Với nhạc sĩ Quỳnh Hợp - tác giả nhiều ca khúc đầy cảm xúc về biển đảo, về người lính - Phú Yên là vùng đất thân thương và vô cùng quyến rũ. Mỗi lần trở lại Phú Yên, chị đều có món quà tinh thần dành tặng những người yêu nhạc. Món quà mới toanh của chị là hai ca khúc trữ tình Vấn vương Tuy Hòa và Đêm Tuy Hòa.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khán giả thương mến gọi Quỳnh Hợp là nhạc sĩ của biển đảo, của Trường Sa, nhạc sĩ của lính. Tên chị gắn liền với các ca khúc: Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến), Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa), Đảo chân mây, Tình ca trên sóng... Không những thế, chị còn là nhạc sĩ có duyên với nhiều vùng đất dọc dài đất nước, đã ra mắt nhiều album nhạc và được khán giả cả nước đón nhận.
Với những người yêu nhạc ở xứ hoa vàng cỏ xanh, nhạc sĩ Quỳnh Hợp để lại dấu ấn bằng ca khúc Em về Phú Yên (thơ Đoàn Hoài Trung) đầy náo nức, rộn ràng. Em về Phú Yên là một trong 10 ca khúc nằm trong album ca nhạc cùng tên, ra mắt vào tháng 8/2017. 10 ca khúc trong album này được thực hiện trên những chất liệu âm nhạc khác nhau, phác họa vẻ đẹp của vùng đất, con người Phú Yên, trong đó có Sông Cầu quê anh Sông Cầu quê em (thơ Đoàn Hoài Trung) và đặc biệt là bài Về cổ tháp (phỏng thơ Lê Văn Hiếu) với chất liệu Chăm huyền hoặc. Bài hát này đã đoạt giải 3 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp dành nhiều tình cảm cho vùng đất yêu thi ca, có hội thơ Nguyên tiêu nổi tiếng. Theo cảm nhận của chị, Đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn là đêm thơ đẹp nhất, thơ nhất trong cả nước.
Mới đây, trong thời gian dự trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cùng các đồng nghiệp đến Phú Yên thâm nhập thực tế sáng tác. Rất nhanh sau đó, ca khúc Vấn vương Tuy Hòa - phỏng thơ Hồ Minh và ca khúc Đêm Tuy Hòa ra đời. Báo Phú Yên đã trò chuyện với nữ nhạc sĩ luôn tràn đầy năng lượng sáng tạo này.
* Thưa nhạc sĩ, bao lâu rồi chị mới trở lại Phú Yên?
- Sáu năm rồi. Đây là lần thứ tư tôi đến Phú Yên. Lần đầu tiên là vào năm 2013, tôi đến Phú Yên tham dự Hội thơ Nguyên tiêu, ấn tượng vô cùng; sau đó tôi có trở lại. Năm 2016, tôi về Phú Yên thực tế sáng tác theo lời mời của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả. Lần này trở lại, tôi cảm nhận mọi thứ dường như đã rất quen thuộc nhưng đã có nhiều đổi thay, mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc. Tôi cùng các nhạc sĩ, biên đạo múa đến một số địa điểm do Công an Phú Yên giới thiệu, thăm một số địa bàn xa xôi, hẻo lánh nên có những cảm xúc rất đặc biệt.
* Chị có thể chia sẻ đôi nét về sự ra đời của hai ca khúc Vấn vương Tuy Hòa và Đêm Tuy Hòa?
- Những ngày ở Tuy Hòa, chúng tôi được bên công an tổ chức tọa đàm, đưa đi tham quan một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Buổi tối, chúng tôi được trung tá Võ Nguyên Khang ở PX03 Phú Yên rủ đi đến những nơi mà chỉ người địa phương mới tỏ tường. Chúng tôi đi dọc bờ biển Tuy Hòa, chạy xe quanh vài ngõ phố, quán ăn đêm, dừng chân ở Nghinh Phong, uống cà phê ở Sala, ngồi hát bên trời biển…, cảm nhận Phú Yên đã thay đổi rất nhiều và đang là một điểm sáng thu hút đầu tư; quy hoạch đẹp hơn, có nhiều dự án du lịch lớn; đường ven biển đã mở rộng, nhiều resort quy mô đã và đang hoàn thiện. Tôi cảm nhận được sức sống của một thành phố trẻ, cảm nhận vẻ đẹp yên bình của Tuy Hòa, trong đó có sự đóng góp âm thầm của các chiến sĩ công an.
Khi đến Sông Hinh, chúng tôi được nghe đại tá Nguyễn Trọng Thám, Trưởng Công an huyện, kể chuyện phá án vô cùng gay cấn. Qua chuyên án đó, tôi cảm nhận được bản lĩnh, tinh thần kiên quyết; sự dũng cảm, mưu trí và xử lý tình huống vô cùng linh hoạt của các chiến sĩ công an.
Ca khúc Vấn vương Tuy Hòa. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vì có công việc tại TP Hồ Chí Minh, tôi phải rời Phú Yên sớm hơn các thành viên khác trong đoàn nên cảm thấy tiếc và vô cùng bịn rịn. Hình ảnh chiến sĩ công an Nhân dân từ những người mà tôi đã gặp, từ các chuyên án được nghe kể trong những ngày thực tế ở Phú Yên đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc.
Về đến Sài Gòn, tôi viết rất nhanh ca khúc Vấn vương Tuy Hòa phỏng từ bài thơ Chon von Tuy Hòa mà đại tá - nhà thơ Hồ Minh, nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị Công an Lâm Đồng gửi cho tôi lâu rồi. Cũng là cảm xúc xốn xang, lưu luyến khi rời Phú Yên với những danh thắng thật lạ và đẹp ngỡ ngàng. Đặc biệt, hình ảnh người chiến sĩ công an được thể hiện qua sắc áo vàng tươi, qua công việc lặng thầm, vất vả, gần gũi và vô cùng thân thiện nhưng kiên quyết, dũng cảm, mưu trí khi vào chuyên án.
Còn Đêm Tuy Hòa là ca khúc trữ tình và vô cùng tha thiết. Tôi muốn lắng nghe cái im ắng vô cùng của biển đêm để cảm nhận niềm “khát khao như triều dâng” của con người nơi đây.
* Trong số các ca khúc về Phú Yên mà chị đã sáng tác, Em về Phú Yên rất được yêu thích. Cảm xúc của chị như thế nào khi tác phẩm của mình và đại tá - nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Đoàn Hoài Trung thường xuyên vang lên trong các lễ hội, hoạt động cộng đồng tại Phú Yên?
- Hạnh phúc lớn nhất của người sáng tác là khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Nếu họ thích, họ hát và thường xuyên biểu diễn thì đấy là giá trị lớn nhất của tác phẩm và người sáng tác. Khi bài hát về một vùng đất được đón nhận và được biểu diễn thường xuyên thì sẽ là động lực khích lệ nhạc sĩ rất lớn.
Trong mấy ngày ở Tuy Hòa, sáng sớm tôi đi bộ ra Quảng trường 1 Tháng 4 tập thể dục, thấy các chị, các cô mở nhạc tập thể dục nhịp điệu, trong đó có cả bài Em về Phú Yên. Vui quá trời! Các đồng nghiệp ở Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, khi giới thiệu tôi thì nói rằng: “Đây là tác giả bài hát Em về Phú Yên”. Hạnh phúc thế chứ. Người nhạc sĩ không cần phải được biết mặt, nhớ tên nhưng khi nói đến tên bài hát, khán giả ồ lên như đã quen thì đấy là niềm hạnh phúc rất lớn!
* Xin cảm ơn chị!
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp tên đầy đủ là Nguyễn Quỳnh Hợp, từng là ca sĩ - nhạc sĩ thuộc Đoàn Nghệ thuật Bộ đội thông tin - liên lạc, sau đó là Đoàn Nghệ thuật Không quân (Hà Nội). Xuất ngũ với hàm đại úy, chị chuyển vào thành phố phương Nam sống và làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Chị từng là biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, giảng viên sáng tác âm nhạc - Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp có hơn 70 album nhạc đã phát hành, dành cho nhiều đối tượng khán giả, nhiều vùng miền. Chị cũng đã giới thiệu với công chúng 4 tập sách nhạc: Xí muội ơi, Cỏ hát, Tổ quốc - cánh sóng và Nhịp quân hành thông tin.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã đoạt nhiều giải thưởng về âm nhạc, trong đó có giải A giải thưởng 5 năm (2006-2011) của Quân chủng Hải quân với ca khúc Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa), giải B giải thưởng 5 năm của Quân chủng Hải quân với ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến); giải 3 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012 với ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển; bằng khen, giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng và nhiều giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
YÊN LAN (thực hiện)