Nhà văn Thái Chí Thanh: Sống và viết hồn nhiên

Chủ nhật - 08/12/2024 04:46
Ở tuổi ngoài 70, nhà văn Thái Chí Thanh vẫn dành trọn vẹn cảm xúc sáng tạo cho thiếu nhi. Hồn nhiên, bình dị giữa đời thường, hồn nhiên bình dị trong từng trang viết, Thái Chí Thanh nói rằng “đứa trẻ” trong ông còn mãi. Có lẽ chính nhờ “đứa trẻ” ấy mà Thái Chí Thanh trở thành một cây bút nổi bật và bền bỉ ở dòng văn học thiếu nhi.
Nhà văn Thái Chí Thanh: Sống và viết hồn nhiên

Ở tuổi ngoài 70, nhà văn Thái Chí Thanh vẫn dành trọn vẹn cảm xúc sáng tạo cho thiếu nhi. Hồn nhiên, bình dị giữa đời thường, hồn nhiên bình dị trong từng trang viết, Thái Chí Thanh nói rằng “đứa trẻ” trong ông còn mãi. Có lẽ chính nhờ “đứa trẻ” ấy mà Thái Chí Thanh trở thành một cây bút nổi bật và bền bỉ ở dòng văn học thiếu nhi.

 

Nhà văn Thái Chí Thanh sinh năm 1953 tại Nghệ An. Ông nhập ngũ năm 1970, trở thành lính đặc công ở Tiểu đoàn 19 thuộc Sư đoàn 304, bao phen vào sinh ra tử trên những chiến trường ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất ngũ, tiếp tục theo đuổi ước mơ đèn sách. Mấy năm sau khi tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được cử sang Liên Xô (cũ) học cao học.

 

Vào thập niên 90 thế kỷ trước, Thái Chí Thanh là cây bút được chú ý trên văn đàn. Với những tác phẩm lôi cuốn, đầy cảm xúc dành cho thiếu nhi, Thái Chí Thanh đoạt nhiều giải thưởng uy tín. Năm 1997, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi in gần 10 đầu sách dành cho thiếu nhi, ông rẽ sang con đường ngoại giao, làm cán bộ ngoại giao tại Ba Lan từ năm 2002-2005, tại Mỹ từ năm 2009-2014. Rồi ông trở lại với văn chương - niềm đam mê lớn trong cuộc đời.

 

Canh cánh “món nợ” với đồng đội

 

Nhà văn Thái Chí Thanh hiện là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, biên tập viên NXB Hội Nhà văn. Ông đã ra mắt bạn đọc 14 đầu sách văn học, gồm đồng thoại, truyện ngắn, tiểu thuyết…; tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa. Không chỉ đắm đuối với văn chương dành cho các bạn đọc nhỏ tuổi, nhà văn Thái Chí Thanh còn biên kịch, sáng tác nhạc, có nhiều bài hát được thiếu nhi yêu thích.

 

* Trong những năm tháng khoác áo lính, cùng đồng đội xông pha trên các chiến trường, ông nhớ nhất điều gì?

 

- Tôi đi bộ đội cuối năm 1970, dù chưa đến tuổi. Năm 1972, tôi cùng đơn vị có mặt ở Quảng Trị; năm 1974 tôi có mặt tại Thượng Đức - chiến trường ác liệt bên sông Vu Gia ở Quảng Nam. Tôi bị thương hai lần. Thời gian trong quân ngũ dù ngắn so với cuộc đời nhưng những kỷ niệm không bao giờ phai, nó rất đẹp và cũng rất dữ dội. Bao nhiêu hy sinh, mất mát, những cao cả, đớn hèn đều thể hiện trong chiến tranh - môi trường khốc liệt nhất.

 

Lính đặc công chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình địch, cực kỳ nguy hiểm. Tôi nhớ, trong một trận đánh vào sân bay địch, Đại đội 43 bị lộ, anh em hy sinh hết cả.

 

Tôi theo chiến dịch cho đến ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

 

Sau giải phóng, Quân đoàn 2 của chúng tôi có 53 người đi thi, một người bị bệnh không thi được, còn 52 người thi, đều đỗ cả. Sau chiến tranh, người lính chúng tôi khao khát học. Nhưng rồi sau đó tôi nghĩ mình xa quê, xa bố mẹ và các em. Thế là, chuẩn bị đi học thì tôi xin ra quân, trở về miền Bắc, thi vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

 

* Tích cực cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong một thời gian dài, ông thấy mình đã nói được hết tiếng nói của chính mình và đồng đội trong chiến tranh chưa?

 

- Chắc là không bao giờ hết được. Mình có viết cả đời cũng không hết, cho nên đối với đồng đội thì mình vẫn còn một “món nợ” luôn canh cánh trong lòng.

 

Đồ họa: YÊN LAN

 

Viết bình dị, hồn nhiên và đầy cảm xúc

 

* Cơ duyên nào đưa ông đến với văn học thiếu nhi, thưa ông?

 

- Từ nhỏ tôi đã yêu văn học, đã làm thơ, viết văn, cũng đi thi và được giải đầu ở tỉnh. Vào bộ đội thì không có điều kiện nữa. Vào đại học, học ở Khoa Lịch sử thì mình thấy sử hay, muốn đi sâu vào sử. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc tại NXB Sự Thật. Vợ sắp cưới của tôi là họa sĩ; bạn bè cô ấy phần lớn là văn nghệ sĩ. Dịp nọ, tôi làm một số cuốn sách, tiếp xúc các nhà văn lớn và được họ truyền cảm hứng.

 

Nhà tôi ở phố Trần Quốc Toản, gần tòa soạn Báo Văn nghệ. Một lần tôi đi ăn phở, tôi ngồi gần các ông ở Báo Văn nghệ, nghe họ vừa ăn vừa trao đổi rằng cần bài cho thiếu nhi để đăng trên số báo tết. Tôi nghĩ: Hay là mình thử viết xem thế nào. Tôi viết truyện đồng thoại. Không quen ai ở tòa soạn Báo Văn Nghệ cả và cũng ngại, nên tôi đem bản thảo bỏ vào thùng thư trước cổng tòa soạn. Sau khi báo tết ra, tôi hồi hộp mở báo và thấy truyện của mình được in rất đẹp. Từ đấy mình cảm thấy tự tin.

 

Viết truyện nào cũng được đăng cả, thế là phấn khởi. Từ đó tôi viết nhiều cho các báo, càng viết càng đam mê. Tôi sớm được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

 

* Thành công trong vai trò nhà văn, ông lấn sân sang biên kịch và sáng tác ca khúc. Ông thấy văn chương chưa thể nói hết những điều muốn nói, hay vì niềm đam mê sáng tạo và tình yêu dành cho thiếu nhi quá lớn?

 

- Có lẽ là từ cảm xúc dành cho thiếu nhi. Hơn nữa, âm nhạc với văn chương có sự giao thoa, lan tỏa và tạo cảm xúc. Tất nhiên âm nhạc phức tạp hơn nhiều, bởi đòi hỏi nhạc lý.

 

Cách đây 8-9 năm, tôi sáng tác ca khúc đầu tiên và mang đến nhà hát, đưa cho ông Doãn Nguyên - con của nhạc sĩ Doãn Nho - xem. Ông ấy đánh đàn piano, bảo thế anh định dùng chủ âm gì? Tôi hỏi cần chủ âm à? Bởi vì tôi cứ ôm đàn guitar rồi hát, có biết chủ âm đâu. Ông ấy bảo anh chỉ thiếu mỗi chủ âm. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu thêm. Ca khúc đầu tay của tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát.

 

Về âm nhạc, tôi được nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha dạy trong 10 ngày liên tục. Ông ấy giúp tôi hệ thống lại và bổ sung kiến thức.

 

Tôi lọ mọ sang nhạc và hào hứng. Mỗi thứ một tí cho vui. Mình sáng tác không để đạt cái gì lớn cả. Thích thì làm, vui. Nhưng mà bao giờ cũng có cảm xúc, cũng run rẩy. Mỗi lần sáng tác nhạc là một lần xúc động như lần đầu tiên mình được làm, chứ không bị chai cứng. Đứa trẻ trong tôi còn mãi.

 

* Khi viết cho thiếu nhi, ông chú trọng đến điều gì nhất: cảm xúc hay tính giáo dục?

 

- Viết cho thiếu nhi trước hết phải hay, hấp dẫn thì các em mới đọc. Nếu muốn có tính nọ tính kia nhưng tác phẩm không hay thì trẻ em không đọc. Tôi thích viết giản dị. Tính giáo dục được đưa vào tác phẩm một cách cẩn thận, nếu không sẽ thành giáo điều, khô cứng. Đưa vào lộ quá thì không nên; phải đưa vào nhẹ nhàng như không thì mới thành công.

 

* Làm thế nào mà một người ngoài 70 tuổi vẫn viết cho trẻ nhỏ và viết hay, thưa ông?

 

- Có lẽ do cái tạng, cái duyên của từng người. Có những người còn trẻ nhưng viết lại thấy già, có người già viết vẫn thấy trẻ. Mình cứ sống hồn nhiên. Mình viết không vì thế nọ thế kia, cứ viết bình dị, quan trọng nhất là phải có cảm xúc.

 

* Xin cảm ơn nhà văn!

 

Ngoài truyện đồng thoại, nhà văn Thái Chí Thanh còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch bản... Một trong những kịch bản nổi bật của ông là Quỷ núi và tình yêu, đã được hãng phim hoạt hình dựng thành phim và đoạt giải Bông Sen Bạc (không có Bông Sen Vàng) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11.

 

Ở lĩnh vực âm nhạc, nhà văn Thái Chí Thanh có tập ca khúc Hạt sương ban mai, gồm 21 ca khúc dành cho lứa tuổi nhi đồng và 20 ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu niên. Sách được NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2021.

Năm 2024, ca khúc Trăng ơi… từ đâu đến? của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa được Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trao giải Khát vọng Dế Mèn.

 

YÊN LAN (thực hiện)

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp