa truyền thống; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng DTTS còn thiếu, trình độ không đồng đều, nhiều nơi còn yếu, không đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình mới...

 

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, trong đó có VHCC gắn với phát triển du lịch là một trong những mục tiêu được đưa vào trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. 

Đồng chí Phạm Đại Dương,

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

 

GS Phan Đăng Nhật, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từng đánh giá: Phú Yên là xứ sở của những miền di sản văn hóa có giá trị cao. Đây là tiềm năng, vốn quý, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, so với sự phát triển chung thì mức hưởng thụ về đời sống văn hóa và tinh thần của đồng bào DTTS vẫn còn thấp, đặc biệt là DSVHCC đang có nguy cơ mai một.

 

Chung tay bảo vệ di sản

 

Ông Sô Đa, Bí thư Đảng ủy xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa cho biết: Là xã giáp ranh với Tây Nguyên, thời gian qua chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, tổ chức ngày hội VH-TT các dân tộc xã Suối Trai - ngày hội cồng chiêng. Qua đó giúp người dân nhận thức một cách sâu sắc về giá trị, trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy DSVHCC tại cộng đồng; từng bước xây dựng làng văn hóa mang bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, giới thiệu tiềm năng du lịch của xã Suối Trai.

 

Ngoài ra, huyện Sơn Hòa còn lựa chọn thôn Xây Dựng (xã Suối Trai) để xây dựng thí điểm làng văn hóa truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức liên hoan cồng chiêng ở xã Krông Pa, Cà Lúi để cùng với cộng đồng phát huy giá trị DSVHCC. Đồng thời liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức tour du lịch cộng đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp, nghệ nhân tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá DSVHCC.

 

Không chỉ huyện Sơn Hòa, Sông Hinh mà cả Đồng Xuân cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn và bảo tồn âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS, điển hình là lễ hội trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở xã Xuân Lãnh vào đầu xuân hằng năm.

 

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trương Văn Phương đề nghị: Tỉnh và các địa phương miền núi cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ đối với nghệ nhân để họ cống hiến, giữ gìn, bảo tồn, phát huy DSVHCC; đầu tư kinh phí nâng cao trình độ quản lý đối với cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ DTTS, sưu tầm các di sản văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa. Đồng thời tiếp tục giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch; tổ chức các loại hình nghệ thuật gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...

 

Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, trong đó có VHCC gắn với phát triển du lịch là một trong những mục tiêu được đưa vào Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Chính vì vậy cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đảm bảo nhất quán từ tỉnh đến cơ sở về mục tiêu, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh; huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển du lịch; tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch; lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế; khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa, khu di tích, điểm du lịch gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian. Qua đó giúp các nghệ nhân có đất diễn, hoạt động bảo tồn và phát huy sẽ được diễn ra liên tục.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐÀO MỸ: Nỗ lực bảo tồn tinh hoa văn hóa cồng chiêng 

 

VHCC ở các nơi nói chung, Phú Yên nói riêng đang đứng trước khó khăn, thách thức, phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Thực trạng trên đặt ra vấn đề cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, kiên quyết nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển VHCC của tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Phú Yên.

 

Thời gian tới, tỉnh sẽ từng bước khôi phục không gian VHCC trong đời sống cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá giá trị DSVHCC đến với bạn bè trong nước và quốc tế; bảo tồn và phát huy có hiệu quả DSVHCC trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI). Đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn của chính đồng bào; phát huy vai trò chủ thể trong việc gìn giữ, bảo vệ DSVHCC. Bởi khi đồng bào thấy tự thân cần phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thì mới thực sự đem lại hiệu quả.

 

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL NGUYỄN NGỌC THÁI: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực 

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị DSVHCC của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá DSVHCC trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm kê, sưu tầm, phục hồi, truyền dạy và phát huy giá trị DSVHCC của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm... trong sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt VHCC tại các thôn vùng đồng bào DTTS; xây dựng mô hình điểm du lịch thôn, buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó ngành VH-TT-DL sẽ triển khai dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Sở VH-TT-DL sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung trong dự án 6 này theo đúng Hướng dẫn 677/HD-BVHTTDL ngày 3/3/2022 của Bộ VH-TT-DL nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị DSVHCC nói riêng gắn với phát triển du lịch tỉnh nhà.

 

THIÊN LÝ - THÙY THẢO

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp