Kỳ 2: Những người gìn giữ âm thanh đại ngàn
Giai điệu, âm thanh được cất lên từ cồng chiêng là hồn núi linh thiêng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Ê Đê, Ba Na… Và những người luôn truyền lửa đam mê, gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng (DSVHCC) góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào DTTS, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam.
Với anh Rơ Ô Ble ở buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, mỗi khi cồng chiêng hư hỏng chẳng khác nào như mình đau bệnh. Vì vậy, anh luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao có thể chữa lành cho cồng chiêng, để tiếng cồng, tiếng chiêng được khỏe, được ngân vang cùng âm thanh đại ngàn như giữ gìn chính thân thể của mình luôn khỏe mạnh và vui tươi.
“Chữa bệnh” cho cồng chiêng
Chỉ mới vài năm kinh nghiệm trong việc chỉnh sửa cồng chiêng nhưng anh Rơ Ô Ble được xem như báu vật vì trong cộng đồng DTTS tại Phú Yên hiện nay rất hiếm những người biết nghề này. Mân mê từng chiếc cồng, chiếc chiêng như thể con mình, theo chia sẻ của Rơ Ô Ble, khi cha hay những thanh niên trong làng đánh cồng chiêng, anh luôn thấy say mê, háo hức. Vì vậy, khi các bộ cồng chiêng ngày một ít đi vì hư hỏng, anh cảm thấy đau lòng. Anh nghĩ, nếu không chỉnh được cồng chiêng, tiếng lạc tông, từng chiếc không hòa quyện với nhau thì bài cồng chiêng không còn hay nữa. Vì vậy, anh mày mò, tìm cách “bắt mạch”, để chữa bệnh cho cồng chiêng và từ đó trở thành “bác sĩ” khám, chữa bệnh bất đắc dĩ cho cồng chiêng.
Anh Ble bắt đầu lân la, lên tận Gia Lai để tầm sư học đạo nghệ nhân KSor Cốc để tìm tòi cách chỉnh cồng chiêng. Đây không phải là việc dễ dàng nhưng anh Ble không bỏ cuộc. Anh cố gắng dành thời gian nghiên cứu để chỉnh lại tiếng cho những chiếc cồng, chiếc chiêng hỏng. Ban đầu, anh cầm lên một chiếc chiêng hư, gõ mặt trước, mặt sau, gõ vòng tròn, gõ vào chính giữa, khi gõ mạnh, khi khẽ thăm dò. Sau mỗi nhịp gõ, anh dừng lại nghiêng tai lắng nghe âm thanh vang lên với độ cao, thấp khác nhau của từng chiếc lớn, nhỏ. Sau đó, chỉ với một chiếc dùi nhỏ, cùng đôi bàn tay khéo léo và một tâm hồn nhạy cảm với âm thanh, anh đã thổi hồn cho những chiếc chiêng phô tiếng, lạc tông được hồi sinh. “Nghề chỉnh cồng chiêng không phải học là được. Quan trọng hơn hết, người chỉnh cần có sự đam mê và năng khiếu trong thẩm thấu âm nhạc. Tôi nghĩ, bản thân mình còn phải học hỏi rất nhiều để có thể chữa lành cho nhiều “ca bệnh” khó hơn nữa”, anh Ble chia sẻ.
Hiện nay, bộ cồng truyền thống của người Ê Đê xã Krông Pa có một Sar lớn, gồm 6 chiếc và một trống cái (Hgơr). Đặc biệt là chiêng a ráp, du nhập từ người Gia Rai ở Tây Nguyên. Bộ chiêng này lúc đầu gồm 16 chiếc, được người dân nơi đây gọi là chiêng Tai hoặc a ráp Tai. Sau năm 1983, xã có thêm bộ chiêng 18 chiếc, trong đó có 3 chiếc chiêng núm làm chức năng giữ nhịp, các chiêng còn lại dùng để đánh tiết tấu, giai điệu. Theo thời gian, chúng bị hao mòn, cũ kỹ, hư hỏng, không truyền cảm vì âm thanh phô, chênh. Bởi vậy, vai trò của những người chỉnh cồng chiêng là rất quan trọng.
Ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho biết: “Để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS cần phải có người hiểu biết nhất định về văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, do địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa có sự hỗ trợ vật chất đầy đủ cho các thôn buôn, chủ yếu nhờ vào sự vận động đóng góp của cộng đồng, trong đó thanh niên là nòng cốt. Vì vậy, việc làm của anh Ble là rất đáng khích lệ trong việc bảo tồn vốn quý của dân tộc”.
Anh Rơ Ô Ble (thứ nhất hàng bên phải) cùng người dân tái hiện lễ cúng bỏ mả của đồng bào Chăm. Ảnh: THÙY THẢO |
Giữ gìn cho mai sau
Đến thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, hỏi anh Bùi Văn Hiệp, Đội trưởng Đội Cồng chiêng của thôn, người dân nơi đây ai cũng biết. Anh Hiệp là một trong những người nặng lòng với văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHCC. Hễ ai nhắc đến cồng chiêng là anh có thể say sưa chuyện trò cả buổi.
Bởi am hiểu về cồng chiêng của người Ba Na, anh Hiệp được người dân trong thôn tin tưởng giao tham gia nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc. Anh Hiệp kể lại, Đội Cồng chiêng thôn Xí Thoại được thành lập hơn 10 năm trước. Đội là nơi hội tụ những người đàn ông trong thôn thành thạo đánh cồng chiêng, tạo sân chơi lành mạnh, giúp mọi người thỏa niềm đam mê với âm nhạc truyền thống dân tộc. Hiện đội có hơn 20 thành viên, đều là người Ba Na. Từ khi đội cồng chiêng đi vào hoạt động, mọi người thường xuyên gặp gỡ và luyện tập ít nhất 1 lần/tháng; đi giao lưu với các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh khi có điều kiện để quảng bá hình ảnh của dân tộc mình. Nhờ vậy, cồng chiêng của đồng bào được gìn giữ, phát huy, hoạt động sôi nổi hơn.
Theo anh Hiệp, ngày trước, trong mỗi dịp lễ hội, năm mới, ngày quan trọng của dân làng không thể thiếu cồng chiêng. Vì đam mê tiếng cồng, tiếng chiêng, mà anh đi theo người lớn tham dự tất cả các lễ hội, mày mò học hỏi cách chơi các nhạc cụ này. Đến khi thành thục, anh cùng một số người lớn tuổi ở Xí Thoại luôn tìm cách để cùng nhau gìn giữ và truyền đạt lại cho lớp trẻ và con, cháu đời sau. Hiện nay, chỉ một số bạn trẻ có tâm huyết biết một chút về cách đánh cồng, đánh chiêng; anh rất mong có điều kiện bồi dưỡng, đào tạo cho các em, các cháu biết và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của ông bà xưa để lại. “Cồng chiêng là bản sắc của đồng bào DTTS nói chung và người Ba Na nói riêng; gắn bó như máu thịt, làm nên giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo của đồng bào DTTS. Mỗi lần biểu diễn cồng chiêng, chúng tôi cảm thấy thêm tự hào, nhất là những ngày lễ tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng được cất lên vang vọng như khẳng định sức sống mạnh mẽ cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, anh Hiệp bộc bạch.
Sinh sống tại xã Cà Lúi, ông KPă Vương, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, một người rất am hiểu văn hóa, lễ nhạc của buôn làng, dân tộc mình cho biết: Xã Cà Lúi là địa phương hiếm hoi trên địa bàn huyện Sơn Hòa còn giữ gìn khá nguyên vẹn cồng chiêng lễ nhạc. Văn hóa cồng chiêng đối với đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc Chăm xã Cà Lúi nói riêng không những là hình thức sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, là sân chơi, là đời sống tinh thần không thể thiếu của bà con. Có tiếng cồng tiếng chiêng, con người cảm thấy được sống trong một không gian thoải mái, hưởng thụ tinh thần và mang cả yếu tố tâm linh...
Theo ông KPă Vương, để gìn giữ vốn quý, di sản văn hóa cồng chiêng cho muôn đời sau, Nhà nước cần phục dựng một số lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS liên quan đến văn hóa cồng chiêng. “Chúng ta cần giáo dục người dân, lớp trẻ biết sử dụng, biết múa, biết nhảy, biết đánh cồng chiêng; thành lập các đội cồng chiêng, đưa hoạt động này trở thành sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng...”, ông Kpă Vương đề nghị.
Nghề chỉnh cồng chiêng không phải ai học là được. Quan trọng hơn hết, người chỉnh cần có sự đam mê và năng khiếu trong thẩm thấu âm nhạc. Tôi nghĩ, bản thân mình còn phải học hỏi rất nhiều để có thể chữa lành cho nhiều “ca bệnh” khó hơn nữa.
Anh Rơ Ô Ble ở buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa |
Kỳ cuối: Nhiều thách thức
THIÊN LÝ - THÙY THẢO