Thử thách 3 giờ đọc sách

Thứ năm - 10/11/2022 04:23
Đoàn khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh vừa phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức chương trình Thử thách 3 giờ đọc sách với chủ đề Thắp lửa sử thi. Chương trình đã thu hút gần 50 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh tham gia.

Đoàn khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh vừa phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức chương trình Thử thách 3 giờ đọc sách với chủ đề Thắp lửa sử thi. Chương trình đã thu hút gần 50 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh tham gia.

 

Các đoàn viên thanh niên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh với những cuốn sách sử thi đã được đọc trong chương trình. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Đến Thư viện tỉnh, chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận sự phấn khích, say mê của các em học sinh Trường PTDTNT tỉnh khi đọc từng trang sử thi của các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam trong không gian của thư viện.

 

Thắp lửa sử thi

 

Tại Thư viện tỉnh, gần 50 ĐVTN của Trường PTDTNT tỉnh đã được đọc hơn 100 tài liệu sử thi do Thư viện tỉnh trưng bày, phục vụ, như: Sử thi Tây Nguyên, Sử thi Chăm Hơroi Chi Bri - Chi Brit, Sử thi Mơ Nông, Sử thi Ê Đê, Sử thi Raglai và M’Nông… Các tài liệu này phản ánh một cách toàn diện đời sống của một dân tộc qua từng thời kỳ, đồng thời nói lên khát vọng của dân tộc ấy về cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng; ngợi ca tình yêu, lòng cao thượng, trí dũng của con người trước thử thách của thiên nhiên và trong đấu tranh với cái ác.

 

Em Mã Đào Thiên Lý, học sinh lớp 12B Trường PTDTNT tỉnh, chia sẻ: “Em thấy chương trình Thử thách 3 giờ đọc sách với chủ đề Thắp lửa sử thi là một hoạt động rất hay và bổ ích, nhất là với lứa tuổi học sinh. Tại đây, em đã được đọc cuốn Sử thi Tây Nguyên. Qua đó, em đã hiểu hơn về biến cố của dân tộc, xoay quanh những chiến công của những anh hùng có công bảo vệ buôn làng, chống lại những thế lực đen tối. Những nhân vật trong sử thi không mang tính cá nhân, mà đại diện cho ước vọng của cả cộng đồng, cho những cuộc đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả. Đó là những anh hùng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư…”.

 

Còn em Đào Thị Hà My cho biết: Cũng giống như Sử thi Tây Nguyên, nét khác biệt giữa các sử thi Chăm Hơroi Chi Bri - Chi Brit, Sử thi Mơ Nông, Sử thi Ê Đê... với các tác phẩm sử thi cổ điển khác trên thế giới như Ô-đi-xê, Kalevala… là đến nay, các sử thi này vẫn được lưu truyền nguyên bản trong Nhân dân, vẫn được trình diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Như vậy, các sử thi vẫn hiện hữu trong đời sống cộng đồng, thay vì chỉ tồn tại trên sách vở.

 

Trong thời gian 180 phút, ngoài được đọc các sử thi, các ĐVTN còn được tự do chọn sách đọc và nghiên cứu tại phòng đọc của Thư viện tỉnh; trao đổi phương pháp, kinh nghiệm đọc sách, ý nghĩa của việc đọc sách đối với mỗi người trong cuộc sống hiện nay. Ở đây, các ĐVTN được chơi mà học - học mà chơi giúp các em hứng thú, say mê đọc sách hơn. Cũng như khi đọc sách ở trường, lần này đọc sách ở Thư viện tỉnh, nhiều ĐVTN vẫn có thói quen mang theo một cuốn sổ tay và cây bút để ghi lại những câu văn hay, những ý kiến ấn tượng trong cuốn sách mình đọc. Sau khi lựa chọn được cuốn sách tâm đắc, nhiều ĐVTN sẽ tập trung vào đọc, nhưng cứ sau mỗi 45 phút đọc sách, nhiều em sẽ tạm nghỉ tại chỗ hoặc đi lại, thực hiện vài động tác giãn cơ đơn giản để thả lỏng đầu óc trong vòng 15 phút. ĐVTN nghĩ việc này sẽ giúp bản thân duy trì sự thích thú, xóa bỏ cảm giác gò ép với việc đọc.

 

Hình thành thói quen đọc sách

 

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE), khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Vì vậy, chương trình Thử thách 3 giờ đọc sách năm 2022 với chủ đề Thắp lửa sử thi là hoạt động thúc đẩy đam mê đọc sách nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong ĐVTN, hướng tới việc xây dựng một xã hội học tập.

 

Theo anh Nguyễn Lê Duy, Bí thư Đoàn khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh, chương trình Thử thách 3 giờ đọc sách năm 2022 với chủ đề Thắp lửa sử thi nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và khơi dậy phong trào đọc trong ĐVTN Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, chương trình còn tạo điều kiện để ĐVTN được tiếp cận tài liệu đa dạng, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam qua sách báo; tạo thói quen đọc, trao đổi kỹ năng, phương pháp tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. “Từ đó, chúng tôi mong muốn góp phần đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn thể ĐVTN; đồng thời nâng cao trình độ hiểu biết cho ĐVTN trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước”, anh Duy cho biết thêm.

 

Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay, chương trình Thử thách 3 giờ đọc sách là hoạt động thực hiện Kế hoạch phối hợp của Thư viện tỉnh và Đoàn khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong ĐVTN Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2020-2024. “Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của ĐVTN với việc học tập suốt đời; tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc xây dựng, cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời cho người dân”, bà Huệ nhấn mạnh.

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp