Trong ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2022 vừa qua, các nghệ nhân huyện Sơn Hòa đã tái hiện lễ cúng bỏ mả của một gia đình người Chăm.
Lễ cúng bỏ mả của đồng bào Chăm ở Sơn Hòa mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng độc đáo và có từ lâu đời. Sau khi người mất được chôn cất, tùy điều kiện của mỗi gia đình mà người dân tổ chức lễ cúng bỏ mả vào thời điểm thích hợp. Đây là dịp để người sống tưởng nhớ lần cuối với người đã khuất. Cũng kể từ sau lễ cúng bỏ mả, người sống cắt đứt vĩnh viễn mối quan hệ với người đã chết, không phải chăm lo cơm nước hằng ngày ở nhà mồ và cũng không có đám giỗ hàng năm cho người đã khuất như đồng bào Kinh.
Phong tục, tập quán xưa
Ngày và đêm đầu tiên của lễ cúng bỏ mả, gia đình mời tất cả bà con trong buôn làng, dòng họ gần xa về dự. Thầy cúng sẽ khấn vái cho linh hồn người mất biết là hôm nay cả gia đình, dòng họ, bà con, làng xóm sẽ làm lễ cúng bỏ mả, không còn quan hệ với người đã khuất nữa. Mâm cúng gồm 1 con gà, 1 ché rượu, nhang và nến...
Mở đầu lễ cúng, thầy cúng - già Oi Kha ở thôn Ma Lưng, xã Cà Lúi hô: “Hỡi linh hồn người mất! Hôm nay cúng bỏ đất nhà mả. Xin linh hồn người hãy phù hộ, độ trì cho mọi chuyện được suôn sẻ, phù hộ cho con cháu, gia đình, dòng họ, làng xóm được hòa thuận, bình an để cùng chung vui thật trọn vẹn trong lễ bỏ mả này. Hỡi linh hồn người! Ra đi đừng mang theo người, chỉ mang theo thịt thà, đồ ăn, quần áo, vật dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy luôn phù hộ độ trì cho con cháu, gia đình, dòng họ, buôn làng sức khỏe, làm ăn phát đạt; luôn soi sáng mỗi bước đi của mọi người, để không phải vấp cái cây, cái hố, cái chông, cái sông, cái suối… và để cho cuộc sống của mọi người được bình an, tươi đẹp”.
Trong lúc cúng, những người thân cùng khóc, kể akhan, ha’ri về những việc, những kỷ niệm, những điều mà người mất đã từng làm, từng trải qua khi còn sống với gia đình, dòng họ và bà con buôn làng… Tiếp đó, dân làng khởi đánh cồng chiêng cùng nhau ca hát, nhảy múa suốt đêm trong ánh lửa bập bùng với ché rượu cần.
Ngày thứ hai, vào buổi sáng, tất cả bà con trong buôn làng, dòng họ cùng chuẩn bị một bữa cơm chia tay với người mất. Gia đình, dòng họ đem 2 con bò, 5 con heo để làm lễ cúng. Thầy cúng báo cho người mất biết nguồn gốc của các lễ vật này. Sau đó, các con vật được làm thịt, một nửa dùng để nấu cho cả buôn làng đến viếng cùng ăn bữa cơm cuối với người mất, một nửa để lại cho các gia đình đem con vật đến cúng.
Đến chiều, mọi thủ tục đã xong, chỉ thầy cúng cùng một số người lớn trong gia đình ở lại bên nhà mồ. Thầy cúng bắt đầu cúng bỏ mả: “Hỡi linh hồn người mất! Hỡi Giàng! Đến ngày hôm nay, mọi công việc, mọi thủ tục về bỏ mả, chôn cất, cúng tế linh hồn người đã thực hiện xong. Tất cả gia đình, con cháu, dòng họ, bạn bè, buôn làng đã cùng ăn, cùng ở, cùng chung vui với linh hồn người trọn vẹn. Người chết biến thành ma, thành thần, thành thánh xin hãy đi luôn, không vướng bận trần gian. Xin linh hồn người phù hộ, độ trì cho gia đình, dòng họ, buôn làng cuộc sống bình an, tươi đẹp”. Sau đó, thầy cúng đập bể những vật dụng dùng cúng tế người mất như nồi, chén, chum… Kết thúc lễ cúng bỏ mả.
Hướng tới văn minh
Lễ cúng bỏ mả không thể thiếu trong dòng đời của người dân tộc Chăm trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Tuy nhiên qua thực tế, lễ cúng này còn tồn tại một số vấn đề như lãng phí của cải vật chất, thời gian diễn ra lễ khá dài (2 ngày 1 đêm) và tình trạng uống rượu, bia nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe…
Bà Kpă Hờ Den, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Sơn Hòa cho biết: Để duy trì lễ cúng lành mạnh, mỗi nhà cần tổ chức phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình, dòng họ, không nên lãng phí tiền của quá nhiều vào lễ cúng bỏ mả. Các cơ quan chức năng cần chung tay vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đưa những cách làm, mô hình hay về tổ chức lễ cúng, viếng người mất một cách văn minh, trang trọng, phù hợp với văn hóa từng tộc người để bà con học tập. Đặc biệt, sau lễ cúng bỏ mả, người dân cần dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ khu vực tổ chức lễ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, người dân không nên uống nhiều rượu, bia gây hại đến sức khỏe, mà có thể thay bằng thức uống khác.
Xã Cà Lúi là địa phương có cách làm hay để hỗ trợ những gia đình khó khăn có điều kiện tổ chức tang lễ cho người mất một cách đàng hoàng, tử tế, vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình. Đó là tất cả các hội, đoàn thể và mọi người dân trong buôn làng cùng đóng góp công sức, tiền của. Mỗi nhà góp một ít để hỗ trợ viếng, lo liệu tang lễ cho người đã khuất. Nhà có củi góp củi, có gạo góp gạo, có tiền góp tiền... Tùy theo hoàn cảnh mà mỗi gia đình góp ít hay nhiều. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện được sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc khi cùng sinh sống trên một địa bàn. “Chúng tôi mong muốn gửi đến tất cả các dân tộc anh em thông điệp: Hãy luôn yêu thương, đoàn kết, gắn bó lẫn nhau; cùng nhau giao lưu học hỏi những cái hay, cái đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày với các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiến bộ và cùng hướng đến một cuộc sống văn minh, lành mạnh, thụ hưởng tinh hoa văn hóa của các dân tộc một cách trọn vẹn nhất”, bà Kpă Hờ Den nói.
THIÊN LÝ