Tiếng làng sáng một hồn thơ

Chủ nhật - 15/12/2024 08:30
Sau mấy mươi năm trải lòng trên trang viết, anh Phan Xuân Luật mới ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên: tập thơ . Chứa đựng biết bao cảm xúc, suy tưởng được tác giả “chưng cất” trong từng câu chữ, phác thảo chân dung một nhà thơ lớn lên từ làng Đông xứ Nghệ.
Tiếng làng sáng một hồn thơ

Sau mấy mươi năm trải lòng trên trang viết, anh Phan Xuân Luật mới ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên: tập thơ Tiếng làng. Chứa đựng biết bao cảm xúc, suy tưởng được tác giả “chưng cất” trong từng câu chữ, Tiếng làng phác thảo chân dung một nhà thơ lớn lên từ làng Đông xứ Nghệ.

 

Tôi sinh ra trong vòng tay của đất

Dân ca - câu hát đầu tiên tôi thuộc

Câu hát suốt đời đất đã dạy tôi.

 

Giêng ra về thăm quê bồi hồi

Thầu đâu rắc tím chiều lối ngõ

Em hai mươi ngược gió trên đường

Hun hút nhớ rặng tre làng một thuở

Thương hoài một chút bùn vương.

  

Kỷ niệm làng chật bê tông ý nghĩ

Đất một đời rơm rạ thơm hương.

                                       (Đất) 

 

Đậm dày cảm xúc trong Tiếng làng là những bài thơ về làng quê, về cha mẹ, gia đình, về đời sống... Nhà thơ Phan Xuân Luật thổ lộ: “Tôi rất yêu quê, cụ thể là yêu gia đình, yêu làng tôi, yêu vùng quê Yên Thành, xứ Nghệ của tôi. Tôi nghĩ rằng nếu không yêu chính nơi mình sinh ra và lớn lên thì sẽ không thể yêu một vùng đất nào khác”.

  

Người con của làng Đông

  

Anh Phan Xuân Luật là một người con ở Hoa Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Xã Hoa Thành ngày xưa có tên Tràng Thành, là một vùng đất học nổi tiếng, có tới 4 người đỗ đại khoa (tiến sĩ), 22 người đỗ trung khoa (cử nhân), hơn 80 sinh đồ và tú tài. Hai nghề chính của người dân trong xã là làm nông và dạy học. Qua bao thời gian, truyền thống hiếu học và truyền thống theo nghề giáo vẫn được gìn giữ. Năm 2016, Hoa Thành được biết đến với kỷ lục: Xã có hơn 2.000 người làm nghề giáo.

  

Ngôi làng nơi anh Phan Xuân Luật sinh ra và lớn lên, ngày xưa gọi là làng Đông, sau này làng mang tên nhà cách mạng Phan Đăng Lưu - một người con ưu tú của làng. “Điểm đặc biệt của làng tôi là cả làng là người một họ. Làng Phan Đăng Lưu có nhiều người làm nghề dạy học nhất xã Hoa Thành. Người làng yêu văn chương nghệ thuật”, anh Phan Xuân Luật tự hào cho biết. Nhà thơ Phan Xuân Hạt, nhạc sĩ Hồng Đăng (tên khai sinh là Phan Đăng Hồng), GS Phan Đăng Nhật, TS - kiến trúc sư Phan Đăng Sơn... đều là người làng Đông.

  

Phan Xuân Luật nói rằng anh gắn bó với quê không nhiều. 14 tuổi, anh rời quê vào TP Vinh học, sau đó ra Thủ đô, học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời gian thật trọn vẹn với quê chỉ có 14 năm, song hình ảnh làng quê từ thuở ấu thơ vẫn in đậm trong tâm trí. Không gian ấy, thời gian ấy ngưng đọng trong thơ Phan Xuân Luật: 

 

 Tháng ba rồi tiếng sấm cũng khác hơn

Trời đang nắng cơn mưa chiều chợt đến

Hoa gạo đỏ chưa một lần lỗi hẹn

Lại bừng bừng cháy dọc triền sông.

 

Tháng ba ong tất bật ngoài đồng

Phù sa ướt thơm nồng vị gió

Lúa đến thì ôm đòng chờ trổ

Đêm phập phồng lúa thở dưới trăng...

                                       (Tháng ba) 

 

Tập thơ Tiếng làng của nhà thơ Phan Xuân Luật. Ảnh: YÊN LAN

  

Cẩn trọng từng câu chữ trong sáng tác

 

Anh Phan Xuân Luật đến với văn chương rất sớm. Mới 10 tuổi anh đã viết vè, được phổ biến khắp làng. Năm học lớp 8, anh sáng tác bài thơ đầu tiên Sau cơn mưa buổi chiều, được đăng trên tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh.

 

Từ thời phổ thông đến khi vào đại học, ra trường rồi đi làm, anh vẫn sáng tác thơ, tuy không nhiều. Anh thổ lộ: “Tôi không dễ dãi trong sáng tác, không phải thấy gì viết nấy và cũng không làm thơ theo phong trào. Tôi quan niệm rằng thơ là một lĩnh vực tinh thần rất tinh túy và tinh tế, cho nên mình phải hết sức nghiêm ngắn trong sáng tác. Có cảm xúc, rung động thì mình mới viết. Thứ hai là phải có ý tưởng, tìm ra được tứ thơ thì mình viết. Tôi không ép buộc mình làm thơ, không gồng lên để mà viết”.

 

“Trung thành” với quan niệm sáng tác của mình, anh Phan Xuân Luật có những tác phẩm giàu cảm xúc và suy tưởng. Đây là một đoạn trong bài thơ Chùa làng:

 

...Hồn đất nước ở dân gian

Du dương tiếng vọng chùa làng nghìn năm

Những vang xa, những đục trầm

Bao cay đắng, những âm thầm xót xa...

Bao giặc giã, những can qua

Lạ chưa vẫn tiếng ngân nga chuông chùa

Nghìn năm cho đến bây giờ

Vẫn rêu phong một mái chùa làng ta.

 

Bên cạnh những bài thơ về làng quê, nhà thơ Phan Xuân Luật còn có những bài thơ xúc động về cha mẹ, gia đình. Anh viết về cha:

 

...Cha dặn ở hiền gặp lành, không được ác với ai

Đừng chi li thiệt hơn

Các con nhớ mà ứng xử...

Tuổi càng nhiều, thư cha viết dài thêm

Nét chữ chân phương một đời vẫn thế

Đầu thư bao giờ cũng mẹ cha vẫn khỏe

Nhà ta vẫn bình thường, các con đừng lo...

                            (Những lá thư cha viết)

 

Còn đây là những câu thơ anh viết về mẹ:

 

...Cả một năm lặn lội

Đồng xa với đồng gần

Cá kho từ giữa Chạp

Lợn tính từ đầu năm.

Mẹ vẫn manh áo vá

Quanh năm dưa với cà

Sương giăng thành sợi bạc

Nắng nỏ thành màu da.

Rồi cũng ba mươi tết

Đứa lớn vừa kịp về

Đứa nhỏ mừng áo mới

Ấm một chiều bếp quê.

                         (Mẹ) 

 

Nhà báo - nhà thơ Phan Xuân Luật sinh năm 1964, tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (Khoa Ngữ văn). Anh là một trong những người đầu tiên có mặt tại Đài Phát thanh Phú Yên ngay sau khi tái lập tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, nhà báo - nhà thơ Phan Xuân Luật làm Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

Sau khi ra mắt tập thơ Tiếng làng, nhà báo - nhà thơ Phan Xuân Luật sắp xuất bản tập bút ký Văn võ và..., tập tản văn Chuyện làng.

 

Tập thơ đầu tay của nhà thơ Phan Xuân Luật xinh xắn, gần 100 trang in. Hiện lên dung dị mà lấp lánh trong Tiếng làng là tình yêu làng quê, tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Trong Tiếng làng có: “Tuy Hòa mỗi ngày vẫn gió/ Như nốt nhạc trời xanh tháp cổ”; có nỗi nhớ nghẹn trong tim khi người thân yêu mãi mãi ra đi: “Cạn ngày, thơ bay thành khói/ Trắng đêm tóc bạc thành sương”; có phần máu thịt Gạc Ma với nỗi đau uất nghẹn: “Ơi những cánh hải âu chao liệng/ Ơi những tàu vào tàu ra/ Ơi những nồm nam/ Ơi sóng biển gần, ơi sóng biển xa/ Xin gửi câu thơ này đến với Gạc Ma/ Đến với Sinh Tồn/ Nơi những người bất tử/ Dựng bia chủ quyền bằng máu thịt xương ta” (Gửi về Gạc Ma).

 

Bên cạnh đó, Tiếng làng còn có những bài thơ trong trẻo dành cho con, như Bà và cháu, Mẹ và bé, Bé làm cô giáo, Bé buổi sớm, Ban mai của bé, Bé chờ ba, Bé và Cún, Mẹ Hằng, Viên bi của bé...

 

Nhà thơ Phan Xuân Luật chia sẻ: “Lúc đầu, tôi định đặt tên tập thơ là Nhớ làng. Sau đó tôi nghĩ tên Nhớ làng có lẽ sẽ bị trùng nhiều, và cũng chưa hay nên đổi thành Tiếng làng. Đó là sự đồng vọng tâm hồn của một người con về vùng quê nơi mình sinh ra, từ đó cộng hưởng những đồng vọng khác”.

 

Cố nhà thơ Lê Đạt - người được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 - từng nói: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Trong Tiếng làng, rõ ràng chữ đã bầu lên nhà thơ Phan Xuân Luật.

 

 YÊN LAN

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp